Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quy trình dạy một tiết Hoạt động tập thể

Quy trình dạy một tiết Sinh hoạt lớp theo phương pháp đổi mới lồng ghép cả kĩ năng sống để nâng cao chất lượng giảng dạy giúp các thầy cô có nhiều ý tưởng tổ chức tiết sinh hoạt tập thể.

Một tiết Hoạt động tập thể gồm có 2 phần:

1. Phần 1. Sinh hoạt lớp

1. Mục tiêu

Mục tiêu duy nhất là hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh và phát huy hiệu quả học tập của mỗi học sinh.

Thực hiện tốt tiết sinh hoạt sẽ tác động tích cực đến các tiết học khác trong toàn tuần học của lớp và là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình rèn luyện và tiến bộ của mỗi học sinh xuyên suốt cả năm học.

2. Nhiệm vụ

Tiết sinh hoạt lớp được quy định như một tiết học bắt buộc không thể thiếu. Đây là tiết tự quản được các nhà trường xếp ở tiết học cuối của mỗi tuần học, thời điểm để mỗi học sinh thực hiện phê và tự phê, tự đánh giá và đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của cá nhân và tập thể lớp sau mỗi tuần học đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cho tuần học tập tiếp theo nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch năm học của mỗi lớp đã đề ra

Tiết sinh hoạt lớp được đặt dưới sự quản lý, giám sát và tác động giáo dục của GVCN.

3. Vai trò

- Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển giao nhiệm vụ của nhà trường tới lớp một cách kịp thời.

- Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần giúp HS phát huy được tính tự giác, tinh thần giúp đỡ, hợp tác cùng nhau, năng lực điều hành, tự quản của các em.

- Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần giúp các em được bộc lộ khả năng nhận thức về hành vi, thái độ, tình cảm của mình khi tự đánh giá mình và đánh giá các bạn ; khả năng nhìn nhận lại bản thân, so sánh sự tiến bộ để từ đó có ý thức phấn đấu vươn lên.

- Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần bồi dưỡng cho HS sự sẻ chia, thông cảm với bạn bè, mọi người xung quanh; sẵn sàng chia sẻ và gánh vác công việc chung của lớp, trường,…hình thành nhân cách đúng đắn sau này cho các em.

- Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần là nơi để thầy, cô hiểu trò hơn, nhằm lựa chọn ra phương pháp giảng dạy và giáo dục đúng hướng cho từng đối tượng HS trong lớp.

4. Hình thức

- Giáo viên có thể trang trí trên bảng đen dòng chữ “Sinh hoạt lớp” và những khẩu hiệu hành động phù hợp theo các chủ điểm của tháng hay của cả đợt thi đua.

- Tổ chức cho HS sắp xếp bàn ghế cho phù hợp trong không gian lớp học, có thể cho các em ngồi thành tổ, tập cho CT HĐTQ chủ trì giờ sinh hoạt.

- Hoặc cũng có thể tổ chức tiết sinh hoạt lớp ngoài sân trường (nếu giáo viên thấy phù hợp) và cho các em ngồi theo đội hình phù hợp.

5. Nội dung

  • Đánh giá các công việc thực hiện trong tuần một cách toàn diện về các mặt giáo dục: đạo đức, học tập, thể chất, thẩm mĩ, lao động, nề nếp, và các hoạt động khác….
  • Tổng kết hoạt động trong tháng (vào cuối tháng), học kì (vào tuần cuối của học kì), cả năm (vào tuần cuối năm).
  • Tổng kết các đợt thi đua (vào tuần cuối của đợt thi đua), cần có yêu cầu giáo dục học sinh theo chủ đề của đợt thi đua.
  • Đánh giá kết quả thi đua của các tổ.
  • Phổ biến kế hoạch thực hiện của tuần tới, tháng tới, phát động thi đua theo chủ điểm, giáo dục theo chủ đề của đợt thi đua tới.
  • Tuyên dương, khen ngợi, động viên, khuyến khích những học sinh tiến bộ.
  • Sẽ chọn nội dung mang tính chuyên đề và xen vào để cho các em vui chơi, giải trí…

6. Về trình tự tiết sinh hoạt lớp

Mỗi lớp có thể chọn cho mình một mô hình sinh hoạt lớp khác nhau, nhưng cùng quy trình có thể theo các bước sau:

Đánh giá hoạt động tuần qua:

a, CTHĐ giới thiệu, điều khiển diễn biến của tiết sinh hoạt lớp (sinh hoạt văn nghệ)

b, Các nhóm trưởng báo cáo tình hình tổ mình tuần qua ưu điểm, khuyết điểm. Điển hình cá nhân tốt, chưa tốt. Các nhóm trưởng bổ sung nếu thấy còn thiếu, chưa đầy đủ.

(Lưu ý khi báo cáo cần nói được biện pháp mà nhóm đã hỗ trợ đã giúp các bạn còn vi phạm và sự chuyển biến các bạn đó như thế nào).

c, Học sinh phát biểu cá nhân chủ yếu là những học sinh còn vi phạm (vì sao còn vi phạm, nói lên biện pháp khắc phục lỗi).

d, Tổ họp nhóm bình bầu đánh giá cá nhân xuất sắc. Báo cáo trước lớp. Biểu quyết của lớp…

đ, Lớp công nhận bầu tổ xuất sắc. Giáo viên khen thưởng hoặc tặng cờ cho tổ, ghi tên cá nhân xuất sắc lên bảng.

Phổ biến kế hoạch tuần tới

Lớp trưởng nêu lên cách khắc phục những việc chưa tốt tuần trước và những nội dung mới cần làm trong tuần dựa trên sự định hướng trước của giáo viên chủ nhiệm, nhiệm vụ đặt ra của nhà trường và đội TN (Kế hoạch trường, đội). Tập thể lớp trao đổi và đi đến phương án thực hiện.

7. Chú ý

- Xây dựng được số hội đồng tự quản nhiệt tình, có năng lực.

- Phân công giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của lớp cho các trưởng ban.

- Mỗi các trưởng ban phải có sổ tay ghi chép rõ ràng những mặt ưu khuyết điểm của lớp qua từng tuần.

- Xây dựng HS có tính kỉ luật, tính tập thể, có sự đoàn kết, yêu thương, có tinh thần giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

- Xây dựng cho HS kĩ năng thảo luận, trao đổi, kĩ năng nói trước đám đông, có ý thức phát huy tích cực điểm mạnh, hạn chế dần những vi phạm, khuyết điểm trong học tập và cả mặt hoạt động khác.

- Tập cho HS có sự nhìn nhận về bản thân và bạn bè mang tính động viên nhắc nhở là chính, tránh chê bai chỉ trích. Biết nhìn thấy lỗi và sửa lỗi.

- Dành thời gian cho HS sinh hoạt cuối tuần đều đặn, tạo không khí nhẹ nhàng, cởi mở để HS học tập sửa chữa lẫn nhau.

- Tiết sinh hoạt lớp phải được tổ chức ngay từ đầu năm, xuyên suốt cả các khối học, tạo thói quen cho HS ngay từ lớp dưới, lên lớp trên HS sẽ làm tốt hơn

2. Phần 2. Giáo dục kĩ năng sống

A. Mục tiêu:

Giúp giáo viên nắm bắt được:

- Ý nghĩa, mục đích, nội dung của việc đổi mới tiết sinh hoạt lớp nhằm giáo dục cho học sinh KNS. Nắm được các hình thức dạy lồng ghép KNS theo tài liệu của BGD vào chương trình học hiện nay;

- Vận dụng và thực dạy được việc dạy KNS trong trường tiểu học với tài liệu của BGD phát hành; tổ chức tốt tiết sinh hoạt lớp với việc chủ động của học sinh.

B . Nội dung

1. Về thực giáo dục Kĩ năng sống thực hiện hai nội dung: Thực hiện dạy Kỹ năng sống theo tài liệu của Bộ GD&ĐT:

- Thực hiện dạy lồng ghép vào các bài học ở tất cả các môn học mà giáo viên thấy thích hợp. Thực hiện dạy kết hợp tiết sinh hoạt ngoài giờ hoặc trong tiết sinh hoạt lớp. Mỗi bài chia thành 2 tiết dạy trong hai tuần.

- Dạy theo tài liệu của Bộ GD&ĐT cần chú ý :

+ Bám sát mục tiêu bài học. Giáo viên rèn cho học sinh những kĩ năng mà mục tiêu bài học yêu cầu:

- Giáo viên có thể dạy nội dung, và các hoạt động theo trình tự của sách. Không nhất thiết phải dạy hết các nội dung của sách, có thể chọn một nội dung mà giáo viên thấy phù hợp với học sinh lớp, làm rõ được mục tiêu bài học để dạy.

- Không nhất thiết phải bám vào nội dung sách, vì có những nội dung không làm rõ được mục tiêu bài học và kiến thức khó hiểu đối với học sinh. Giáo viên có thể điều chính nội dung và hình thức dạy theo ý mình. Không nhất thiết phải dạy theo các hoạt động của sách.

- Việc áp dụng dạy Kĩ năng sống vào tiết SHL. Mỗi bài KNS dạy trong hai tiết, dạy tách rời trong thời gian từ 15 đến 20 phút đầu buổi sinh hoạt lớp. Có thể dạy lồng ghép vào tiết sinh hoạt ở cuối tiết.

* Một bài giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống thường được thực hiện theo 4 bước sau:

1. Khám phá

*Mục đích: Kích thích HS tự tìm hiểu xem các em đã biết gì về những khái niệm, kĩ năng, kiến thức…sẽ được học

- Giúp GV đánh giá 0/ xác định thực trạng (kiến thức, kĩ năng…)của HS trước khi giới thiệu vấn đề mới-

* Các bước thực hiện

- GV (cùng với HS) thiết kế hoạt động (có tính chất trải nghiệm).

- GV (cùng với HS) đặt câu hỏi nhằm gợi lại những hiểu biết đã có liên quan đến bài học mới.

- GV giúp HS xử lý / phân loại các hiểu biết hoặc trải nghiệm của HS, tổ chức và phân loại chúng.

*Vai trò của giáo viên và học sinh Gợi ý một số Kĩ thuật dạy học

- GV đóng vai trò lập kế hoạch, khởi động, đặt câu hỏi, nêu vấn đề, ghi chép…

- HS cần chia sẻ, trao đổi, phản hồi, xử lý thông tin, ghi chép…

- Một số kĩ thuật dạy học chính: Động não, phân loại/ Xác định chùm vấn đề, thảo luận, chơi trò

2. Kết nối: Giới thiệu thông tin, kiến thức và kĩ năng mới thông qua việc tạo “cầu nối” liên kết giữa cái “đã biết” và “chưa biết”. Cầu nối này sẽ kết nối kinh nghiệm hiện có của HS với bài học mới.

* Các bước thực hiện:GV giới thiệu mục tiêu bài học và kết nối chúng với các vấn đề đã chia sẻ ở bước 1.

- GV giới thiệu kiến thức và kĩ năng mới.

- Kiểm tra xem kiến thức mới đã được cung câp toàn diện và chính xác chưa.

- Nêu ví dụ khi cần thiết.

*Vai trò của giáo viên và học sinh Gợi ý một số KTDH: GV nên đóng vai trò của người hướng dẫn. HS là người phản hồi, trình bày quan điểm /ý kiến, đặt câu hỏi/ trả lời.

- Một số kĩ thuật dạy học: Chia nhóm thảo luận, người học trình bày, khách mời, đóng vai, sử dụng phương tiện dạy học đa chức năng (chiếu phim, băng, đài đĩa)

3. Thực hành/ luyện tập

*Mục đích:Tạo cơ hội cho người học thực hành vận dụng kiến thức và kĩ năng mới vào một bối cảnh/ hoàn cảnh/ điều kiện có ý nghĩa.

- Định hướng để HS thực hành đúng cách.

- Điều chỉnh những hiểu biết và kĩ năng còn sai lệch

* Các bước thực hiện: GV thiết kế/ chuẩn bị hoạt động mà theo đó yêu cầu HS phải sử dụng kiến thức và kĩ năng mới.

- HS làm việc theo nhóm, cặp hoặc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ.

- GV giám sát tất cả mọi hoạt động và điều chỉnh khi cần thiết.

- GV khuyến khích HS thể hiện những điều các em suy nghĩ hoặc mới lĩnh hội được

*Vai trò của giáo viên và học sinh Gợi ý một số KTDH: GV nên đóng vai trò của người hướng dẫn, người hỗ trợ.

- HS đóng vai trò người thực hiện, người khám phá.

- Một số kĩ thuật dạy học: Đóng kịch ngắn, viết luận, mô phỏng, hỏi đáp, trò chơi, thảo luận nhóm, tranh luận…

4. Vận dụng

*Mục đích Tạo cơ hội cho học sinh tích hợp, mở rộng và vận dụng kiến thức và kĩ năng có được vào các tình huống/ bối cảnh mới

* Các bước thực hiện: GV (cùng với học sinh) lập kế hoạch các hoạt động đối với nhiều môn học/ lĩnh vực học tập đòi hỏi HS vận dụng kiến thức và kĩ năng mới.

- HS làm việc theo nhóm, cặp và các nhân để hoàn thành nhiệm vụ.

- GV và HS cùng tham gia hỏi và trả lời trong suốt quá trình tổ chức

*Vai trò của giáo viên và học sinh Gợi ý một số KTDH.

- GV có thể đánh giá kết quả học tập của HS tại bước này

- GV đóng vai trò người hướng dẫn và người đánh giá.

- HS đóng vai trò người lập kế hoạch, người sáng tạo, thành viên nhóm, người giải quyết vấn đề, người trình bày và người đánh giá.

- Một số kĩ thuật dạy học: Dạy học hợp tác, làm việc nhóm, trình bày cá nhân, dạy học dự án.

3. Những bài hát và ca múa thông dụng trong sinh hoạt

Bài hát Nhảy lửa

Vũ điệu:

Đứng vòng tròn, hai tay trên hông.

A. Bước theo nhịp và đi vào trong 7 bước (chân phải trước) tới chữ "chất" đá cao chân.

B. Bước theo nhịp lui ra (trở về vị trí cũ)

C. Như đoạn (A) tới chữ "tách" đá cao chân phải

D. Như đoạn (B)

E. Nắm tay nhau chạy sang phải (hơi rùn chân, dậm theo nhịp)

F. Nắm tay nhau chạy sang trái (hơi rùn chân, dậm theo nhịp)

G. Nắm tay đi vào giữa, tới chữ "ca hát" thì tay giơ cao

H. Lui ra, lưng khom, tay quạt vòng theo nhịp

Con voi

Vũ điệu:

A. Dùng cùi chỏ tay phải huých vào người kế bên

B. Chỉ tay phía trước mặt

C. Hai tay vẽ hình vòng tròn lớn

D. Hai bàn tay nắm lại quay vòng với nhau trước ngực

E. Hai bàn tay xòe rộng, khuỷu tay sát người

F. Tay phải gãi đầu

G. Tay trái ve vẩy sau lưng

H. Tay phải ve vẩy trước mũi

Anh em ta về

Vũ điệu:

Chia thành từng cặp sẵn.

A. Cầm tay nhau nhảy theo nhịp mạnh, ngược chiều kim đồng hồ, nếu chân phải dậm xuống thì chân trái co lên và ngược lại.

B. Nhảy theo chiều ngược lại như đoạn A

C. Buông tay ra dậm chân tại chỗ, tay đánh cao

D. Từng cặp quay mặt lại với nhau, vẫn dậm chân tại chỗ

E. Từngcặp cầm hai tay nhau và nhảy vòng tròn quanh nhau.

F. Buông tay nhau đi 5 bước vào giữa.

G. Tay trái chống nạnh, tay phải chỉ trước mặt và nhịp nhịp.

H. Cầm tay nhau vừa vung vẩy vừa bước lùi, để chữ cuối cùng ca thì vung tay cao lên.

Trên đây là những điệu bài múa tiêu biểu trong các sinh hoạt tập thể còn rất nhiều bài múa đã có sẵn từ lâu trong các tài liệu sinh hoạt, chúng tôi không thể đưa hết vào được. Các bạn cũng có thể dựa theo những bài hát để sáng tạo các điệu múa cho thêm phong phú, đa dạng.

Băng reo

Băng reo hay tiếng reo âm thanh, lời nói, tiếng hát... đồng loạt và nhịp nhàng của một tập thể, dùng để chào mừng, khen tặng, chế diễu, thán phục, giải trí... và đánh tan bầu không khí tẻ nhạt, uể oải, thụ động, kéo tất cả mọi người nhập cuộc.

Có 4 loại băng reo:

1. Tiếng động (vỗ tay, dậm chân...)

2. Nói

3. Hát

4. Cử chỉ, điệu bộ

Đôi khi người ta phối hợp hai, ba hay cả bốn loại trên trong một băng reo. Nhưng cho dù sử dụng loại nào thì chúng ta cũng cần có những yếu tố sau:

- Rập ràng, đồng bộ

- Giản dị dễ làm

- Vui tươi, dí dỏm và có ý nghĩa

- Có tính cộng đồng (tất cả mọi người đều có thể tham dự)

Những yêu cầu của người hướng dẫn

Để cho một băng reo đạt chất lượng, người hướng dẫn cần lưu ý:

- Nếu là một băng reo mới, người hướng dẫn phải giới thiệu rõ ràng cho mọi người biết cách làm hay cách hô đáp trả.

- Làm nháp (nếu cần)

- Gây sự chú ý và tập trung, yêu cầu mọi người cùng tham gia.

- Nếu cần sử dụng tiếng hô, phải cao giọng và đanh gọn.

- Tập thể cần đáp lại mạnh mẽ và rập ràng.

- Người hướng dẫn cần sôi động, duyên dáng và sáng tạo.

Vui đến trường

Vui đến trường, vui đến trường
Nắng lung linh xuyên qua hàng cây
Cặp sách này, bút viết này
Em đã mang
Em đến trường, vui đến trường
Hát ca vang trên xe của ba
Mẹ mỉm cười, tay vẫy chào
Em vào lớp
Hôm nay cô dạy em
Làm sao vâng lời
Người học trò ngoan
Hiểu biết thêm nhiều
Những bài học hay
Từ trong cuộc sống .
Chơi bao nhiêu trò chơi
Với các bạn rồi cùng cười thật tươi
Mới thấy thời giờ qua nhanh thật nhanh
Thèm ban sáng mai vào trường rất vui

Tham khảo các hoạt động Sinh hoạt lớp:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm