Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga lớp 9

Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây

Đề bài: Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, nhà thơ Nam Bộ nổi tiếng thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Văn chương của Đồ Chiểu chân chất, mộc mạc giản dị nhưng vẫn thấm đượm được hương vị của tình người, thể hiện được những nét đặc trưng trong tính cách của con ngươi Nam Bộ, đọc văn của ông ta thường cảm nhận được cái mộc mạc, chân thực trong từng áng thơ văn. Và một trong những tác phẩm điển hình cho cảm hứng, tư tưởng văn học của cụ Đồ Chiểu ta có thể kể đến ở đây đó chính là tác phẩm Lục Vân Tiên, hình ảnh của Lục Vân Tiên cũng chính là hình ảnh của những con người Nam Bộ đầy nhân nghĩa, mang trong mình những phẩm chất vô cùng đáng quý, ta có thể thấy rất rõ những phẩm chất, tính cách của nhân vật này qua trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của tác phẩm Lục Vân Tiên, đồng thời cũng là nhân vật mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng để kí thác những tư tưởng, quan điểm cũng như thể hiện một ước mơ về thế giới công bằng, con người sống với nhau bằng tình nghĩa chứ không phải bằng những thứ vật chất thông thường. Có thể nói trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là trích đoạn thể hiện được rõ nét và sâu sắc nhất được những phẩm chất đáng quý ở Lục Vân Tiên, cũng là một trong những trích đoạn hay nhất của “Lục Vân Tiên”.

Trước hết, hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên trước mắt của người đọc đó chính là hình dáng của một con người anh hùng, mang trong mình tinh thần chính nghĩa, căm ghét những cái xấu xa làm tổn hại đến cuộc sống của nhân dân, bênh vực, bảo vệ người dân thường vô tội khỏi những thế lực tàn ác:

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm đàng xông vô

Kêu rằng bớ đảng hung đồ

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Ấn tượng đầu tiên của ta về Lục Vân Tiên đó chính là một con người nhân nghĩa, ngay thẳng cùng với lí tưởng sống đầy cao đẹp. Trên đường đi, Lục Vân Tiên đã chứng kiến cảnh bọn cướp Phong Lai giữa ban ngày hoành hành cướp bóc của người dân vô tội. Chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” đó, Lục Vân Tiên không thể khoanh tay đứng nhìn, chàng không mảy may suy nghĩ mà bẻ cây bên đường rồi xông vào giữa đám cướp. Hành động bẻ cây bên đường tuy chỉ miêu tả phác qua, ta ngỡ như không có gì đáng nói lắm, nhưng chính những chi tiết nhỏ như vậy lại thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên.

Tâm lí thông thường của con người đó là thường e ngại trước những việc bao đồng, sợ sẽ ảnh hưởng đến bản thân mình. Nhưng hình ảnh của Lục Vân Tiên ở đây lại khác hẳn, nhìn thấy lũ cướp hoành hành tác quái, gây đau khổ cho người dân vô tội, chàng không mảy may suy nghĩ thiệt hơn dù chỉ một khắc mà bẻ cây làm gậy, hành động có phần vội vàng, nông nổi nhưng lại thể hiện được khí thế quyết liệt và tình thế khẩn trương của sự việc, chàng không ngần ngại xông vào một đám cướp mà tên nào cũng to lớn, khỏe mạnh, hung hãn. Câu nói “Kêu rằng bớ đản hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” đã thể hiện được lí tưởng, quan điểm sống của Lục Vân Tiên.

Làm người thì phải mang đến những điều tốt đẹp, phải giúp đỡ những người xung quanh chứ không phải gây ra đau khổ cho họ. Câu nói của Lục Vân Tiên cũng chính là lời tuyên chiến giữa chính nghĩa đối với thế lực phi chính nghĩa. Sau khi dẹp được lũ cướp Phong Lai, Lục Vân Tiên còn vô cùng ân cần, quan tâm đến người bị hại, muốn hỏi thăm, động viên để họ an tâm. Hành động này thể hiện được sự ấm áp trong tính cách, ở tình yêu thương mà Lục Vân Tiên dành cho những người xung quanh mình, vì sự giúp đỡ với chàng không phải là hời hợt, qua loa, mà giúp cho ra giúp:

“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong

Hỏi ai than khóc ở trong xe này?”

