Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

"Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa

Văn mẫu lớp 9: "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu.

2. Thân bài

a. Khổ thơ đầu

Bỗng: chợt giật mình, không có sự chuẩn bị từ trước, cảm giác sững sờ, ngạc nhiên.

Hương ổi: đặc trưng của mùa thu, báo hiệu mùa thu đã về.

Phả: động từ chỉ hành động mạnh mẽ.

Chùng chình: tính từ, tạo cảm giác chậm chạp, lững thững.

Bức tranh mùa thu được tác giả Hữu Thỉnh khắc họa qua hình ảnh, cách nhìn, cảm nhận và cả tận hưởng: hương ổi, gió, sương,… đây là sự kết hợp của nhiều giác quan khác nhau mang qua bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cho bạn đọc hình dung ra những đặc trưng của mùa thu và bức tranh mùa thu nơi quê nhà thanh bình như được hiện ra rõ nét hơn, đẹp đẽ hơn.

b. Khổ thơ thứ hai

Dòng sông: không còn mang dòng chảy vội vã, hối hả mà giờ đây đi chậm lại để cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp yên bình của mùa thu.

Đàn chim: trong mùa thu tươi đẹp này, hình ảnh đàn chim nang nét đối lập với dòng sông. Nếu dòng sông lững thững, dềnh dàng để cảm nhận thời tiết mát mẻ, dịu dàng thì đàn chim lại vội vã, hối hả đi tìm thức ăn và sửa soạn lại tổ ấm của mình để đón chờ mùa đông khắc nghiệt sắp đến.

Đám mây: không còn mang màu xanh biếc của mùa hè oi bức, mây như trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn và uốn mình thành một đường cong mềm mại để chuyển dần sang mùa thu.

Động từ “vắt” thể hiện sư nghịch ngợm, dí dỏm của đám mây đồng thời làm cho đám mây như có hồn hơn, hình ảnh chuyển đổi như mềm mại hơn, thú vị hơn. Đám mây mới chỉ “nửa mình sang thu” vì vẫn còn lưu luyến mùa hè rộn rã.

→ Bốn câu thơ đã khắc họa những biến chuyển tinh tế của cảnh vật từ mùa hè sang mùa thu. Mỗi cảnh vật lại có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đã làm cho bức tranh mùa thu thêm thi vị hơn.

c. Khổ thơ cuối

Những dư âm của mùa hạ vẫn còn: đó là ánh nắng, là những cơn mưa, là tiếng sấm giòn. Tuy nhiên, tất cả đã trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn, không còn bất ngờ và gắt gỏng nữa.

Hai câu thơ cuối: Hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Đó cũng là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, con người càng trở nên vững vàng hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ đồng thời nêu cảm nghĩ về giá trị của tác phẩm.

II. Văn mẫu "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ

1. "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ - Mẫu 1

Tâm sự về bài thơ “Sang thu”, nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch: “Mùa thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được những nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa…điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình chính là hương ổi”. Từ một hương ổi dịu ngọt mà nhà thơ đã mở cánh cửa khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và cả tâm hồn con người. Chính vì vậy, "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa

Hình ảnh đất trời nên thơ được thể hiện ở bức tranh thiên nhiên Bắc Bộ lúc chớm thu. Tín hiệu đầu tiên của nàng thu là mùi ổi chín trong làn gió se lạnh:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Để miêu tả trọn vẹn vẻ đẹp của mùa thu, nhà thơ đã sử dụng rất nhiều giác quan như khứu giác, thính giác, thị giác, xúc giác. Từ “Bỗng” đặt ở đầu câu thơ cho thấy thái độ ngạc nhiên của nhân vật trữ tình. Hương thơm nồng nàn của ổi thật quyến rũ, như lắng lại qua động từ “phả” giàu sức gợi cảm. “gió se” là cơn gió đặc trưng của mùa thu đất Bắc, khác hẳn sự gắt gỏng của nắng hè. Hai câu thơ mở ra trong tâm trí người đọc không gian quen thuộc và thân thương của làng quê Việt. “Sương chùng chình” là cách nhân hóa đặc sắc, khiến thiên nhiên trở nên có hồn. Làn sương như một con người bước từng bước chậm rãi, dùng dằng đầy lưu luyến. Từ trạng thái ngỡ ngàng, nhân vật trữ tình đã mở lòng đón nhận niềm hạnh phúc khi mùa thu sang: “Hình như thu đã về”.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Ở khổ thơ thứ hai, bức tranh mùa thu được khắc họa cụ thể hơn với sự xuất hiện của những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc như dòng sông, cánh chim và đám mây. Cấu trúc đối tự nhiên ở hai câu thơ đầu cho thấy sự vận động nhịp nhàng của tạo vật. Dòng sông được nhân hóa với từ láy “dềnh dàng”. Đây vừa là chi tiết tả thực điệu chảy êm ái của con sông mùa thu vừa gợi liên tưởng kì thú. Sông như một con người đang tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi để ngẫm ngợi suy tư. Đối lập với sự chậm rãi ấy thì “Chim bắt đầu vội vã”. Từ láy “vội vã” gợi ra tâm thế gấp gáp, khẩn trương của những đàn chim chuẩn bị bay về phương Nam tránh rét. Hai động thái trái ngược được đặt cạnh nhau diễn tả sự vận động của tự nhiên lúc giao mùa. Tất cả mới chỉ chớm nở, “được lúc”, “bắt đầu”. Chi tiết “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu” đã gợi lên không gian khoáng đạt, cao vời vợi của bầu trời. Đám mây bồng bềnh kia chính là bước đi của thời gian, là cầu nối giữa hạ và thu. Làn mây mềm mại “vắt nửa mình” tựa như chiếc khăn mỏng quàng ngang lưng trời. Câu thơ đem đến cho người đọc cảm giác mây trời cũng vương vấn, luyến tiếc mùa hè nên mới chỉ chạm một nửa sang cửa ngõ mùa thu.

“Sang thu” không chỉ là những nét vẽ tươi đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Ở khổ thơ cuối cùng, tác giả sử dụng nghệ thuật đối rất tài tình giữa “Vẫn còn” và “vơi dần” để tái hiện sự vận động trái chiều của các hiện tượng tự nhiên. Vẫn là nắng, mưa mùa hạ nhưng đã bớt gay gắt, dữ dội. Những từ chỉ mức độ được sắp xếp theo thứ tự giảm dần đem đến cho người đọc những hình dung cụ thể, đậm nét hơn về sự xuất hiện của mùa thu. Câu thơ thứ ba là hình ảnh của “sấm” - một nét đặc trưng cho những cơn mưa rào tháng năm, tháng sáu. Khi thu đến, những tiếng sấm ấy cũng nhỏ lại, không còn đủ sức làm rung động đất trời, cây cối. Hoặc ta cũng có thể hiểu rằng hàng cây ấy đã “đứng tuổi”, trải qua bao sóng gió của cuộc đời nên không còn thảng thốt. Phải chăng, vẻ trầm lặng của hàng cây kia cũng chính là sự điềm đạm của con người khi đã trở nên dạn dĩ với những tác động bất thường của ngoại cảnh? Không chỉ câu thơ cuối mà tất cả các hình ảnh thiên nhiên trong bài đều gợi ra dáng vẻ con người trong những thời khắc khác nhau của cuộc đời. Con người từng trải ở độ tuổi xế chiều đã mất đi vẻ sôi nổi, táo bạo của thanh xuân nhưng lại trưởng thành, biết chiêm nghiệm hơn. Khi ấy, người ta vừa quyến luyến, bịn rịn những gì đã qua nhưng cũng cần gấp gáp, vội vã hòa nhịp với cuộc sống mới. Điều này gắn với hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ – năm 1977. Khi ấy, nhà thơ là người lính mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mĩ. Đứng trước thời đại mới với biết bao cảm xúc, nhà thơ đã gửi gắm tâm tư của mình vào thi phẩm này.

Bài thơ “Sang thu” đã thể hiện những cảm nhận tinh tế của tác giả về mùa thu, cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước cùng tư duy sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Để làm nên sự thành công của tác phẩm, nhà thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ với nhiều hình ảnh thơ gần gũi mà giàu sức gợi, ngôn ngữ trong sáng cùng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ.

Sang thu” thực sự là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất viết về mùa thu. Tác phẩm khép lại nhưng những dư vị, âm vang của mùa thu vẫn ngân mãi trong lòng người đọc.

2. "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ - Mẫu 2

Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên là đề tài muôn thuở để các nhà thơ sáng tác. Nếu cảnh vật mùa xuân thường tươi tắn đem đến niềm vui, sức sống mới thì mùa thu luôn gợi lên cảm giác bâng khuâng hoài cảm. Mùa thu đẹp với “lá vàng rơi xào xạc”, với “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Không ít nhà thơ để lại tên tuổi của mình trên thi đàn nhờ những bài thơ mùa thu bất hủ - Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Giờ đây, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khiêm tốn đóng góp vào vườn thơ mùa thu những cảm xúc bâng khuâng khi một góc quê hương vào tiết giao mùa. Bài thơ “Sang thu” chính là thông điệp của nhà thơ.

Bài thơ mở đầu bằng cái hương vị nhẹ nhàng lan toả, cái cảm giác se lạnh của không gian ở một miền quê nhỏ:

“Bỗng nhận hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Tín hiệu của mùa thu là những chi tiết mộc mạc, bình dị đến bất ngờ, mang đậm yếu tố ở một làng quê Bắc Bộ. Nhà thơ đã đến với mùa thu bằng cách ấy, bằng hương ổi trong gió se chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như lá vàng rơi, vòm trời cao xanh ngắt, gió heo may phảng phất, mùi hương cốm mới... Giải thích cho điều này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa Thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”. Cảm giác bất ngờ chợt đến “bỗng nhận ra”, chỉ một cụm từ thôi đủ để bộc lộ thái độ sững sờ của nhà thơ khi bắt gặp hương thu, tín hiệu đơn sơ từ cuộc sống.

Từ “hương ổi”, “gió se”, nhà thơ giật mình nhìn ra ngoài để rồi tiếp tục phát hiện thêm “sương chùng chình qua ngõ”. Sương thu ở đây không lạnh, không dày đặc như trong thơ của Tản Đà: “Sương thu lạnh… Khói thu xây thành” mà mờ ảo nhẹ nhàng lan tỏa khắp nơi. Nhờ có sương nên mùa thu dễ nhận ra hơn. Tác giả đã nhân hóa hình ảnh sương thu bằng cái cảm giác chùng chình như lưu luyến bâng khuâng, như ngập ngừng bịn rịn khiến cho sự vật trở nên sống động, có hồn. Tất cả sự biến chuyển của thiên nhiên được nhà thơ đón nhận bằng bằng nhiều giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác và cả trực giác tinh tế của một nhà thơ đang mở rộng tâm hồn với thiên nhiên cuộc sống.

Câu thơ cuối mở đầu bằng thành phần tình thái “hình như”. Tác giả đang bộc lộ cảm giác ngỡ ngàng bối rối trước sự chuyển mùa của đất trời. Sự bâng khuâng đầy nghi hoặc ấy càng làm tôn thêm vẻ huyền ảo của không gian lúc thu về.

Thế rồi, cái bỡ ngỡ ban đầu ấy được thay thế bằng niềm rung cảm mãnh liệt khi phát hiện ra hàng loạt tín hiệu khác của mùa thu:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Con sông ngầu đục phù sa lúc nào cũng cuộn chảy trong những ngày mưa mùa hạ giờ đây bỗng trở nên êm ả, dềnh dàng như đang ngẫm nghĩ, suy tư. Có vẻ đã qua rồi những cơn mưa mùa hạ cho nên dòng sông đã trở lại với vẻ bình yên phẳng lặng ban đầu của nó, một vẻ đẹp từng đi vào những vần thơ tuyệt cú của Bà Huyện Thanh Quan:

“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa Tràng giang phẳng lặng tờ”
(Tức cảnh chiều thu)

Tương phản với hình ảnh dòng sông, những cánh chim lại bắt đầu vội vã chuẩn bị cho chuyến bay về phương Nam tránh rét. Trong những đàn chim đang xôn xao vì làn gió lạnh của mùa thu, không biết có con ngỗng trời nào từng được cụ Nguyễn Khuyến miêu tả.

“Một tiếng trên không ngỗng nước nào”
(Thu ẩm)

Chỉ một từ “ bắt đầu” thôi, Hữu Thỉnh đã thể hiện sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc trước sự biến chuyển của thiên nhiên. Hai hình ảnh, hai trạng thái được xây dựng tương phản nhau, nhưng vẫn thống nhất cao : mùa thu đang về nhưng chưa về hẳn.

Tuy nhiên, tả mùa thu, nhà thơ không tả sắc xanh biếc của da trời mà chỉ chú ý đến một chút mây còn vương vấn không khí mùa hè:

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Chỉ một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy được cả cả bầu trời đang nhuộm sắc thu. Lối diễn đạt thật là độc đáo, giàu hình tượng. Chỉ một từ “vắt” thôi, ta có cảm giác như bầu trời được chia đôi với hai khoảng không gian của hai mùa Thu – Hạ. Và, trong đám mây mùa hạ ấy dường như phảng phất chút hơi lạnh của gió thu đang đến. Những chi tiết thực và hư cứ hoà lẫn vào nhau tạo nên một chất thơ lãng mạn đến lạ lùng.

Nối tiếp mạch cảm xúc của hai khổ trên, khổ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm cho chủ đề ý nghĩa của bài thơ thêm trọn vẹn:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Vẫn là những hình ảnh của thiên nhiên: “nắng”, “mưa”, “sấm”, “chớp”… nhưng mức độ cảm nhận trong thơ hoàn toàn khác hẳn. Bầu trời dường như vẫn còn lưu luyến những tia nắng rực rỡ của mùa hè, nhưng những cơn mưa đã dần dần vơi hết, và hàng cây lâu năm trên phố cũng quen dần với những tiếng sấm trong mưa. Nhưng, người đọc hoàn toàn có thể cảm nhận mùa thu trong hai câu thơ cuối được khẳng định bằng kinh nghiệm, bằng suy ngẫm chứ không phải bằng miêu tả. Đâu phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” vào cuối bài thơ. Phải chăng sự “ đứng tuổi” ấy là một cách nói để chỉ tâm hồn, cuộc đời của mỗi con người? Sự chín chắn điềm tĩnh của cây trước sấm sét bão giông phải chăng là sự từng trải chín chắn của con người khi tuổi đời đã chuyển dần “sang thu”? Đến đây, chúng ta mới hiểu tại sao các hình ảnh sự vật trong những khổ thơ trước cứ “chùng chình”, “dềnh dàng” hoặc có khi “vội vã”…

Thời gian cứ trôi dần qua, con người mãi tất bật với bao lo toan bận rộn, bỗng chốc nhìn lại thì mái tóc điểm sương- mùa thu cuộc đời đã đến bất chấp sự nghi hoặc, bất ngờ.

Tóm lại, chỉ vẻn vẹn có ba khổ thơ với thể thơ năm chữ, nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm của quê hương và cả những cảm xúc rất tinh tế, rất chân thật của nhà thơ trước sự thay đổi của đất trời của con người theo thời gian. Cùng với những bài thơ thu bất hủ của các nhà thơ lớp trước, Hữu Thỉnh đã tô điểm thêm cho vườn thơ một thoáng giao mùa tuyệt đẹp của thiên nhiên.

3. "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ - Mẫu 3

Khoảnh khắc giao mùa giữa “Nàng Hạ” và “Nàng Thu” có lẽ là khoảnh khắc lạ lùng, xốn xang nhất của tự nhiên. Và bởi thế, nó gieo vào lòng người những xôn xao rung động khiến ta cũng như giao hoà, đồng điệu. Những nét đẹp tinh tế, êm ái ấy thơ ca nào mà cưỡng lại được! Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử,... từng có bao áng thơ rung rinh về thời khắc đặc biệt ấy. Và Hữu Thỉnh cũng nhè nhẹ góp “một chút này” cho thi đề giao mùa: bài thơ “Sang thu”.

Nét đẹp chuyển thu của bài thơ là vẻ đẹp tinh tế, dịu dàng. Mở đầu bài thơ là sự chuyển động rất tinh vi của sự sống khi hạ dần qua và thu đang đến. Không như những nhà thơ khác cảm nhận màu thu qua sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng hay qua tiếng lá khô xào xạc:

“Ơ hay! Buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi... vàng rơi... Thu mênh mông”

(Bích Khê)

“Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô”

(Lưu Trọng Lư)

Cũng không day dứt, run rẩy như những câu thơ Xuân Diệu:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”,...

Hữu Thỉnh đón nhận mùa thu từ những dấu hiệu đời thường, gần gũi:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

Giữa những âm thanh, màu sắc và hương vị đặc trưng của mùa thu đang lan toả, chỉ có "hương ổi" làm nhà thơ bất chợt xao lòng. Đó là thứ hương vị thật dễ dàng để nhận ra ở chốn làng quê thôn dã. Nhưng có phải bởi quen thuộc quá nên đôi khi ta lãng đãng bỏ quên? Để đến khi nhận ra hết thảy chúng ta đều không khỏi bất ngờ: “Bỗng nhận ra hương ổi”. "Hương ổi" không chỉ lan toả mà còn vận động rất mạnh trong không gian: “phả vào trong gió se” như muốn quyện vào để giao hòa với gió. Có lẽ đó là sức sống dạt dào mà Hạ muốn tặng cho Thu chăng? Cơn gió se cũng là hình ảnh rất giản dị, quen thuộc. Đó là chút gió heo may se se lành lạnh mỗi độ đầu thu rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Trước Cách mạng, Xuân Diệu từng bị ám ảnh khôn nguôi bởi những làn gió ấy:

“Đã nghe rét mướt luồn trong gió”

“Những luồng run rẩy rung rinh lá”,...

Có điều đó có lẽ bởi nhà thơ của những cảm xúc cảm giác đang độ tuổi thanh xuân rạo rực đang khao khát uống trọn những rung động thiên nhiên. Hữu Thỉnh thì khác, không chỉ bởi đây là khoảnh khắc đầu thu dìu dịu mà còn bởi tuổi tác đã vững vàng, ông có đủ cái “tĩnh” để lặng lẽ quan sát những chuyến động của tự nhiên. Và như thế, “Sang thu” sẽ còn mang vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm mà điềm đạm, sâu sắc.

Hương ổiMàn sương thu hình như cũng muốn tận hưởng trọn vẹn hương thơm ngọt ngào và cái lạnh tinh vi đó mà "chùng chình" chưa muốn tan đi.

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Không gian có sự hoà hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu nhè nhẹ và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được. "Chùng chình" là sự cố ý muốn làm chậm lại, rung rinh, lay động (sự rung rinh lay động của làn sương hay là sự rung động trong tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh?). Vạn vật trong thời khắc chuyển mùa vì thế càng trở nên duyên dáng, nhịp nhàng. Cảm quan tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên đó để rồi xao xuyến: "Hình như thu đã về". Lời reo vui cũng thì thầm nhỏ nhẹ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu.

Sau giây phút ngỡ ngàng và khe khẽ mừng vui, tác giả lấy lại được cái điềm đạm vốn có để tiếp tục ngắm nhìn thiên nhiên đất trời:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu".

“Thu đã về” để sông không phải lo cuồn cuộn cuốn đi con lũ mùa hạ mà “được lúc” nghỉ ngơi “dềnh dàng”. Nhưng đàn chim cũng vì thế mà “bắt đầu” lo cho cái rét đang đến gần mà “vội vã" bay đi. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng cân đối đồng thời dựng lên hai hình ảnh đối lập nhau: Sông dưới mặt đất, chim ở trên trời; sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim “vội vã” lo lắng,... Hai hình ảnh xinh xắn đó được đặt cạnh nhau để khái quát không gian mặt đất và bầu trời. Đọc đến đây, ta nhớ đến hai câu thơ của Huy Cận cũng có sức bao quát như thế:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.”

Nhưng hai câu thơ của nhà thơ “Tràng giang” gợi nỗi rợn ngợp, bơ vơ thoáng chút thảng thốt, hãi hùng: mây liên tiếp nở bung ra “đùn núi bạc” như muốn phủ lấp tất thảy, cánh chim cô đơn mỏng manh như đang sa xuống mặt đất cùng ráng chiều. Còn ở đây, trong câu thơ Hữu Thỉnh, mặt đất êm đềm như dòng sông đang lắng mình suy tư; bầu trời cũng như nhỏ lại, ấm áp hơn theo nhịp vận động “vội vàng” của cánh chim chăm chỉ. Huống chi, trên nền trời ấy còn có hình ảnh một “đám mây mùa hạ / vắt nửa mình sang thu" diệu kỳ như chiếc cầu vồng rực rỡ sắc màu. Hình ảnh ấy khiến lòng ta rung động, không phải là "lớp lớp mây cao đùn núi bạc" hay "mây biếc về đâu bay gấp gấp" mà lại là "đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu". Có thể là một đám, hai đám hay nhiều hơn nữa nhưng có lẽ trong Sang thu mây không thể nào "lớp lớp mây cao" được. Vì mùa thu mới bắt đầu chưa thể nhuốm đượm lên "lớp lớp" sự vật được. Hình ảnh đám mây là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thỉnh. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, giàu sức gợi cảm.

Không chi cảnh vật mà cả những dấu hiệu của thiên nhiên thời tiết cũng đang ngả dần sang mùa thu dịu mát:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần trong mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Nắng, mưa, sấm đã là của cuối mùa nắng lửa. Ánh nắng chói chang ngày nào nay đã "vơi dần trong mưa" trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nhiều. Hai câu thơ cuối cùng gợi cho ta nhiều suy nghĩ, liên tưởng thú vị.

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã "đứng tuổi". Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng hơn. Hai hình ảnh "sấm" và "hàng cây đứng tuổi" vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng cho thấy một Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngạt ngào mà gieo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống. Có lẽ vì thế mà thơ thu, trong đó có Sang thu của Hữu Thỉnh rất giàu ý nghĩa.

Thời khắc “Sang thu” trong bài thơ của Hữu Thỉnh mang một vẻ đẹp tinh tế, trong sáng và dịu nhẹ. Đó là mùa thu của những rung động hồn nhiên, giản dị trong tâm hồn một người thơ đã “đứng tuổi". Và cũng bởi vậy, bài thơ không chỉ đẹp bởi những hình ảnh thơ xinh xắn, đáng yêu mà còn bời một tâm hồn nhạy cảm, giàu chất suy tư và rất đỗi nhân hậu với cuộc đời.

...............................

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu "Sang thu" không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
13 13.876
Sắp xếp theo

    Học tập

    Xem thêm