Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
I. Dàn ý Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm Những ngôi sao xa xôi và ba nhân vật chính.
Lưu ý: học sinh được tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu
Ba cô gái Thao, Phương Định, Nho làm ở tổ trinh sát mặt đường.
Họ sống trên một cao điểm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn nguy hiểm.
Công việc nguy hiểm phải chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch, sau mỗi trận bom phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom.
→ Công việc, hoàn cảnh sống nguy hiểm đòi hỏi sự gan dạ, bình tĩnh.
b. Những nét chung và nét riêng của ba cô gái thanh niên xung phong
* Nét chung của ba nữ thanh niên xung phong
Họ đều là những cô gái thanh niên xung phong còn trẻ, phải xa nhà, xa mái trường đi chiến đấu.
Phẩm chất cao đẹp: tinh thần trách nhiệm cao với công việc, không sợ cái chết.
Dũng cảm, gan dạ: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám đối mặt với cái chết mà không nao núng dù nhiều lần họ bị bom vùi và làm bị thương.
Họ có tinh thần đồng đội gắn bó, thân thiết: thể hiện ở tính tình, sự quan tâm chăm sóc chu đáo khi đồng đội bị thương.
Vẻ đẹp tâm hồn: là những cô gái trẻ dễ vui, mơ mộng nhưng cũng trầm tư sâu lắng; nữ tính thích làm đẹp cho cuộc sống ở chiến trường khói lửa, bình tĩnh, chủ động, lạc quan luôn nghĩ về tương lai.
* Nét riêng
- Nho là em út tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ bé nhỏ, nhẹ nhàng, nhưng rất bản lĩnh, rắn rỏi.
- Chị Thao là người thích làm dáng nhất, ở chị có những nét tính cách tưởng trái ngược nhau: Thích hát bài hát do Phương Định bịa ra nhưng lại không hát trôi chảy bài nào; rất dũng cảm táo bạo nhưng lại sợ máu, sợ vắt; trong cô có sự nhút nhát mềm yếu của cô gái là cô gái bản lĩnh trong chiến đấu.
- Nhân vật Phương Định: Là cô gái Hà Nội vào chiến trường 3 năm, hay hoài niệm về quê hương, mẹ, mái trường…, hồn nhiên mơ mộng với nhiều nét tính cách thể hiện rất rõ ràng: thích hát, thuộc nhiều bài hát, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom đạn nổ. Chăm sóc chu đáo cho đồng đội. Phương Định còn là cô gái nhạy cảm, duyên dáng nhưng không biểu lộ tình cảm, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như kiêu kì nhưng lại tạo nên một sức hút tự nhiên.
→ Qua hành động và dòng suy tư của nhân vật tác giả Lê Minh Khuê cho người đọc thấy được thế giới nội tâm phong phú cùng phẩm chất anh hùng của nhân vật.
3. Kết bài
Khái quát lại ba nhân vật đồng thời nêu lên giá trị nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
II. Đoạn văn Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong
"Những ngôi sao xa xôi" là truyện ngắn của tác giả Lê Minh Khuê viết về ba cô gái thanh niên xung phong Nho, Thao và Phương Định. Giữa họ có một tình đồng chí, đồng đội gắn bó, thân thiết. Đầu tiên, điều đó xuất phát từ việc những cô gái này sống và chiến đấu cùng nhau trong một cái hang trên cao điểm. Công việc "trinh sát mặt đường", lấp hố bom và phá bom vô cùng nguy hiểm. Thế nên, sớm tối ở bên nhau, cùng sinh hoạt và chiến đấu, họ đã trở thành những người chị em thân thiết. Thế nhưng vẫn chưa đủ, điều khiến họ trở thành những người đồng chí, đồng đội thực sự là chung mục tiêu, lí tưởng chiến đấu. Ba cô gái này đều dũng cảm xung phong ra trận. Với họ, việc được góp phần nhỏ bé cho thắng lợi của toàn dân tộc là điều vô cùng thiêng liêng. Thế nên, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình dù có phải hi sinh cả tính mạng. Ở họ có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của người lính như dũng cảm, gan dạ, kiên cường, không ngại gian khổ. Ngoài ra, vì đều là những cô gái đôi mươi nên trong tâm hồn họ cũng vẫn còn mang nét hồn nhiên, ngây thơ. Sự đồng điệu về hoàn cảnh, tính cách, phẩm chất đã khiến họ trở thành người đồng chí đồng đội thân thiết, luôn kề vai sát cánh trong mọi nhiệm vụ. Khi làm việc, ba cô gái này rất hiểu ý nhau. Nho và Phương Định đều rất nghe lời chị Thao, nhất là khi chị phân công và trong lúc phá bom. Không những thế, họ còn rất hiểu nhau, biết và tôn trọng từng nét tính cách riêng của mỗi người. Tình đồng chí, đồng đội của ba cô gái thanh niên xung phong không được trực tiếp biểu hiện bằng câu chữ mà được thể hiện qua hành động, cử chỉ, lời nói của nhân vật. Từ đó, ta thấy rằng Lê Minh Khuê đã cực kì thành công khi xây dựng và miêu tả hình tượng ba cô gái trẻ, từ đó bày tỏ sự tri ân, tự hào đến thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ..
III. Văn mẫu Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong
1. Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong - mẫu 1
Lê Minh Khuê là một cây bút trưởng thành vào thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" là một trong các tác phẩm xuất sắc của bà, lấy bối cảnh tại Trường Sơn ác liệt. Nhân vật chính trong truyện là ba cô gái thanh niên xung phong với rất nhiều phẩm chất anh hùng. Ở họ đã nổi bật lên tình đồng chí, đồng đội gắn bó thân thiết.
Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đã có không biết bao nhiêu chàng trai cô gái đã tự nguyện, xung phong vào chiến trường. Một trong những nơi nguy hiểm nhất lúc bấy giờ là trên dọc Trường Sơn - tuyến đường huyết mạch nối liền hai miền Nam - Bắc. Ở đó, có ba cô gái Nho, Thao, Phương Định. Họ sống cùng nhau ở một cái hang dưới chân cao điểm - nơi quân Mĩ ném bom ác liệt nhất. Công việc của họ là "trinh sát mặt đường" , đo khối lượng đất đá để lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và thâm chí là phá bom. Đây là môi trường sống và làm việc vô cùng nguy hiểm. Trên đầu là máy bay Mĩ, dưới đất là những quả bom chưa nổ và không biết rằng chúng sẽ nổ khi nào. Bởi vì có cùng ý chí và quyết tâm chiến đấu, cùng chung một môi trường sống, ngày ngày gắn bó bên nhau nên giữa Nho. Thao. Phương Định đã hình thành nên tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó.
Công việc phá bom nguy hiểm yêu cầu ba cô gái phải có lòng gan dạ, anh dũng, kiên cường, không sợ hi sinh. Đây đều là những phẩm chất của người lính Trường Sơn, cũng là điểm chung trong nét tính cách của ba cô gái. Thế nên, khi đối diện với công việc nguy hiểm, họ không hề sợ hãi mà luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ba cô gái thường kết hợp với nhau rất ăn ý theo sự phân công của chị Thao, nhất là trong những lần phá bom. Họ luôn làm theo hiệu lệnh còi của chị Thao, nắm rõ và thực hiện đúng từng thao tác. Thật không hổ danh là những cô gái "trinh sát", mở đường. Công việc của họ tuy gian nan vất vả nhưng đã giúp những chuyến xe chi viện từ Bắc vào Nam an toàn, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.
Chung sống lâu ngày, ba người đã hiểu về lối sống, sở thích của nhau một cách tường tận. Chị Thao là người chị cả thích chép lời bài hát, hay tỉa lông mày nhỏ như cái tăm, rất sợ máu và vắt. Tuy nhiên, trong công việc, Thao lại là người phân công việc cho hai đứa em, cũng cực kì cương quyết , táo bạo. Nho thì nhỏ tuổi hơn, thích ăn kẹo, thích may vá thêu thùa. Phương Định cực kì thích hát, cô hay hát vu vơ để vơi bớt mệt mỏi. Một vài chi tiết nhỏ đó thôi cũng đủ cho thấy họ thân thiết, gắn bó với nhau như những người bạn tâm giao.
Không chỉ thế, họ còn yêu thương nhau như chị em trong nhà. Khi Nho bị thương, cả hai người còn lại đều rất lo lắng. Chị Thao vừa sốt ruột lại sợ máu nên không làm gì được, cứ đi lại và bắt Phương Định hát để vơi đi nỗi lo. Phương Định cũng băng bó, chăm sóc Nho rồi pha sữa cho Nho uống. Chắc hẳn, nếu không có tình yêu thương thì họ cũng chẳng săn sóc, lo lắng cho nhau đến thế. Đây cũng chính là biểu hiện của tình đồng chí đồng đội bao bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống
Đọc "Những ngôi sao xa xôi", ta mới cảm nhận được sự khốc liệt, vô tình của bom đạn và tinh thần anh dũng, không ngại hi sinh của cha ông ta ngày trước. Nhà văn Lê Minh Khuê cũng đã rất khéo léo khi khắc họa cuộc sống khắc nghiệt và chân dung của những cô gái thanh niên xung phong. Từ đó, ta có thể thấy được tình đồng chí đồng đội thân thiết, gắn bó, yêu thương giữa Nho, Thao và Phương Định.
2. Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi mẫu 2
Hình ảnh các cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã là một nguồn cảm hứng bất tận cho văn học cách mạng, đó là những cô gái kiên cường nhưng giàu tình cảm, mang những phẩm chất tốt đẹp. Nho, Thao, Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của hình tượng cô thanh niên xung phong trong lòng bạn đọc. Một trong những vẻ đẹp của nhân vật trong “Những ngôi sao xa xôi” là tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong.
Truyện được viết 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Truyện Những ngôi sao xa xôi phản ánh chân thực tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong. Đó chính là những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua.
Ba cô gái trẻ Phương Định, Thao, Nho đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà tuổi đời còn rất trẻ, sống có lí tưởng, có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hy sinh. Các cô đã tạm xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà cái sự mất còn chỉ diễn ra trong nháy mắt, một cách vô tư, hồn nhiên, cống hiến tuổi thanh xuân. Họ trở thành biểu tượng gương mặt đẹp và đáng yêu của những cô gái mở đường thời kháng chiến chống Mỹ.
Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Có biết bao thương tích vì bom đạn giặc: “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Đó là hiện thực đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập. Công việc của các cô đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.
Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Nho, Thao và Phương Định lòng quả cảm, không sợ hy sinh. Ở họ luôn có sự hợp tác ăn ý cùng nhau, ai cũng nghiêm túc thực hiện phần việc của mình, lo lắng cho nhau. Những lần hiểm nguy, ai cũng dành nhau cho gian khó, nhận nơi khó khăn, nguy hiểm để làm " Tôi một quả trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba- ri- e cũ". Những lần hoàn thành xong công việc, họ đều nhìn nhau cười để tỏ sự hài lòng, cũng là nụ cười chứa chan sự yêu thương dành cho nhau.
Nho, Thao, Định, cả ba con người ấy đều có những sở thích khác nhau. Nếu Nho thích may vá, thêu thùa, Phương Định thích hát, bịa ra những lời mới mà hát cho bằng được, đôi khi lại thích ngồi bó gối mơ màng thì Thao lại vui vẻ với sở thích chép lời bài hát. Tuy mỗi người mỗi sở thích nhưng họ vẫn luôn tôn trọng, quan tâm đến sở thích của nhau, và vui vẻ với những sở thích của người đồng đội mình. Các cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Phương Định lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô hiểu chị Thao và Nho như biết về những chị em ruột thịt. Đó là chị Thao sợ máu và vắt nhưng khi chiến đấu lại rất dũng cảm. Trong cuộc việc, ai cũng gờm chị bởi sự bình tĩnh, cương quyết, táo bạo. Với Nho, cô em út của tổ trinh sát thì Phương Định rất muốn bế trên tay. “trông nói nhẹ mát như một que kem trắng. Biết bao trìu mến, yêu thương trong cái nhìn ấy. Khi Nho bị thương, chị Thao và Phương Định vỗ về và chăm sóc ân cần: “moi đất, bế Nho đặt lên đùi”,”rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”,”tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt…”. Tình đồng chí đồng đội của 3 cô gái thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý! Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Qua nhân vật Phương Định và các cô gái thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã gợi cho người đọc hình dung được phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ . Họ phải sống và chiến đấu rất gian khổ, hiểm nguy. Đó là những chàng trai, cô gái trẻ, dũng cảm, hiến dâng cả cuộc đời thanh xuân cho đất nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ. Họ có một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng và rất trong sáng. Đặc biệt, những hình ảnh cao đẹp của các cô thanh niên xung phong trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam , cho thế hệ trẻ trong những năm tháng hào hùng của Tổ quốc.
Chiến tranh đã qua đi, sau hơn ba mươi năm, nhưng đọc truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, ta như được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước. Nhà văn khiến lòng ta sống lại hình ảnh tuyệt đẹp về tình đồng chí, đồng đội và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, của Nho, của Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của họ mãi mãi là một bài ca bất tử.
3. Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong - mẫu 3
Trong số những trang văn viết về chiến tranh, ta không khỏi không thổn thức trước những lời văn nhẹ nhàng mà tràn đầy cảm xúc của nhà văn nữ Lê Minh Khuê. Bà là một người con của vùng đất giàu văn nhân Thanh Hoá, từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ vì từng trải qua chiến tranh với những hiểm nguy bão đạn mà bà viết về những con người nơi chiến trường luôn chân thực, xúc động. Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của bà là một truyện ngắn đặc sắc viết về những cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt là tình đồng chí trong chất lính của những người trẻ đầy nhiệt huyết.
Ba cô gái trẻ Phương Định, Thao, Nho xung phong làm việc trên đường Trường Sơn, công việc của họ là quan sát cẩn thận những vị trí địch ném bom để san lấp hố bom, trường hợp có những quả bom chưa nổ thì tiến hành thực hiện việc phá bom. Đây là một công việc chứa những hiểm nguy bủa vây, có thể phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào nếu không cẩn trọng hoặc một chút sơ ý. Và có lẽ, chính những nguy hiểm, gian khổ ấy đã tôi luyện họ thành những "kẻ nối đường" đầy dũng cảm, người ta gọi các cô gái ấy bằng một cái tên đầy trừu mến là "tổ trinh sát mặt đường".
Những người lính kháng chiến chống Pháp, tình đồng chí đồng đội xuất phát từ lý tưởng chung, hoàn cảnh chung, họ bên nhau san sẻ những niềm vui, khó khăn trong cuộc chiến. Dù có bao thách thức họ vẫn sát cánh bên nhau, luôn trong tư thế "sẵn sàng" được biểu hiện qua bài Đồng Chí của Chính Hữu. Trong kháng chiến chống Mỹ, tình đồng đội được thể hiện qua những cái bắt tay giữa rừng già bom đạn qua chiếc kính xe bị vỡ, là chung nhau bát đũa trong mỗi bữa cơm rừng trong thơ Phạm Tiến Duật. Đến với Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, tình đồng đội cũng đầy lấp lánh, tin yêu. Trước hết, ta thấy ở các cô gái ấy là những người có chung một lòng, một chí hướng và một trách nhiệm với dân tộc. Cả Thao, Định và Nho đều yêu đất nước mình mới xung phong vào trận địa, họ đều muốn góp sức mình cho sự nghiệp chung của đất nước là giải phóng dân tộc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc mình, họ đã tự nguyện lên đường, đến nơi mà "chẳng biết ngày mai ai còn ai mất" bằng một trái tim đầy dũng cảm, bằng cả tuổi xuân của mình.
Thứ hai, tình đồng chí của bà con người ấy còn được biểu hiện qua công việc. Ở họ luôn có sự hợp tác ăn ý cùng nhau, ai cũng nghiêm túc thực hiện phần việc của mình, lo lắng cho nhau. Những lần hiểm nguy, ai cũng dành nhau cho gian khó, nhận nơi khó khăn, nguy hiểm để làm " Tôi một quả trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba- ri- e cũ". Những lần hoàn thành xong công việc, họ đều nhìn nhau cười để tỏ sự hài lòng, cũng là nụ cười chứa chan sự yêu thương dành cho nhau.
Thứ ba, ở cả Nho, Thao, Định, cả ba con người ấy đều có những sở thích khác nhau. Nếu Nho thích may vá, thêu thùa, Phương Định thích hát, bịa ra những lời mới mà hát cho bằng được, đôi khi lại thích ngồi bó gối mơ màng thì Thao lại vui vẻ với sở thích chép lời bài hát. Tuy mỗi người mỗi sở thích nhưng họ vẫn luôn tôn trọng, quan tâm đến sở thích của nhau, và vui vẻ với những sở thích của người đồng đội mình.
Thứ tư, tình đồng đội còn được thể hiện trong sự thấu hiểu tính cách của nhau, quan tâm nhau đầy chu đáo. Ta không khỏi xúc động và lo lắng cùng nhân vật khi đọc những dòng văn viết trong cảnh phút giây Phương Định chờ đợi Thao và Nho đang trinh sát trên cao điểm. Phương Định cũng luôn dành những lời đầy tốt đẹp cho những người động đội của mình như Nho và chị Thao.
Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, Nho bị thương nặng, cả chị Thao và Nho đều dành lo lắng, cẩn thận chăm sóc cho cô em gái nhỏ như những người thân trong gia đình mình vậy.
Lấp lánh trong toàn bộ truyện ngắn chính là tình đồng chí cao đẹp. Ở họ luôn luôn có sự đồng nhất ý chí, quan tâm và yêu thương nhau. Họ là những người lính trẻ dũng cảm, hiên ngang và đầy lạc quan, yêu đời, giàu mơ ước. Qua hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong trẻ ta cảm nhận được những tình cảm nơi chiến trường mà có bao súng đạn vẫn không thể giết chết được, đó là sự vĩnh cửu của tuổi trẻ, sự trường tồn của tình đồng chí, đồng đội.
4. Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong - mẫu 4
Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tuyến đường Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ đã trở thành con đường huyền thoại. Bởi nơi đây đã có những câu chuyện thần kì với những anh bộ đội hiên ngang anh dũng, những anh chiến sĩ lái xe ngang tang mà lẫm liệt mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bơn một lần ca ngời trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Câu chuyện thần kì đó còm là chuyện về những cô gái thanh niên xung phong vừa kiên cường dũng cảm trong chiến đấu vừa hồn nhiên, mơ mộng thật đáng yêu, đáng quý. Lấy cảm hứng từ đó, nhà văn Lê Minh Khuê đã sáng tác thành truyện ngắn đặc sắc “Những ngôi sao xa xôi”.
Truyện được viết 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Truyện Những ngôi sao xa xôi phản ánh chân thực tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong. Đó chính là những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa qua.
Điều ta cảm nhận đầu tiên là hoàn cảnh sống và chiến đấu của họ. Họ là một tổ trinh sát mặt đường gồm ba người, hai cô gái rất trẻ là Phương Định và Nho. Còn chị Thao là tổ trưởng thì lớn tuổi hơn một chút. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Ở đó, máy bay Mỹ thường hay đánh phá dữ dội. Đường bị đánh “lở loét, màu đất đỏm trắng lẫn lộn”. Sự sống ở đây gần như bị hủy diệt “hai bên đường không có lá xanh, chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”… Công việc của họ lại càng đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, họ phải lao ra trong điểm “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đến bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là công việc mạo hiểm luôn phải đối mặt với cái chết, “thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ở lẩn trong ruột những quả bom”. Nhưng với ba cô gái này, thì những công việc ấy đã trở thành công việc hằng ngày.
Cả ba cô gái cô nào cũng đáng mến, đáng phục. Nhưng Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Phương Định là cô gái nhạy cảm, hồn nhiên, mơ mộng, thường sống với những kỉ niệm về Hà Nội. Là một cô gái Hà Nội, cô có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người trong những ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm tuổi học trò luôn sống đậy trong lòng cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt. Cô vào chiến tranh ba năm. Đã quen với những thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hằng ngày với cái chết, nhưng ở cô cũng như những đồng đội, không mất đi sự hồn nhiên, trong sáng với những ước mơ về tương lai.
Cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định hay quan tâm đến hình thức của mình. Cô đánh giá: “Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá…”. Đặc biệt cô có cặp mắt đẹp nên cô thích ngắm mắt mình trong gương. Cô biết mình được nhiều nhiều nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô tự hào nhưng chưa từng có tình cảm riêng với một ai cả, nhạy cảm, nhưng cô không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như là kiêu kì.
Cô có tính đồng đội sâu sắc, gắn bó. Cô yêu mến thân thiết với hai đồng đội trong tổ trinh sát. Cùng vui đùa ca hát, chia sẻ ngọt bùi, cùng chịu đựng nhiều nguy hiểm, bom đạn. Khi chị Thao vấp ngã cô đỡ chị. Khi chị Nho bị thương, cô “rửa cho Nho bằng nước đun sôi…”. Đặc biệt cô dành tình yêu thương và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ của tôi những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận.
Nhưng có lẽ điều đáng khâm phục nhất ở cô đó là lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Cô phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trờ thành bình thường: “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”.
Thế giới tâm hồn của Phương Định thật phong phú, trong sáng nhưng không phức tạp. Không thấy những băn khoăn, day dứt. trăn trở trong ý nghĩ và tình cảm của cô gái khi phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh đặc khốc liệt, hiểm nguy, mà vẫn tươi vui, hồn nhiên, lạc quan yêu đời. Truyện đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Tóm lại, truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta những hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Thao, Phương Đinh, Nho, của hàng vạn nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng. Chiến tranh đã qua đi, nhưng đọc truyện này ta như sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước, những ngôi sao Phương Định, Thao, Nho vẫn tỏa sáng trong ta với bao khâm phục và ngưỡng mộ.