Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận nồi chè khoán trong truyện ngắn Vợ nhặt

Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận nồi chè khoán trong truyện ngắn Vợ nhặt được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo.

I. Dàn ý cảm nhận về nồi chè khoán

1. Mở bài:

- Kim Lân - một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy", là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.

- Vợ nhặt là một truyện ngắn thành công của nhà văn, viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Truyện ngắn không chỉ có một tình huống độc đáo mà còn có một chi tiết nghệ thuật đầy ý nghĩa - chi tiết nồi cháo cám.

2. Thân bài:

a) Chi tiết nghệ thuật

Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

b) Chi tiết nồi cháo cám

- Vị trí của chi tiết trong truyện ngắn (tóm tắt: nằm trong phần 2 của truyện ngắn, cụ thể đó là món ăn duy nhất của cả nhà trong buổi sáng ngày hôm sau)

- Ý nghĩa:

+ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về . Trong hoàn cảnh của nạn đói năm 1945, khi mà "Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy", nồi cháo cám lại là món ăn không thể không có.

+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:

• Bà cụ Tứ: người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực ( mặc dù đã già nhưng bà vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; hơn thế nữa khi cái đói đang rình rập bà vẫn cố gắng để có được bữa tiệc cưới giản dị cho con trai của mình) .

• Tràng: "Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ", cách ứng xử này vừa cho thấy Tràng là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng ; vừa cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.

• Vợ Tràng: qua chi tiết này ta càng khẳng định được sự thay đổi về tính cách của vợ Tràng, hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Điều đó cũng cho thấy vợ Tràng không còn nét cách đỏng đảnh như xưa nữa mà cô đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

+ Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng.

+ Chi tiết thể hiện tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

3. Kết bài

Đánh giá, nhận xét một cách khái quát về chi tiết nồi cháo cám.

II. Văn mẫu Cảm nhận về nồi chè khoán

1. Cảm nhận về nồi chè khoán - Mẫu 1

Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” (Pauxtopxki). Bên cạnh tài năng xây dựng nhân vật, tạo dựng tình huống hay khắc họa bối cảnh thì nghệ thuật sáng tạo, lựa chọn những chi tiết kinh điển của tác giả cũng là yếu tố cốt tử tạo nên giá trị cho tác phẩm. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, hình ảnh nồi cháo cám ở cuối truyện chính là một chi tiết đáng giá ngàn vàng như thế.

Chi tiết nghệ thuật vốn dĩ là những yếu tố rất nhỏ bé, thậm chí có khi chúng còn được nhà văn ẩn đi để tạo nên những mạch ngầm liên kết trong văn bản. Thế nhưng, song hành với sự “nhỏ bé” ấy lại là sức chứa lớn về tư tưởng, cảm xúc. Phong cách nghệ thuật, cách nhìn hiện thực, quan điểm nhân sinh của nhà văn cùng hiện thực về con người, đời sống,…tất cả đều được cô đúc và dồn nén trong một chi tiết. Chỉ một bát cháo hành thôi, Thị Nở đã đánh thức lương tâm ngủ sâu ở Chí Phèo và cả những rung động trong trái tim người đọc. Chỉ một đôi mắt “Làn thu thủy, nét xuân sơn” mà nàng Kiều đã trở thành người con gái đẹp nhất trong văn học Việt. Và trong “Vợ nhặt”, nồi cháo cám thảm hại giữa những ngày đói mòn mỏi cũng ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa.

Về vị trí, nồi cháo cám xuất hiện ở phần gần cuối của tác phẩm. Đó là buổi sáng ngày hôm sau ở nhà Tràng. Bữa cơm ngày đói của gia đình ngụ cư thực sự rất thảm hại, “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. Cái nghèo đói đã hành hạ con người đến khốn khổ. Niêu cháo cũng chỉ lõng bõng, mỗi người ăn lưng lưng hai bát đã hết nhẵn. Đúng lúc đó, bà cụ Tứ lật đật chạy vào bếp bưng lên một cái nồi. Bà gọi đó là “chè khoán”. Nó có vị đắng chát, khiến Tràng cảm thấy nghẹn bứ ở cổ. Phải đói, phải nghèo đến mức nào thì con người ta mới phải ăn cám? Nồi cháo cám chính là chi tiết giàu giá trị hiện thực, cho thấy cuộc sống cơ cực của nhân dân ta và tố cáo sự tàn bạc của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Không chỉ khắc họa chân thực đời sống con người, chi tiết nồi cháo còn chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp. Trước hết, nó thể hiện tinh thần giàu nghị lực, biết chắt chiu cho cuộc sống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Dù món ăn đó chẳng ngon lành gì nhưng bà cụ Tứ vẫn nhìn vào mặt tích cực rằng: "Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”. Khi nhìn thấy nồi cháo, ánh mắt người vợ nhặt tối sầm lại, rồi thị điềm nhiên và cháo vào miệng. Con người cố ăn để tiếp tục sống. Còn khao khát sống là còn niềm tin vào tương lai.

Tính cách, phẩm chất của các nhân vật được bộc lộ thông qua cách ứng xử về nồi cháo cám. Bà cụ Tứ - chủ nhân của “chè khoán” thực sự là người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, thương con hết mực. Dù chồng và con gái bà đã qua đời vì nạn đói, nay con trai lại mới cưới một người vợ mới nhưng bà vẫn cố gắng dành những điều tốt nhất cho con. Nồi cháo cám tượng trưng cho sự tần tảo, tình yêu thương của bà đối với các con. Với người vợ nhặt, nồi cháo cám đã cho thấy những vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp ở thị. Bị cái đói hành hạ, thị bám lấy câu hò của Tràng để đòi ăn. Từng câu nói, từng hành động đều “chao chát chỏng lỏn”. Thế nhưng, khi thấy nồi cháo cám, thị đã bình thản ăn để khiến mẹ an lòng. Thị biết thấu hiểu và chấp nhận hoàn cảnh, trân trọng tình cảm mẹ chồng dành cho mình để cùng gia đình mới vượt qua thời kì đen tối này. Ban đầu, Tràng khó chịu vì bất ngờ mùi vị của nồi cháo cám nhưng rồi anh cũng yên lặng ăn. Cái nghèo khiến anh nảy sinh một phần mặc cảm vì chưa thể cho mẹ và vợ một cuộc sống đủ đầy. Trong hoàn cảnh mới, Tràng nảy sinh niềm kiêu hãnh của một người đàn ông, quyết tâm xây dựng gia đình. Nồi cháo cám còn là đại diện của tình người, tình thân trong gia đình, cho thấy hy vọng sống mãnh liệt.

Như vậy, nồi cháo cám chỉ là một chi tiết rất nhỏ, rất bình dị nhưng hàm chứa cả giá trị hiện thực và giá trị tư tưởng sâu sắc. Nó đã thay Kim Lân tố cáo tội ác mà bè lũ thực dân, phát xít gây ra cho nhân dân ta. Không chỉ vậy, qua nồi cháo cám, Kim Lân còn khắc họa vẻ đẹp phẩm chất chăm chỉ, giàu tình thương, giàu nghị lực sống của con người Việt Nam. Từ đó, tấm lòng nhân đạo cùng tài năng vượt bậc của nhà văn được thể hiện rõ nét. Kim Lân quả thực là một cây bút “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

2. Cảm nhận về nồi chè khoán - Mẫu 2

Vợ Nhặt của Kim Lân lấy bối cảnh nước ta trong nạn đói năm 1945, thời gian đó người ta sống trong hoàn cảnh “ngụ cư” và phải chịu rất nhiều tấn khổ cực. Bi kịch của kiếp người là những cái chết ngả rạ, chết vì đói, mà cũng có thể là chết vì…no. Vì vậy, Kim Lân đã đặc biệt xây dựng thành công một hình ảnh “nồi chè khoán” vô cùng đặc biệt. Liệu đó có phải nồi chè khoán thật hay không? Tại sao trong một gia đình có mối nghèo truyền kiếp và hai miệng ăn còn không đủ no, lại có được một thức ăn đặc sản như thế trong những ngày đói cùng cực như vậy?