Nghe tiếng khóc ở trong xe, Vân Tiên đã đến gần để hỏi han quan tâm nhưng cũng là để thông báo cho người nọ yên tâm vì giờ lũ cướp đã bị dẹp tan, không còn mối đe dọa nào có thể đe dọa nữa. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga kể về sự tình cũng như thể hiện lòng biết ơn cứu giúp của Lục Vân Tiên đối với mình bằng cách muốn quỳ lạy tạ ơn. Lục Vân Tiên động lòng bởi một cô gái yếu đuối gặp phải chuyện không hay giữa đường, nhưng nghe thấy cô gái muốn ra gặp để lạy tạ ơn thì Lục Vân Tiên lập tức ngăn cản bằng lời nói có phần gấp gáp:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai

Tiểu thơ con gái nhà ai

Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì”

Như vậy, qua những câu thơ này, ta còn phát hiện ra những phẩm chất đáng quý nữa ở Lục Vân Tiên, đó là một con người coi trọng lễ tiết. Hành động ngăn cản của Lục Vân Tiên đối với Kiều Nguyệt Nga vừa là từ chối việc tạ ơn của nàng. Hơn hết là Lục Vân Tiên đề cao chữ lễ, trong xã hội phong kiến xưa, nam nữ không được tùy tiện gặp mặt, nói chuyện bởi quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân”, đặc biệt với người con gái, sự giao lưu, tiếp xúc với những người nam nhân không phải chồng của mình sẽ bị đánh giá về phẩm chất, từ đó thì cũng không được coi trọng.

Hiểu như vậy ta mới thấy được, Vân Tiên ngăn cản Kiều Nguyệt Nga bước ra hoàn toàn là vì phẩm tiết của nàng, Vân Tiên không muốn làm ảnh hưởng đến danh tiếng của một cô gái, những khuôn phép lễ giáo này đối với chúng ta ngày nay có thể thấy hơi cứng nhắc, nực cười, nhưng trong xã hội xưa lại không vậy. Một con người không chỉ có lòng nhân nghĩa mà còn đề cao những lễ giáo đạo đức thì quả là đáng quý, đáng được trân trọng. Một phẩm chất càng đáng quý hơn nữa, đó chính là quan niệm của chàng về việc nhân nghĩa. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga muốn báo đáp ơn cứu mạng thì Lục Vân Tiên khảng khái từ chối và nói ra phương châm sống của mình:

“Vân Tiên nghe nói liền cười

Làm ơn há dễ trông người trả ơn

Nay đã rõ đặng nguồn cơn

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Theo quan điểm của mình, Vân Tiên cho rằng làm ơn vốn xuất phát từ tinh thần chính nghĩa tự nguyện đầy chân thành, mong muốn chỉ là giúp người chứ không phải mong báo đáp, hàm ơn. Nay đã biết được rõ đầu đuôi câu chuyện thì cũng không nên tính toán thiệt hơn, bởi quan niệm của Lục Vân Tiên là làm việc nghĩa xuất phát từ tấm lòng, mà kiến nghĩa thì bất vi. Những người làm ơn vì lợi lộc vốn chẳng phải anh hùng.

Như vậy, trên trang văn hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên thật đẹp, thật đáng trân trọng, đó là hình ảnh của một người anh hùng luôn mang tinh thần chính nghĩa, chính trực, trọng lễ tiết và có lí tưởng sống đầy cao đẹp. Chính những phẩm chất ấy đã khiến cho hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên càng cao đẹp biết bao.

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn lớp 9, Soạn văn lớp 9, Học tốt Ngữ Văn lớp 9, Soạn Văn lớp 9 (ngắn nhất), Tài liệu học tập lớp 9

Đánh giá bài viết
14 3.753
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm