Các phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp
VnDoc xin giới thiệu bài Các phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Hóa học lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Các phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp?
Câu hỏi: Các phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp?
Trả lời:
- Phương pháp vật lý:
+ Phương pháp lọc
+ Phương pháp khô cạn
+ Phương pháp chưng cất phân đoạn.
+ Phương pháp chiết.
+ Phương pháp đông đặc.
- Phương pháp hóa học.
1. Phương pháp vật lý
Phương pháp vật lý dựa vào sự khác biệt về tính chất vật lý các chất thành phần luôn giữ nguyên tính chất của nó trong hỗn hợp như nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, tính tan trong nước, khối lượng riêng… để tách riêng chất.
Cụ thể:
- Phương pháp lọc: Dùng để tách các chất không tan ra khỏi hỗn hợp lỏng
- Phương pháp cô cạn: Dùng để tách các chất tan rắn (không hoá hơi khi gặp nhiệt độ cao) ra khỏi hỗn hợp chất lỏng
- Phương pháp chưng cất phân đoạn: Dùng để tách các chất lỏng ra khỏi hỗn hợp lỏng nhờ vào sự khác nhau về nhiệt độ sôi
- Phương pháp chiết: Dùng để tách các chất ra khỏi hỗn hợp lỏng không đồng nhất
- Phương pháp đông đặc: Dùng để tách các chất lỏng ra khỏi hỗn hợp lỏng nếu nhiệt độ đông đặc của chúng cách nhau lớn.
Ví dụ: Tách muối ra khỏi hỗn hợp nước muối.
2. Phương pháp hóa học
Nguyên tắc:
- Bước 1. Chọn chất X chỉ tác dụng với A (mà không tác dụng với B) để chuyển A thành dạng A1 (kết tủa, bay hơi, hoặc hòa tan); tách ra khỏi B (bằng cách lọc hoặc tự tách….
- Bước 2. Điều chế lại chất A từ chất A1 (nếu cần thiết)
Sơ đồ tách
Phản ứng được chọn để tách phải thỏa mãn 3 yêu cầu sau:
-Chỉ tác dụng lên một chất trong hỗn hợp cần tách
-Sản phẩm tạo thành có thể tách dễ dàng khỏi hỗn hợp
-Từ sản phẩm phản ứng tạo thành có khả năng tái tạo được chất ban đầu (nếu cần thiết).
3. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Tách riêng từng chất ra khỏi hỗn hợp gồm các chất: muối ăn và cát.
Lời giải
Hòa tan hỗn hợp trên vào nước. Đổ hỗn hợp qua giấy lọc ta thu được nước muối riêng còn cát ở trên giấy. Sau đó cô cạn hỗn hợp nước muối, nước bốc hơi sẽ thu được muối ăn khan.
Ví dụ 2: Một hỗn hợp gồm dầu hỏa có lẫn nước, làm thế nào để tách nước ra khỏi dầu hỏa?
Lời giải
Dầu hỏa nhẹ hơn nước và không tan trong nước. Muốn tách nước ra khỏi dầu hỏa, ta cho hỗn hợp vào phễu chiết, dầu nổi ở trên và nước ở phía dưới. Mở khóa phễu chiết, tách nước ra trước sau đó đến dầu hỏa, ta được nước và dầu hỏa riêng biệt.
Ví dụ 3: Tách khí oxi và CO2 ra khỏi hỗn hợp khí gồm khí oxi và CO2. Biết khí CO2 hòa hợp được với nước vôi trong dư tạo thành canxi cacbonat và canxi cacbonat nung tạo ra khí CO2 và chất khác.
Hướng dẫn giải: Cho hỗn hợp khí lội qua nước vôi trong dư ta thu được khí oxi (vì CO2 bị nước vôi trong giữ lại).
Lấy sản phẩm thu được (khí CO2 hòa hợp với nước vôi trong) nung ở nhiệt độ cao ta thu được khí CO2.
Ví dụ 4: Có một lượng bột sắt bị lẫn một lượng nhỏ bột nhôm. Làm thế nào để thu được sắt tinh khiết?
Lời giải
Cho hỗn hợp bột kim loại vào dung dịch NaOH dư.
Al phản ứng hoàn toàn với NaOH dư tạo thành dung dịch, Fe không phản ứng.
2Al + 2NaOH + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2↑
Lọc lấy bột sắt và rửa sạch thu được bột sắt tinh khiết.
4. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Một trong những tính chất nào sau đây cho biết chất lỏng là tinh khiết?
- Không tan trong nước.
- Có vị ngọt, mặn, chua.
- Không màu, không mùi, không vị.
- Khi đun chất sôi ở nhiệt độ nhất định và chất hoá rắn ở nhiệt độ không đổi.
Chọn D
Do: Chất tinh khiết có những tính chất vật lý và hóa học nhất định.
Câu 2: Chất tinh khiết là
- Chỉ 1 chất.
- Nhiều chất.
- Một nguyên tố.
- Một nguyên tử.
Chọn A
Do: Chất tinh khiết là chất không có lẫn chất khác (tạp chất).
Câu 4: Hỗn hợp là:
- Nhiều nguyên tử.
- Một chất.
- Nhiều chất trộn lẫn vào nhau.
- Nhiều chất để riêng biệt.
Chọn C
Hỗn hợp gồm hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau.
Câu 5. Một hỗn hợp gồm bột sắt và đồng, có thể tách bằng cách sau:
- Hòa tan vào nước
- Lắng, lọc
- Dùng nam châm để hút
- Tất cả đều đúng.
Phương án đúng là C.
-------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Các phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Chuyên đề Hóa học 8, Giải bài tập Hóa học 8, Giải SBT Hóa 8, Trắc nghiệm Hóa học 8, Tài liệu học tập lớp 8