Hình ảnh nồi chè khoán của bà cụ Tứ hiện lên trong hoàn cảnh vô cùng ý nghĩa. Đó là nồi chè bà đã cất công làm ra để thiết đãi cô con dâu mới – Thị vừa mới về làm dâu với anh Cu Tràng, con trai bà cụ Tứ. Bà cụ Tứ bưng bát cháo ra với tâm trạng vui phơi phới, và cố kiềm đi nỗi tủi cực của một hoàn cảnh nghèo khó, mà vui vẻ nói: “chúng mày đợi nhá. Tao có cái này hay lắm cơ” rồi bà bưng ra một cái nồi bốc khói lên nghi ngút, và lại vui vẻ nói tiếp: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ” nhưng thực ra đây đâu có phải chè khoán? Bà cố tình vui vẻ thế thôi, vui vẻ trước mặt cô con dâu mới, vui vẻ để truyền niềm vui, lạc quan hi vọng vào các con. Thể hiện tâm trạng của một người mẹ nghèo trong nạn đói Ất Dậu 1945. Hơn thế, đó còn là sự biểu hiện một tâm trạng vui mừng của bà cụ Tứ trong ngày hạnh phúc của con trai mình. “Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để” lời nói trong vui mà có buồn, nỗi xót xa như ứ đọng nhưng buộc phải vui để mà sống. Vì vậy ta càng cảm nhận hơn một trái tim ấm áp, tấm lòng nhân hậu và vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng.

Là một chi tiết đắt giá trong truyện, hình ảnh “nồi cháo khoán” còn có ý nghĩa rất cao về nghệ thuật. Là một trong những chi tiết có tính thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa rõ nét tính cách, và tâm lí hành động của người mẹ nghèo nhưng rất thương con. Tuy là một chi tiết nhỏ, nhưng lại mang sức gợi rất cao. Đó là sự tin tưởng, một khát vọng sống vươn lên hoàn cảnh, và còn là sức mạnh của tình thương, một trái tim đẹp của con người dành cho nhau.

Kim Lân đã vô cùng tài hoa khi xây dựng được một chi tiết có nhiều giá trị nghệ thuật và nội dung đến như vậy. Thông qua đó còn gửi gắm một tấm lòng nhân đạo của ông dành cho con người, luôn tôn vinh và ngợi ca họ dù trong hoàn cảnh khó khăn và khốn cùng của kiếp người. Và nhờ chi tiết độc đáo “nồi cháo khoán” đã cho ta thấy một tầm vóc lớn của một nhà văn giàu lòng nhân đạo. Chi tiết đã nâng tầm của câu truyện lên và khiến cho ta, về sau khi đọc lại, vẫn sẽ luôn nhớ mãi một chi tiết “nồi cháo khoán” giản dị như một hơi ấm nhen lên giữa những ngày đau thương của dân tộc.

3. Cảm nhận về nồi chè khoán - Mẫu 3

Một tác phẩm văn học chạm được đến trái tim người đọc không phải là những trang viết có ngôn từ trau chuốt, mượt mà, dùng từ đắc địa. Kỳ thực một tác phẩm có thể khiến người đọc thấy ngấm phải là tác phẩm có những "chi tiết đắt", là điểm sáng thổi bùng lên chủ đề tác phẩm. Nam Cao đã đưa chi tiết "bát cháo hành" đầy tính nhân văn trong truyện ngắn "Chí Phèo", và Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh "Nồi cháo cám" vào trong tác phẩm, giữa nạn đói năm 1945 đang hoành hành. Chi tiết "Nồi cháo cám" trong truyện ngắn "Vợ nhặt" có thể xem là đầy dụng ý nghệ thuật và giàu tính nhân văn.

"Vợ nhặt" là một truyện ngắn tái hiện lại cuộc sống cùng cực, thê thảm, nhưng không bế tắc của những con người sống giữa nạn đói năm 1945. Kim Lân đã khắc họa thành công hình ảnh bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ Tràng. Và hơn hết chỉ có một chi tiết nhỏ "Nồi cháo cám" ở giữa truyện dường như đã đẩy cao trào cái đói khổ lên tận cùng và cũng đẩy tình yêu thương và lòng vị tha của người mẹ đến ngưỡng cao nhất. Người đọc khi gấp trang sách lại sẽ bị ám ảnh bởi chi tiết này, cảnh tượng nạn đói năm 1945 dường như hiển hiện ra ngay trước mặt.

Tác giả đã rất khéo léo để lựa chọn đưa chi tiết "nồi cháo cám" vào câu chuyện nhặt được vợ của anh cu Tràng. Thời điểm này đã nói lên tất cả nỗi cơ cực, đường cùng của những nạn nhân năm 1945 và cũng qua đó mới thấy được tình thương yêu bao la, vô bờ bến của người mẹ. Giữa cái đói nhưng tình yêu thương vẫn không bị mai một, nó vẫn luôn bùng cháy, chỉ là đôi lúc nó ngấm ngầm chảy trong người. "Nồi cháo cám" không phải xuất hiện trong một bữa ăn bình thường mà xuất hiện ngay trong buổi sáng hôm sau, buổi sáng đầu tiên của "lễ ra mắt con dâu", đáng nhẽ ra như bà cụ Tứ đã nói "kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này". Cái sự tình khốn khổ, nghèo đói giữa năm 1945 này thật khiến co người ta phải nghẹn ngào.

Bữa cơm đón dâu giữa nạn đói thực sự thê thảm, "giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành". Cái không khí đói bao trùm nhưng ai cũng biết, ai cũng nén trong lòng, không bộc lộ ra bên ngoài. Điều đáng nói hơn hết là trong bữa cơm ngày đói này, tâm trạng của bà cụ Tứ khác hẳn, bà không rủ rũ như mọi ngày, bà kể toàn chuyện vui, nói toàn chuyện hay. Đây có thể xem là sự chuyển biến tâm lý đột ngột của người đàn bà nghèo khổ. Người mẹ này tuy nghèo đói một đời nhưng rất biết cách chiều con, với lại nhà lại có thêm cô con dâu mới giữa cảnh đói kém triền miên. Có thể nói những lời bà cụ Tứ nói đều gợi mở lên một tương lai tươi sáng của con người và của đất nước.Nhưng có một chi tiết chuyển biến để nhấn mạnh hình ảnh "nồi cháo cám" khiến người đọc không kìm nổi xúc động "bà lật đật chạy xuống bếp, lễ bễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy vừa nói". Sau đó chính là lời thoại của chính bà cụ Tứ, lời thoại chan chat, nghẹn ứ ở trong lòng như chính "nồi cháo cám" ấy:

"Chè khoái đấy, ngon đáo để" và "Cám đấy mày ạ, xóm mình còn có khối người không có cám mà ăn ấy chứ". Một chi tiết thật đắt giá, một chi tiết gợi lên cái đói, cái nghèo đến cùng cực. Mặc dù ăn cháo cám nhưng ba mẹ con không ai than hay chê trách, ai cũng ăn một cách ngon lành. Bởi đây là nồi cháo yêu thương, nồi cháo đong đầy tình mẹ và nồi cháo của sự yêu thương và lòng vị tha. Người đọc sẽ thấy được rằng giữa cái đói nghèo cùng cực nhưng tình mẹ vẫn luôn bất diệt, luôn vĩnh cửu không bao giờ thay đổi. Bởi rằng trong suy nghĩ của bà cụ Tứ thì "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" nên bà vẫn luôn vạch ra trước mắt của hai đứa con một viễn cảnh tươi sáng nhất.

Chi tiết "nồi cháo cám" vừa có giá trị hiện thực sâu sắc vừa có giá trị nhân đạo, chạm đến trái tim người đọc. Về giá trị hiện thực "nồi cháo cám" tái hiện lại cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn đến cùng cực của nạn đói năm 1945. Giữa khung cảnh ấy hiện lên những con người nghèo khổ đến tận cùng của xã hội, tưởng rằng sẽ không còn một lối thoát nào cho tương lai. Nồi cháo cám ấy cho đến bây giờ vẫn ám ảnh tâm trí của người đọc, bởi nó có sức ám ảnh quá lớn.

Bên cạnh đó, "nồi cháo cám" còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, là tấm lòng người mẹ nghèo thực sự đáng trân trọng. Dù đói khổ nhưng bà cụ Tứ luôn dành những yêu thương, những ân cần sâu sắc nhất đối với con. Ngoài giá trị nội dung thì chi tiết "nồi cháo cám" còn mang giá trị nghệ thuật, bởi đây là một chi tiết nghệ thuật, tự bản thân của hình ảnh đó đã mang giá trị trong mình, khiến cho cả câu truyện ngắn trở nên tươi đẹp và ấm áp hơn trong cảnh đói nghèo, chết chóc.

Gấp lại trang sách, hình ảnh "nồi cháo cám" của Kim Lân vẫn luôn quẩn quanh trong tâm trí người đọc. Nó thực sự ám ảnh, thực sự có sức lay động ghê gớm. Nạn đói năm 1945 và những con người thời kỳ đó bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu đã có thể vượt qua tất cả.

----------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận nồi chè khoán trong truyện ngắn Vợ nhặt. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm