Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao
Nêu cảm nghĩ của em về Lão Hạc
- I. Dàn ý cảm nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên
- II. Văn mẫu Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc
- Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao mẫu 1
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 2
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 3
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 4
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 5
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 6
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 7
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 8
- III. Đoạn văn nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc
Lão Hạc là một tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao, có rất nhiều đề văn xoay quanh tác phẩm này. Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là một trong số những đề văn hay liên quan tới tác phẩm Lão Hạc. Để giúp các em triển khai bài viết này, VnDoc gửi tới các bạn dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài văn hoàn chỉnh, đạt kết quả cao.
I. Dàn ý cảm nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên
Dàn ý Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nam Cao, dẫn dắt vào truyện ngắn Lão Hạc và nêu khái quát về nhân vật Lão Hạc.
2. Thân bài
Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi dài bi thảm. Vợ mất sớm, nhà nghèo không đủ tiền cho con trai lấy vợ nên con lão bỏ đi làm đồn điền cao su để cho lão một mình cô quạnh.
Lão Hạc là người có tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu Vàng lão yêu quý nó, cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó, lão coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó là một con người.
Lão rất yêu thương người con trai đã bỏ đi đồn điền cao su, làm việc gì, suy nghĩ gì cũng hướng về con trai. Tiền bòn vườn lão để dành cho con, nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.
Nếu vì nhớ con mà lão Hạc không muốn bán cậu Vàng thì cũng chính vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Lão kể cho ông giáo nghe cảnh bán cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão đau khổ dằn vặt vì cảm thấy mình đã đánh lừa một con chó. Nỗi khổ tâm của lão cứ chồng chất mãi lên.
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Cuộc đời xô đấy khiến người cha hết mực yêu thương con không cách nào nhìn thấy con lần cuối đã phải rời xa cuộc sống này.
Lão Hạc mang trong mình tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Ngay cả lúc khó khăn tột cùng, lão vẫn từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo.
Lão xin Binh Tư ít bả chó để tự tử, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão, từ chối con đường tha hóa, đánh mất nhân cách. Cái chết của lão đầy xót xa và ám ảnh, nó là biểu hiện quyết liệt nhất cho lòng tự trọng của người nông dân chính trực tuy nghèo nhưng trong sạch.
3. Kết bài
Khát quát lại nhân vật Lão Hạc; đồng thời nêu cảm nghĩ của bản thân.
Dàn ý Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Lão Hạc và dẫn dắt vào nhân vật nhân vật lão Hạc.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.
2. Thân bài
Lão Hạc là người cha yêu thương con: khi con đi làm đồn điền cao su luôn nhớ về con, luôn cố gắng chắt chiu cuộc sống để sau này con có nền móng an cư lạc nghiệp.
Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ, bất hạnh: gia đình nghèo khiến người con trai phải đi làm đồn điền cao su vì không đủ tiền lấy vợ, lão ở một mình với con chó, rau cháo sống qua ngày, cuối đời vẫn sống trong cảnh cô quạnh vô cùng đáng thương.
Lão Hạc là một người có lòng nhân hậu, sống tình nghĩa: lão đối xử với con chó Vàng của lão rất tốt, coi nó như một người bạn tâm giao, lão ăn gì cho nó ăn nấy, cùng nhau bầu bạn trong cuộc sống. Đến khi túng quẫn vào bước đường cùng phải bán chó đi để lấy tiền, lão đã vô cùng đau khổ, day dứt, thậm chí đã chảy nước mắt vì đã lừa một con chó đã gắn bó với mình. Lão đau xót trước cảnh người ta trói con chó mang đi.
Lão Hạc là người giàu lòng tự trọng: dù là một người bạn thân của ông giáo nhưng lão không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của ông giáo. Vì xấu hổ khi đã lừa một con chó, lão quyết định tự tử bằng cách ăn bả chó để chuộc lỗi với nó, trước khi tự tử đã gửi lại ông giáo chút tiền để lo ma chay và nhờ ông giáo giúp đỡ trông coi mảnh vườn để cho cậu con trai khi về có cái làm ăn.
→ Lão Hạc là một người dân nghèo nhưng tốt bụng, có lòng nhân hậu, tự trọng và yêu thương con. Thế nhưng cuộc đời của lão Hạc vô cùng đau khổ, bế tắc, không có lối thoát, cuối cùng phải chọn 1 kết thúc đau khổ.
→ Số phận của lão hạc cũng là số phận của biết bao người nông dân khác trong xã hội phong kiến đương thời. Thông qua đó tác giả muốn tố cáo xã hội phong kiến bất công, thối nán, vì tiền
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề, nêu cảm nghĩ của bản thân về nhân vật lão Hạc.
Xem thêm: Lập dàn ý Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
II. Văn mẫu Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc
Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao mẫu 1
Đọc xong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, hẳn không ít người còn day dứt, dằn vặt và suy nghĩ về cái chết của lão. Chưa bao giờ ta lại thấy được rõ nét như lúc này về ranh giới giữa trắng và đen, giữa thị phi và đạo đức lại mỏng manh và nhập nhằng như lúc này. Cái chết của Lão Hạc là cái chết để nói lên tính cách, nhân cách của chính lão.
Lão Hạc là một nông dân nghèo, vợ lão chết để lại cho hai cha con lão một mảnh vườn, thằng con trai đã đến tuổi lấy vợ, nhưng vì nghèo quá không đủ tiền thách cưới. Con trai lão cũng vì thế mà bỏ đi làm đồn điền cao su năm hay sáu năm nay chưa thấy về. Lão Hạc đã tìm đến cái chết. Lão chết để lại cho mọi người sự bàng hoàng, xót xa. Có thể nói, lão chết vì đã nỡ lừa một con chó không? "Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó". Con chó đó được anh con trai lão mua về, khi anh đi làm thì để lại cho lão nuôi. Lão coi nó như một người bạn tri kỷ, một đứa con, đứa cháu tinh thần mà anh con trai để lại, khi ông nói chuyện với nó, ông gọi anh con trai là "bố cậu", thế nên ông đặt tên cho nó là "cậu Vàng". Có chuyện gì lão cũng kể cho cậu nghe, lão ăn gì, nó ăn nấy, có khi nó còn ăn nhiều hơn lão nữa. Vậy mà, lão quyết định bán nó. Nhưng quyết định bán cậu Vàng của lão đưa ra thật không dễ dàng chút nào. Lão đã nhắc đến chuyện này nhiều lần rồi, đến nỗi ông giáo "nghe câu ấy đã nhàm". Thế nhưng, lần này lão làm thật. Sau khi bán cậu Vàng không bao lâu, lão gửi mảnh vườn và tiền để lo ma chay của mình cho ông giáo. Lão tìm đến cái chết. Cái chết của lão thật đau đớn và kinh hoàng. "Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra. Khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết." Lão chết như để trả nợ với cậu Vàng, vì lão đã nỡ nhẫn tâm lừa nó. Lão không chọn cho mình một cái chết nhẹ nhàng hay không đau đớn, vật vã mà ngược lại. Dường như lão muốn được cậu Vàng tha thứ. Bởi với lão, cậu Vàng như một đứa con, một người bạn tri kỷ, một kỷ niệm mà anh con trai để lại. Khi vừa bán chó xong, lão sang ngay nhà ông giáo và nói "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!". Câu nói rất tỉnh táo, không hề có ý gì thương xót hay hối hận mà ngược lại, nó như có ý khoe khoang một việc gì đó. Vậy mà, chỉ sau đó một khoảnh khắc, Nam Cao đã tả ngay cho ta thấy "Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước". Và chỉ chờ một giọt nước, một tác động nhỏ là mọi cảm xúc, mọi kìm nén sẽ vỡ òa ra. "Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc ..." , chỉ sau một câu hỏi của ông giáo. Và sau khi bán chó đi, tâm hồn lão dường như trống rỗng. Lão chết như để trả lời cho câu trách móc của con chó mà lão tưởng tượng ra.
Nhưng tất cả không chỉ có vậy, lão chết vì tình thương mà lão dành cho con trai quá lớn lao, không gì có thể thay thể được. Và lão chết cũng là để cho xã hội đương thời lúc đó thấy được cách họ đã dồn ép những người nông dân lao động nghèo đến đói cùng đói cực như thế nào. Anh con trai lão yêu một cô gái và muốn cưới làm vợ, nhưng nhà gái lại thách cao quá, lão không đủ tiền để trả. Vậy là anh đòi bán mảnh vườn mà mẹ anh đã "thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi" mới mua được, nhưng lão không đồng ý. Lão hết lời khuyên ngăn, cuối cùng thì anh con trai cũng ưng thuận nghe theo. Bởi quá nghèo khổ, anh con trai quyết tâm đi làm ở đồn điền cao su mong thoát khỏi cuộc sống cùng cực, tủi nhục lúc bấy giờ. Lão ở nhà cùng với cậu Vàng. Với tình yêu bao la dành cho con trai, lão tự làm thuê để kiếm ăn qua ngày, còn tiền hoa lợi của mảnh vườn thì để ra, gom góp cho anh con trai để anh có tiền cưới vợ, hoặc có vốn làm ăn. Nhưng thật là, người tính không bằng trời tính. "Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ!" Bao nhiêu tiền của tích góp bấy lâu của ông đội nón ra đi theo tiền thuốc men, tiền ăn uống. Lão đau lòng, xót ruột lắm. Lão lại lo cho anh con trai của lão, lão sợ làm gánh nặng cho con mình. "Tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao? ..." Lão luôn đặt con trai ở vị trí trên cùng, quan trọng nhất, luôn tìm mọi cách để tốt cho con mà không quan tâm, không suy nghĩ gì cho mình hết. Lão trăn trở, suy nghĩ và lão quyết định. Lão gửi nhờ ông giáo trông hộ mảnh vườn, bao giờ con trai lão về thì giao lại cho nó, lão còn hai mươi lăm đồng bạc với năm đồng bán chó nữa là tròn ba mươi đồng, lão vét sạch, gửi ông giáo để phòng lo ma chay cho mình không lại phiền đến bà con hàng xóm. Từ đó "Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc." Lão sống như thế nào cũng được, chỉ cần lão không làm phiền đến ai, không làm gánh nặng cho con trai mình là lão vui rồi. Tấm lòng của người cha là vậy đó, tất cả những gì tốt đẹp nhất đều dành hết cho con cái của mình. Tới cùng cực, lão không cầm cự nổi nữa, lão tìm đến cái chết như để giải thoát cho mình, giải thoát cho anh con trai và cũng là giải thoát cho cái xã hội nghèo nàn đương thời mà lão đang sống. Lão tính toán tất cả, làm tất cả mọi việc chỉ để cho con trai lão có cuộc sống tốt hơn.
Gấp trang sách lại ta thấy Lão Hạc là một người nông dân lao động nghèo khổ gần bùn nhưng lại chẳng hôi tanh mùi bùn, mà ngược lại, lão lại là một người cha hết mực, hết lòng vì con cái. Là một người nhân hậu, thương yêu loài vật, đó là cậu Vàng. Cái chết của lão chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức những ai đang lầm đường, lạc lối, không được vì cái ăn, cái hư danh trước mắt mà bán đi linh hồn, nhân cách, phẩm giá của mình.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 2
Các tác phẩm của nhà văn Nam Cao trước năm 1945 thường tập trung vào những người nông dân và trí thức nghèo trong xã hội. Trong số đó, tác phẩm lão Hạc viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám với sự bần cùng, đau đớn. Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc.
Lão Hạc là câu chuyện cuộc đời người nông dân nghèo. Vợ mất, đứa con trai duy nhất vì không đủ tiền cưới vợ mà quyết chí đi đồn điền cao su. Vậy là một mình lão sống côi cút trong căn nhà xiêu vẹo cùng chú chó mang tên cậu Vàng. Lão sống mòn mỏi, bòn từng chút ít từ cái vườn mà lão dành cho đứa con trai. Đến khi biết không thể bòn được thêm nữa, lão đã làm văn tự dặn ông giáo chăm sóc giúp khu vườn, bán cậu Vàng rồi ăn bả chó mà tự tử. Cái chết của lão dữ dội và quằn quại, đau đớn như chính cuộc đời của lão. Lão Hạc là hiện thân của người nông dân trước Cách mạng, tuy nghèo nhưng có một phẩm chất cao đẹp mà dù trong hoàn nào, bi kịch thế nào vẫn luôn giữ gìn một tâm hồn vẹn toàn, trong sáng.
Đọc tác phẩm, điều mà chúng ta thấy ở lão Hạc là cuộc đời đầy bi kịch đau đớn. Vợ mất sớm, để lại cho lão đứa con trai. Nhưng nhà nghèo, đứa con trai đến tuổi lấy vợ lại vì nhà gái "họ thách nặng quá" khiến cho anh phải từ bỏ, từ đó sinh ra phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Đứa con trai duy nhất đi mất, lão côi cút một mình trong căn nhà ọp ẹp, chỉ có một con chó nhỏ - là thứ kỉ vật mà con trai lão mua, làm bạn. Lão Hạc sống trong cái đói nghèo, cái lạnh lẽo và cô đơn của tuổi già. Lão bòn từng củ khoai, từng mớ rau dại, "làm thuê kiếm ăn" mà sống qua ngày. Lão có khu vườn nhỏ, thế nhưng, lão nhất quyết không bán khu vườn ấy, tiền kiếm từ khu vườn, lão cũng "để riêng", dù có phải "ăn củ chuối", "ăn sung luộc", "ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc".
Tuy vậy, cuộc đời chẳng cho lão có phút giây nào thảnh thơi, phút giây nào được suy nghĩ cho bản thân mình. Cơn ốm kéo dài suốt một tháng đã lấy đi hết những gì lão dành dụm, đẩy lão vào bước đường cùng. Lão "yếu hẳn đi", công việc cũng bị người khác tranh mất. Tới bước đường ấy, lão quyết bán đi cậu Vàng - là đứa con tinh thần, là chỗ dựa dẫm duy nhất của lão rồi ăn bả chó tự tử. Cái chết của lão cũng vật vã, đau đớn và quằn quại như cuộc đời bi kịch của lão vậy. Cái chết của lão Hạc có thể cũng là một sự giải thoát cho cuộc đời quay quắt trong cái đói nghèo, đau khổ và cô độc của lão. Từ cuộc đời của lão Hạc, người đọc thấy được hàng trăm hàng ngàn những cuộc đời khác của những người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Họ sống trong đói nghèo, trong đày đọa từ xã hội nửa thực dân nửa phong kiến áp bức, bóc lột tới tận xương tuỷ.
Cuộc đời của lão Hạc đau khổ là thế, nhưng tận đến lúc chết, lão vẫn giữ nguyên cho mình một tâm hồn thanh sạch, trong sáng đến vô ngần.
Với người con trai của mình, lão dành hết tất cả yêu thương. Tuy nó đã đi đồn điền cao su và chính lão cũng đã nói "Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?". Thế nhưng, lão chưa từng nguôi ngoai hi vọng đứa con trai trở về kể cả đến lúc lìa đời. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, "láo yếu đi hẳn", không còn công việc, không thể kiếm ăn, bòn mãi vào cái vườn của thằng con trai rồi cũng hết. Vậy nên lão đã đưa ra một quyết định đau đớn là từ bỏ cuộc đời này để khỏi "ăn vào cái vườn" dành cho đứa con. Lão viết văn tự nhường lại cho ông giáo, nhờ ông giáo chăm lo khu vườn cho tới khi con lão trở về. Cả cuộc đời lão Hạc sống trong cô độc, đau đớn. lão chết đi là muốn giữ cho mình một nhân cách đẹp, giữ cho đứa con trai con đường sống cuối cùng. Là một người cha, lão thà hi sinh tất cả chứ không muốn đứa con của mình phải khổ cực, đói nghèo. Thế nhưng, cuộc đời dường như chẳng hề thương xót cho hoàn cảnh của lão. Bởi nó đã bắt lão rời xa cuộc đời mà chẳng thể nhìn mặt đứa con duy nhất lần cuối. Tình cảm mà lão dành cho đứa con khiến cho bất cứ ai cũng phải cảm động.
Tình yêu tình thương mà lão dành cho con, không thể đến được với đứa con trai nên lão gửi gắm nó qua cậu Vàng. Lão yêu cậu Vàng vô cùng, cưng nựng nó như cưng nựng một đứa cháu trai, bởi bao nhiêu yêu thương dành cho con, lão dành hết cho nó. Lão cho nó ăn trong bát "như một nhà giàu", có gì cũng chia sẻ cùng nó. Lão Hạc chăm lo nó hơn ả bản thân mình.
Không chỉ vậy, lão còn là một con người đầy lòng tự trọng. Lão tự trọng với cậu Vàng, với đứa con trai, với ông giáo, với hàng xóm láng giềng. Khi bán cậu Vàng, vốn một con chó được nuôi chỉ để thịt hay bán lấy tiền, ấy vậy mà khi lão Hạc bán cậu Vàng, lão lại ân hận, dây dứt, tự trách bản thân mình "bằng này tuổi đầu còn đi lừa một con chó". Sự đau xót nó chứa chan trong từng câu chữ mà lão thốt ra và càng đau đớn hơn là những giọt nước mắt của lão. Lúc lão khó khăn nhất, ông giáo đã ngỏ lời giúp đỡ, lão cũng từ chối, bởi lão có tự trọng,biết rằng vợ ông giáo không hề thích mình. Và cả đến cái chết, lão cũng lo tươm tất, không muốn phiền tới bà con. Những đồng bạc mà lão tiết kiệm cả đời, không dám ăn, lại dùng để ma chay cho chính bản thân mình, để không phiền lụy tới ai. Lão sống đến ngày xin Binh Tư ít bả chó đẻ tự tử, để giữ nguyên tấm lòng của mình, trong sáng, thiện lành. Lão nhất quyết không đi vào con đường tha hoá như Chí Phèo, như Mõ, ...
Cái chết của lão quả là vật vã, đau đớn như chính cuộc đời lão. Nó là biểu hiện của sự quyết liệt và chân thực nhất của cuộc đời lão Hạc. Có lẽ với lão, chết là một sự giải thoát khỏi một kiếp người dưới đáy của xã hội.
Nam Cao đã dựng lên hình ảnh một lão Hạc cực kì thành công, là một hiện thân của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Họ sống trong bóng tối, dưới đáy của xã hội, sống vật vờ, lay lắt, cô độc giữa cuộc đời. Những đoạn văn miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng xuất sắc, chen lẫn vào đó là những triết lý nhan sinh khiến ta phải suy ngẫm về cuộc đời.
Nhân vật lão Hạc của Nam Cao đã trở thành một hình tượng điển hình, tiêu biểu cho một từng lớp người nông dân hiền lành, chất phác trong xã hội. Và Nam Cao xứng đáng là một nhà văn xuất chúng với tài năng xuất sắc của mình.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 3
Nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao phần nào để lại cho người đọc ít nhiều suy nghĩ về cuộc đời bi thảm của Lão
Cuộc đời của Lão Hạc hết sức bi thảm. Lão có một người vợ và một người con trai độc nhất. Vợ lão lại mất sớm, cảnh gà trống nuôi con nhưng rồi con trai lão cũng bỏ lão để lên đồn điền cao su vì không đủ tiền cưới vợ. Trước khi đi lão được người con trai trao lại một kỉ vật là một con chó vàng nên lão rất yêu thương và đặt cho nó một cái tên hay Cậu Vàng. Năm ấy do đói kém mất mùa và bị bão lũ hoa màu bị mất hết lão đã bị một trận ốm nặng. Cuộc đời đau khổ đã dồn ép lão đến bước đường cùng, lão đành dứt ruột bán đi con chó Vàng một người bạn tâm tình của lão. Nhưng rồi khi bán xong lão lại thấy ăn năn hối hận và lão đã đi tìm cái chết bằng bả chó xin được của Binh Tư như để chuộc tội lỗi với cậu Vàng cũng là cách lão bảo vệ mảnh vườn cho con trai lão.
Lão Hạc là một nhân vật điển hình cho tầng lớp nông dân trong xã hội phong kiến. Tác giả Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Lão Hạc cũng như hình tượng người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng tám luôn có một phẩm giá tốt đẹp và một nhân cách trong sạch
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 4
Cuộc đời xô đẩy khiến người cha hết mực yêu thương con không cách nào nhìn thấy con lần cuối đã phải rời xa cuộc sống này. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt.
Khi một tác phẩm văn học khép lại, không có nghĩa là nó đã kết thúc mà có lẽ nó vẫn tiếp tục sống trong trái tim độc giả với những hình tượng mà tác giả xây dựng. Một trong những tác phẩm có sức sống mãnh liệt như thế là “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Dưới ngòi bút của nhà văn hiện thực nhân đạo sâu sắc, nhân vật Lão Hạc đã thực sự gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ đẹp nhân cách và cuộc đời quá đỗi đớn đau.
Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Nhân vật Lão Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân dù bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều bi kịch nhưng vẫn giữ vẻ đẹp tâm hồn trong sáng.
Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi dài bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Ngày này qua ngày khác, lão mòn mỏi mong con trở về trong cô độc khi không có ai chăm sóc, chỉ có con chó Vàng - kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống, trong cái đói nghèo và đơn độc. Đói, nghèo, lão quyết giữ mảnh vườn cho con, nhưng không thoát khỏi bi kịch cuộc đời. Cái đói nghèo khiến lão phải đớn đau bán đi người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Đứng trước sự xô đẩy của cuộc đời và con đường tha hóa, để giữ được tấm lòng thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết đau đớn, xót xa. Cuộc đời của lão Hạc là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao đã thông qua cuộc đời nhiều bi kịch đó của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn người nông dân tới bước đường cùng.
Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, nhân cách đẹp đẽ của lão Hạc vô cùng nổi bật. Trước tiên là tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quí nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người.
Với người con trai đã bỏ đi đồn điền cao su, lão yêu thương rất rất nhiều. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, rời quê hương đi đồn điền mà lão tự dằn vặt, ân hận mãi. Lúc con đòi bán vườn cưới vợ, lão không cho vì muốn giữ mảnh vườn cho con, nghĩ nếu cưới vợ mà bán thì về rồi sẽ sinh sống nơi đâu? Nhưng con trai lão không hiểu cho lão. Anh ta bỏ đi, để lại lão ở nhà vò võ chờ con. Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa mình. Những câu nói lão nói với cậu Vàng chất chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho con. Lão nói với cậu Vàng nhưng lại giống như nói với con mình. Lão yêu thương con vô bờ bến, làm việc gì, suy nghĩ gì cũng hướng về con trai. Tiền bòn vườn lão để dành cho con, nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.
Thế nhưng, trời bắt tội, lão Hạc ốm. Cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu đến số tiền đã dành dụm đó. Lão đã đau lòng biết bao khi phải dùng vào tiền cho con trai. Không những thế, vừa khỏi ốm, lão đã vội gửi ông giáo mảnh vườn cho con và tiền dành dụm. Thậm chí, lựa chọn cuối cùng của lão, cái chết của lão cũng là vì con. Lão chết không chỉ bởi muốn giữ nhân cách trong sạch mà còn muốn mở ra đường sống cho con lão bởi lão cho rằng sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy.
Cha mẹ vì con có thể chịu đựng, hi sinh tất cả, nhưng lựa chọn hi sinh cả tính mạng vì con như lão Hạc thực sự là chuyện đặc biệt xót xa. Cuộc đời xô đấy khiến người cha hết mực yêu thương con không cách nào nhìn thấy con lần cuối đã phải rời xa cuộc sống này. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Nó lặng lẽ trong tâm tưởng nhưng quyết liệt trong hành động. Tình yêu thương ấy quả thực vô cùng cảm động.
Là người cha hết mực yêu thương con, Lão Hạc còn mang trong mình tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Bán đi một con chó – con vật mà người ta nuôi vốn để bán, để giết thịt mà lão ám ảnh day dứt không nguôi. Lão tự trách mình vì “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”, nhớ ánh mắt của cậu Vàng mà dằn vặt không yên. Ngay cả lúc khó khăn tột cùng, lão vẫn từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Lão tự chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua, ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Lão xin Binh Tư ít bả chó để tự tử, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão, từ chối con đường tha hóa, đánh mất nhân cách.
Lão ăn bả chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn,… Cái chết của lão đầy xót xa và ám ảnh, nó là biểu hiện quyết liệt nhất cho lòng tự trọng của người nông dân chính trực tuy nghèo nhưng trong sạch. Chết là bi kịch là đớn đau, nhưng đồng thời cũng là con đường giải thoát cho cuộc đời nhiều gò ép, bất hạnh của lão Hạc, tạo nên hình tượng vô cùng đẹp đẽ.
Có thể nói, Nam Cao đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Với cốt truyện sâu sắc, phong cách kể chuyện độc đáo, lão Hạc hiện lên là nhân vật vô cùng đẹp đẽ, với tấm lòng và nhân cách đáng trân trọng. Qua cái nhìn của ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra những vấn đề triết lý nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt, tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật khéo léo. Tâm lý lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Những thành công về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là cuộc đời và vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc đã góp phần đưa truyện ngắn cùng tên trở thành một trong số những tác phẩm tiêu biểu của thời đại. Đặc biệt, hình tượng nhân vật lão Hạc đã trở thành hình tượng điển hình, tiêu biểu cho cả một tầng lớp đáng trân trọng của xã hội.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 5
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Ông lão nông dân nghèo khổ ấy đã tính toán mọi đường: Bây giờ lão chẳng làm gì được nữa… Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó, ta không được ăn vào của nó…
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 – 1945. Qua nhiều tác phẩm, tác giả đã vẽ nên khung cảnh tiêu điều, xơ xác của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Sự đói khổ ám ảnh nhà văn bởi nó ảnh hưởng không ít tới nhân cách, nhưng trong cảnh nghèo đói thê thảm, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân vẫn tồn tại và âm thầm tỏa sáng. Truyện ngắn Lão Hạc thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Trong đó, nhân vật chính là một nông dân gặp nhiều nỗi bất hạnh vì nghèo đói nhưng chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng.
Vợ mất sớm, lão Hạc dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con trai duy nhất. Lão sẽ sung sướng biết dường nào nếu con trai lão được hạnh phúc, nhưng con trai lão đã bị phụ tình chỉ vì quá nghèo, không đủ tiền cưới vợ. Thương con, lão thấu hiểu nỗi đau của con khi anh nghe lời cha, không bán mảnh vườn để lấy tiền cưới vợ mà chấp nhận sự tan vỡ của tình yêu. Càng thương con, lão càng xót xa đau đớn vì không giúp được con thỏa nguyện, đến nỗi phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền đất đỏ mãi tận Nam Kì. Mỗi khi nhắc đến con, lão Hạc lại rơi nước mắt.
Lão Hạc rất quý con chó vì nó là kỉ vật duy nhất của đứa con trai. Lão trìu mến gọi là cậu Vàng và cho nó ăn cơm bằng chiếc bát lành lặn. Suốt ngày, lão thầm thì to nhỏ với con Vàng. Với lão, con Vàng là hình bóng của đứa con trai yêu quý, là người bạn chia sẻ cô đơn với lão. Vì thế nên bao lần định bán con Vàng mà lão vẫn không bán nổi.
Nhưng nếu vì nhớ con mà lão Hạc không muốn bán cậu Vàng thì cũng chính vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Lão nghèo túng quá! Lão đã tính chi li mỗi ngày cậu ấy ăn thế bỏ rẻ cũng mất hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được… Thôi bán phắt đi, đỡ đồng nào hay đồng ấy. Bây giờ, tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của con. Tiêu lắm chỉ chết nó! Thế là vì lo tích cóp, giữ gìn cho con trai chút vốn mà lão Hạc đành chia tay với con chó yêu quý. Đã quyết như thế nhưng lão vẫn đau đớn, xót xa. Lão kể cho ông giáo nghe cảnh bán cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão đau khổ dằn vặt vì cảm thấy mình đã đánh lừa một con chó. Nỗi khổ tâm của lão cứ chồng chất mãi lên. Trước đây, lão dằn vặt mãi về chuyện vì nghèo mà không cưới được vợ cho con, thì bây giờ cũng chỉ vì nghèo mà lão thêm day dứt là đã cư xử không đàng hoàng với một con chó. Lão cố chịu đựng những nỗi đau đớn ấy cũng chỉ nhằm một mục đích là giữ gìn chút vốn cho con.
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Ông lão nông dân nghèo khổ ấy đã tính toán mọi đường: Bây giờ lão chẳng làm gì được nữa… Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó, ta không được ăn vào của nó… Ta không thể bán vườn để ăn… Chính vì thương con, muốn giữ cho con chút vốn giúp nó thoát khỏi cảnh nghèo mà lão Hạc đã chọn cho mình cái chết. Đó là một sự chọn lựa tự nguyện và dữ dội. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc với ông giáo, không ai có thể kìm nổi lòng xót thương, thông cảm và khâm phục. Một con người vì nghèo đói mà bất hạnh đến thế là cùng! Một người cha thương con đến thế là cùng!
Không chỉ có vậy, qua từng trang truyện, chúng ta còn thấy lão Hạc là người đôn hậu, chất phác. Suốt đời, lão sống quanh quẩn trong lũy tre làng. Trong làng chỉ có ông giáo là người có học nên lão tìm đến ông giáo để chia sẻ tâm sự. Lời lẽ của lão Hạc đối với ông giáo lúc nào cũng lễ phép và cung kính. Đó là cách bày tỏ thái độ kính trọng người hiểu biết, nhiều chữ của một lão nông. Cảnh ngộ lão Hạc đã đến lúc túng quẫn nhưng lão tự lo liệu, xoay xở, cố giữ nếp sống trong sạch, tránh xa lối đói ăn vụng túng làm càn. Thậm chí, lão kiên quyết từ chối sự giúp đỡ chỉ vì lòng thương hại.
Lão đã chuẩn bị kĩ lưỡng mọi việc. Trước khi chết, lão nhờ ông giáo viết văn tự để giữ hộ con trai mình mảnh vườn và gửi ông giáo 30 đồng để lo chôn cất. Lão không muốn mọi người phải tốn kém vì lão. Rất có thể vì tốn kém mà người ta lại chẳng oán trách lão sao? Không phiền lụy đến mọi người, đó cũng là cách để giữ gìn phẩm giá. Thì ra ông lão có vẻ ngoài gàn dở ấy lại có phẩm chất đáng quý biết nhường nào!
Nhà văn Nam Cao đã giúp chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm, bất hạnh vì nghèo đói cùng những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Từ những trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc chúng ta nhớ đến những con người nghèo khó mà trong sạch với một tình cảm trân trọng và yêu quý.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 6
Lòng tự trọng và đức hi sinh của người cha đã đưa lão đến một quyết định hệ trọng: Chọn cái chết để giữ được mảnh vườn cho con. Tấm lòng ấy của lão đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật ông giáo, trở thành một lời hứa thiêng liêng
Nếu ai đã đọc truyện ngắn Lão Hặc của Nam Cao, dù chỉ một lần, cũng không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết đầy thương tâm của nhân vật lão Hạc. Hình ảnh lão Hạc vật vã trong cái chết đau đớn, dữ dội cứ xoáy vào tâm trí người đọc, gợi lên trong lòng họ bao nỗi niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi.
Sinh rồi tử là quy luật muôn đời của tạo hóa, nào ai tránh được, âu đó cũng là chuyện bình thường. Trong cuộc sống của nhân loại, mỗi ngày có biết bao con người từ giã cõi đời để trở về nơi cát bụi! Phần lớn sự ra đi của họ là phù hợp với quy luật sinh tử của nhân gian. Song cuộc đời đâu chỉ là chuỗi êm đềm và phẳng lặng. Cuộc đời còn đầy đau thương và sóng gió, nên cũng có không ít những cái chết thương tâm.
Đứng trước những cái chết bất bình thường, trái tim nhân hậu của các nhà văn không khỏi bùi ngùi thương xót. Dòng lệ trong tim nhà văn chảy xuống ngòi bút thành những trang văn nấc nở nghẹn ngào. Nam Cao cũng vậy. Trong những sáng tác của ông, ta bắt gặp không ít những cái chết đau thương khiến ta nhức nhối. Từ cái chết của một lão già tự treo cổ mình, lưỡi thè ra ngoài (Lang Rận), đến cái chết lênh láng máu của Chí Phèo (Chí Phèo), từ cái chết bội thực sau một bữa no của một bà lão nhịn ăn đã lâu ngày (Một bữa no), đến cái chết vật vã: "đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc" của Lão Hạc.
Tại sao họ khốn khổ đến như vậy? Sống không yên mà chết cũng chẳng bình thường!
Ta hãy đọc lại đoạn văn Nam Cao mô tả cái chết của lão Hạc: "Lão Hạc đang vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình đến như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu".
Đâu phải chỉ có ông giáo và Binh Tư mới hiểu vì sao lão Hạc lại chết đau đớn và bất thình lình như vậy. Chúng ta cũng hiểu. Nhưng tại sao lão Hạc phải tự mình tìm đến cái chết? Phải chăng lão Hạc đã tuyệt vọng với cuộc đời, phải tự mình giải thoát cho mình? Lật giở lại những trang văn của truyện ngắn Lão Hạc, ta càng thấm thía điều đó. Cả đời lão Hạc chưa một lần sung sướng. Cả kiếp người lam lũ, cực nhọc, nghèo khổ, lão cũng chẳng dám kêu ca, phàn nàn, chỉ ngậm ngùi: kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn. Sau cả một chuỗi ngày dài cay đắng và bất hạnh, lão Hạc đã thực sự lâm vào cảnh cùng đường, không còn kế sinh nhai. Cái chết mà lão phải lựa chọn là tất điều tất yếu. Chính cuộc đời và xã hội đã xô đẩy lão tới cái chết. Vì thế cái chết của lão Hạc có ý nghĩa phê phán và phủ nhận xã hội một cách sâu sắc.
Một câu hỏi nữa lại đặt ra trong óc người đọc: nhưng tại sao lão Hạc lại phải chết khi trong tay có tới những 30 đồng bạc và ba sào vườn bán được giá? Phải chăng vì lão gàn dở và ngu ngốc? Không! Lão Hạc không ngu ngốc, càng không gàn dở! Cái chết của lão Hạc xuất phát từ lòng tự trọng của một người cha, của một con người, từ trái tim đầy cao thượng, và đức hi sinh của lão.
Là một con người sớm từng trải, có suy nghĩ nội tâm sâu xa, hơn ai hết, lão Hạc hiểu rất rõ giá trị của 30 đồng bạc mà mình đã chắt chiu dành dụm kia: ăn mãi hết đi thì đến lúc chết thì lấy gì mà lo liệu? Sống, lão đã không muốn phiền lụy đến mọi người, thì chết lão không thể làm phiền lụy đến họ.
Có thể có những suy nghĩ ở người này, người khác: Ôi dào, cần gì phải lo xa, chết hãy hay, hoặc chết là hết, còn biết gì đâu mà cần. Lão Hạc không nghĩ như vậy, lão hiểu rõ cái tình của người Việt Nam: Nghĩa tử là nghĩa tận. Lão biết là dù lão chẳng có đến một xu thì khi lão nằm xuống, bà con chòm xóm vẫn lo liệu cho lão chu đáo. Mà họ nào có giàu có gì, họ cũng nghèo khổ như lão. Lão không thể cho phép mình là gánh nặng cho mọi người. Chao ôi, sự tự trọng và tấm lòng vị tha, cao thượng của một con người, sao mà đẹp thế, xúc động đến thế!
Vậy còn ba sào vườn? Đó là tấm lòng, là tình cảm của người vợ quá cố dành cho con. Đó cũng là ước nguyện và tình yêu của lão đối với con. Lão không thể xâm phạm. Lòng tự trọng và đức hi sinh của người cha đã đưa lão đến một quyết định hệ trọng: Chọn cái chết để giữ được mảnh vườn cho con. Tấm lòng ấy của lão đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật ông giáo, trở thành một lời hứa thiêng liêng: Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào… Lão Hạc vẫn có thể còn một kế sinh nhai khác là theo gót Binh Tư để kiếm ăn". Liệu một người trong sạch và lương thiện như lão Hạc có thể bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để có miếng ăn? Là một người có bản tính trong sạch và lương thiện, lại rất tự trọng, lão Hạc hiểu rõ miếng ăn là miếng nhục. Lão thà chết chứ không chịu sống mà tiếng xấu để đời.
Càng suy ngẫm, ta càng hiểu rõ quả thực lão Hạc không còn giải pháp nào khác ngoài việc phải lựa chọn cái chết. Cái chết ấy làm ngời lên bao phẩm chất của một con người đáng kính. Tưởng như không còn cần bàn thêm gì cái chết của lão Hạc. Nhưng chúng ta cũng nên đặt thêm một câu hỏi nhỏ: Tại sao lão Hạc không chọn cái chết nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn? Phải chăng lão muốn chọn một cái chết đau đớn và dữ dội để tự trừng phạt mình vì đã trót lừa một con chó? Rất có thể như vậy. Thêm một lần nữa ta hiểu thêm về tấm lòng nhân hậu của lão Hạc.
Lão Hạc đã chết! Một cuộc đời đã kết thúc, khép lại bao lo buồn, đau khổ! Nhưng trang văn của Nam Cao chẳng bao giờ khép lại, mà cứ mở ra trong tâm hồn bạn đọc bao trăn trở, suy ngẫm về con người, về cuộc đời.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 7
Lão Hạc chính là hình ảnh đại diện của người nông dân trong bối cảnh nghèo khó túng quẫn đó. Một người nông dân bị dồn tới đường cùng của sự nghèo khó, chèn ép, cô đơn…
Nhà văn Nam Cao là nhà văn của phong trào hiện thực. Những tác phẩm của nhà văn Nam Cao đều có giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm đều là một bản tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả Nam Cao.
Qua những tác phẩm của mình tác giả Nam Cao đã thể hiện cái nhìn nhân sinh quan của mình với thời cuộc, với những mảnh đời nông dân bất hạnh chịu nhiều éo le trong cuộc sống.
Tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao lấy bối cảnh trong những năm 1945 khi mà nước ta đang lâm vào nạn đói trầm trọng, người nông dân khốn khổ bởi chế độ một cổ hai tròng.
Truyện ngắn Lão Hạc được tác giả Nam Cao viết lại qua lời kể của thầy giáo Thứ một nhân vật trong truyện. Thể hiện sự tinh tế của tác giả, đồng thời thể hiện sự công bằng khách quan hơn trong cách kể về nhân vật Lão Hạc.
Qua những lời kể mộc mạc, giản dị của tác giả Nam Cao đã khắc họa lên một người nông dân gầy gò khắc khổ, nhưng hiền lành, lương thiện. Ông có tấm lòng yêu thương con bao la vĩ đại, một tình cảm thương con vô bờ bến.
Thông qua những lời văn của mình Nam Cao đã tái hiện lại một xã hội Việt Nam với những mảnh đời bất hạnh vì nghèo khổ, túng quẫn, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân hậu của tác giả khi ông đồng cảm với những số phận của người nông dân bần cùng.
Cuộc đời Lão Hạc có nhiều bất hạnh, vợ lão mất sớm lão có chỉ có người con trai là người thân duy nhất, là nguồn sống của lão. Nhưng sau khi con trai lão bị người yêu phụ tình vì quá nghèo. Nên nó sinh chán đời xin đi đồn điền cao su làm phu cao su. Con trai lão trước khi ra đi có lời thề nguyền rằng bao giờ có tiền mới về nhà.
Nhưng, đồn điền cao su là nơi nổi tiếng vất vả, bóc lột sức lao động của con người. Những người đi đồn điền cao su khi đi thì to khỏe, lực lưỡng, lúc về thì ai cũng gầy gò, bủng beo, bệnh tật. Nhiều người đi nhưng không còn mạng để trở về vì những khắc khổ, ở vùng đó.
Trước khi ra đi con trai lão có mang về một con chó. Con trai lão đi rồi lão nuôi con chó và coi nó như là con trai mình. Lão thương nó như tình cảm của người cha dành cho con trai mình lão ăn gì thì nó ăn đó. Lão Hạc thường âu yếm gọi con chó của mình là Cậu Vàng. Lão kể cho nó nghe đủ thứ chuyện vui buồn trong cuộc sống của mình. Nó giống như đứa con nhỏ của lão vậy.
Những ngày tháng cô đơn lẻ loi, lão Hạc chỉ có con chó là niềm vui là nguồn tâm sự, là niềm vui của cuộc đời mình. Nhưng trong thời buổi đói kém, khó khăn, đến nuôi thân còn không nổi, lại nuôi thêm con chó, nên lão không còn cách nào khác phải bán con chó của mình đi.
Lão Hạc chính là hình ảnh đại diện của người nông dân trong bối cảnh nghèo khó tũng quẫn đó. Một người nông dân bị dồn tới đường cùng của sự nghèo khó, chèn ép, cô đơn… Nhưng dù thế nào lão cũng vẫn giữ được phẩm hạnh, đạo đức làm người của mình, lão nhất định không để cái xấu, cái ác thao túng tâm hồn mình.
Lão Hạc có một mảnh vườn là tài sản của vợ lão để lại cho con trai trước khi bà ấy qua đời. Nhưng con trai lão đi mãi không về. Gia đình của Bá Kiến nhiều lần nhăm nhe, tìm cách gạ gẫm lão bán rẻ mảnh vườn cho gia đình lão Bá Kiến nhưng lão Hạc cương quyết không bán. Gạ mua không được gia đình Bá Kiến đang âm mưu cướp không mảnh vườn của lão Hạc.
Chúng định dùng thủ đoạn vu oan giá họa cho lão Hạc tôi ăn cắp chưa chấp đồ quốc cấm rồi tống lão vào tù thế là buộc lòng lão Hạc phải gán nợ mảnh vườn cho gia đình Bá Kiến để không phải chịu cảnh tù đày oan ức. Một xã hội mà người xấu, kẻ ác làm chủ xã hội khiến cho những người nông dân nghèo khổ như lão Hạc đã nghèo khổ càng nghèo khổ hơn.
Lão Hạc biết âm mưu của Bá Kiến nên ông đã nhanh hơn một bước. Ông mang hết giấy tờ nhà đất, rồi tiền bạc dành dụm được sang nhà anh giáo Thứ gửi ở bên đó, nhờ anh khi nào con trai lão về thì đưa cho con trai lão. Còn tiền lão gửi để chẳng may lão có mệnh hệ nào không sống được thì nhờ anh giáo và bà con làng xóm làm ma chay giúp mình.
Lão Hạc là người nông dân lương thiện có tấm lòng thương con vô bờ bến, thà chết chứ nhất định không để mất tài sản danh dụm cho con. Lão chết rồi cũng không muốn làm phiền tới hàng xóm, một người có lòng tự trọng, đến chết vẫn còn tự trọng
Cái chết của lão Hạc là một tình tiết nhiều bi kịch nó lấy đi của người đọc rất nhiều nước mắt. Nó chính là hành động tố cáo tội ác của xã hội cũ một cách sâu sắc. Một xã hội thối nát chà đạp lên quyền sống, quyền làm người của những người nông dân khốn khổ, cơ cực.
Một xã hội nhiều bất công đẩy những người hiền lành lương thiện vào chỗ đường cùng phải tự tìm tới cái chết để giải thoát chính mình.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 8
Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng!
Con chó – cậu Vàng như cách gọi của lão là hình ảnh kỷ niệm duy nhất của đứa con. Hơn thế, cậu Vàng còn là nguồn an ủi của một ông lão cô đơn. Lão cho cậu ăn trong bát, chia xẻ thức ăn, chăm sóc, trò chuyện với cậu như với một con người. Bởi thế, cái ý định “có lẽ tôi bán con chó đấy” của lão bao lần chần chừ không thực hiện được. Nhưng rồi, cuối cùng cậu Vàng cũng đã được bán đi với giá năm đồng bạc.
Cậu Vàng bị bán đi! Có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất đời của lão. Năm đồng bạc Đông Dương kể ra là một món tiền to, nhất là giữa buổi đói deo đói dắt. Nhưng lão bán cậu không phải vì tiền, bởi “gạo thì cứ kém mãi đi” mà một ngày lo “ba hào gạo” thì lão không đủ sức. Cậu Vàng trở thành gánh nặng, nhưng bán cậu rồi lão lại đau khổ dày vò chính mình trong tâm trạng nặng trĩu.
Khoảnh khắc “lão cố làm ra vui vẻ” cũng không giấu được khuôn mặt “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén của lão Hạc như cắt nghĩa cho việc làm bất đắc dĩ, khiến ông giáo là người được báo tin cũng không tránh khỏi cảm giác ái ngại cho lão.
Ông giáo hiểu được tâm trạng của một con người phải bán đi con vật bầu bạn trung thành của mình. Cảm giác ân hận theo đuổi dày vò lão tạo nên đột biến trên gương mặt: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”.
Những suy nghĩ của một ông lão suốt đời sống lương thiện có thể làm người đọc phải chảy nước mắt theo: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Bản chất của một con người lương thiện, tính cách của một người nông dân nghèo khổ mà nhân hậu, tình nghĩa, trung thực và giàu lòng vị tha được bộc lộ đầy đủ trong đoạn văn đầy nước mắt này.
Nhưng không chỉ có vậy, lão Hạc còn trải qua những cảm giác chua chát tủi cực của một kiếp người, ý thức về thân phận của một ông lão nghèo khổ, cô đơn cũng từ liên tưởng giữa kiếp người – kiếp chó: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn”.
Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng! Hiện thực thật nghiệt ngã đã dứt đứa con ra khỏi vòng tay của lão, cái đói cái nghèo lại tiếp tục cướp đi của lão người bạn cậu Vàng. Bản thân lão như bị dứt đi từng mảng sự sống sau những biến cố, dù cho cố “cười gượng” một cách khó khăn nhưng lão dường như đã nhìn thấy trước cái chết của chính mình. Những lời gửi gắm và món tiền trao cho ông giáo giữ hộ sau lúc bán chó có ngờ đâu cũng là những lời trăng trối.
Kết cục số phận của lão Hạc là cái chết được báo trước nhưng vẫn khiến mọi người bất ngờ, thương cảm. Quyết định dữ dội tìm đến cái chết bằng bả chó là giải pháp duy nhất đối với lão Hạc, để lão đứng vững trên bờ lương thiện trước vực sâu tha hoá. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ.
Xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật tôi là người bạn, là chỗ dựa tinh thần của lão Hạc. Những suy nghĩ của nhân vật này giúp người đọc hiểu rõ hơn về con người lão Hạc. Nhân vật lão Hạc đẹp, cao quý thực sự thông qua nhân vật tôi.
Cái hay của tác phẩm này chính là ở chỗ tác giả cố tình đánh lừa để ngay cả một người thân thiết, gần gũi với lão Hạc như ông giáo vẫn có lúc hiểu lầm về lão. Sự thật nhân vật tôi cố hiểu, cố dõi theo mới hiểu hết con người Lão Hạc. Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó, ông giáo ngỡ ngàng, chột dạ: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có cái ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn”. Chi tiết này đẩy tình huống truyện lên đến đỉnh điểm. Nó đánh lừa chuyển ý nghĩ tốt đẹp của ông giáo và người đọc sang một hướng khác: Một con người giàu lòng tự trọng, nhân hậu như lão Hạc cuối cùng cũng bị cái ăn làm cho tha hoá, biến chất sao? Nếu Lão Hạc như thế thì niềm tin về cuộc đời về ông giáo sẽ sụp đổ, vỡ tan như chồng ly thủy tinh vụn nát.
Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bả chó của lão Hạc, ông giáo mới vỡ oà ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”. Đến đây truyện đi đến hồi mở nút, để cho tâm tư chất chứa của ông giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về lão Hạc và người nông dân... “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dỡ, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa bỉ ổi ... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”.
Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của Nam Cao. Ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia xẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương.
Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ.
Chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật tôi trực tiếp kể lại toàn bộ câu chuyện cho nên ta có cảm giác đây là câu chuyện thật ngoài đời đang ùa vào trang sách. Thông qua nhân vật tôi, Nam Cao đã thể hiện hết Con người bên trong của mình.
Đau đớn, xót xa nhưng không bi lụy mà vẫn tin ở con người. Nam Cao chưa bao giờ khóc vì khốn khó, túng quẫn của bản thân nhưng lại khóc cho tình người, tình đời. Ta khó phân biệt được đâu là giọt nước mắt của lão Hạc, đâu là giọt nước mắt của ông giáo: Khi rân rân, khi ầng ực nước, khi khóc thầm, khi vỡ oà nức nỡ. Thậm chí nước mắt còn ẩn chứa trong cả nụ cười: Cười đưa đà, cười nhạt, cười và ho sòng sọc, cười như mếu ...
Việc tác giả hoá thân vào nhân vật tôi làm cho cách kể linh hoạt, lời kể chuyển dịch trong mọi góc không gian, thời gian, kết hợp giữa kể và tả, hồi tưởng với bộc lộ cảm xúc trữ tình và triết lý sâu sắc...
Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm của mọi thời, bi kịch của đời thường đã trở thành bi kịch vĩnh cửa. Con người với những gì cao cả, thấp hèn đều có trong tác phẩm. Thông qua nhân vật tôi tác giả đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: Hãy cứu lấy con người, hãy bảo vệ nhân phẩm con người trong con lũ cuộc đời sẵn sàng xoá bỏ mạng sống và đạo đức. Cho nên chúng ta nên đặt nhân vật tôi ở một vị trí tương xứng hơn khi tìm hiểu tác phẩm.
III. Đoạn văn nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc
Đoạn văn nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 1
Lão Hạc là một nhân vật thành công mà Nam Cao đã xây dựng lên. Cuộc đời bi thảm của lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc khó quên. Lão có một người vợ và một người con trai độc nhất. Vợ lão mất sớm, do không đủ tiền cưới vợ, con trai lão phẫn trí bỏ đi phu đồn điền cao su. Trước khi đi lão được người con trai trao lại một kỉ vật là một con chó vàng nên lão rất yêu thương và đặt cho nó một cái tên hay Cậu Vàng. Năm ấy do đói kém mất mùa, bão lũ cướp hết toàn bộ số hoa màu của lão và lão còn bị một trận ốm nặng. Cuộc đời đau khổ dồn ép lão đến bên bờ vực thẳm, không còn cách nào khác, lão đành phải đứt ruột mà bán đi con chó Vàng lão hằng yêu thương; để rồi khi bán xong, lão lại hu hu khóc như con nít. Sợ sống mà ảnh hưởng tới con trai, vì đã trót lòng lừa gạt một con chó, lão quyết định chết bằng bả chó và lão "đi đời" trong đau khổ và tủi nhục. Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc mẫu 2
Trong văn bản" Lão Hạc" của Nam Cao, lão Hạc là hình ảnh điển hình cho những người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8 có cuộc sống nghèo khổ nhưng phẩm chất vô cùng cao đẹp. Lão là 1 người giàu lòng yêu thương, sống nhân hậu và có lòng tự trọng cao. Tuy vậy nhưng lão có cuộc sống nghèo khỗ, cô đơn. Vợ lão mất sớm, con trai duy nhất thì phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su, sống cô đơn với 1 con chó để bầu bạn, tải sản chỉ có 1 mảnh vườn và 1 ít tiền. Sau khi bán cậu Vàng - người bạn duy nhất khi về già, lão thấy hối hận, sống day dứt, dằn vătt, đau xót tột cùng. Lão Hạc là người có ý thức cao về lẽ sống nên sau khi gửi số tiền ít ỏi cho ông giáo thì lạo từ chối tất cả cái gì mà ông giáo cho. Vì là người có lòng tự trọng nên sau khi chết lão ko muốn lảm phiền tới hàng xóm,nhờ ông giáo lấy số tiền đó để làm ma chay. Mọi người trong làng ko ai hiểu nguyên nhân tại sao lão chết, chỉ có Binh Tư và ông giáo hiểu. Trong xã hội thực dân phong kiến, lão Hạc như ngọn đèn lay lắt trước gió. Qua văn bản "Lão hạc", tác giả đã cho ta thấy phẩm giá tốt đẹp và nhân cách trong sạch của lão Hạc nói riêng cũng như những người nông dân nói chung.
............................
Ngoài tài liệu trên, các bạn tham khảo thêm tài liệu lớp 9 đầy đủ các môn Toán 9, Văn 9, Anh 9... mà chúng tôi sưu tầm, chọn lọc bám sát với chương trình học lớp 9 hơn. Hy vọng rằng tài liệu lớp 9 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.