Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2025 - 2026
Đề ôn thi vào lớp 10 môn Văn
VnDoc xin giới thiệu Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2025 - 2026 theo hình thức Trắc nghiệm và Tự luận có đáp án. Tài liệu nhằm giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Chúc các bạn ôn thi tốt, mời các bạn tải về tham khảo chi tiết bài viết nhé.
ĐỀ THI VÀO LỚP 10 CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018
ĐỀ 1
NĂM 2025-2026
Thời gian: 120 phút
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn ta, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.
Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ … thương nhớ lắm
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đầy nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.”
(Trích “Trở về quê nội” - Lê Anh Xuân)
Câu 1 (0,25 điểm). Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ lục bát
B. Thơ bảy chữ
C. Thơ song thất lục bát
D. Thơ tự do
Câu 2 (0,25 điểm). Những hình ảnh nào trong đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương?
A. những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa, tiếng võng đưa, những bông trang trắng, những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông.
B. xanh biếc bóng dừa, những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa, tiếng võng đưa, những bông trang trắng, những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng.
C. xanh biếc bóng dừa, những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa, tiếng võng đưa, những bông trang trắng, những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông.
D. đoạn đường xưa, tiếng võng đưa, những bông trang trắng, những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông, tuổi thơ ta tắm.
Câu 3 (0,25 điểm). Điệp từ “ta” được điệp lại nhiều lần kết hợp với một loạt những động từ “gặp lại”, “yêu”. “nhìn”, “say”, “ngắm” … có tác dụng gì?
A. Khẳng định tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp trong trái tim người xa quê; đồng thời nhắn nhủ chúng ta cần trân trọng cội nguồn gốc rễ của mình.
B. Nhấn mạnh tình yêu quê hương tha thiết và nỗi xúc động, bồi hồi của tác giả khi trở lại quê nhà sau bao năm xa cách.
C. Nhấn mạnh những vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của quê hương luôn sống mãi trong kí ức nhân vật trữ tình.
D. Khẳng định vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của quê hương; bộc lộ tình yêu quê hương thiết tha, sâu nặng của “ta”.
Câu 4 (0,25 điểm). Âm thanh “kẽo kẹt … tiếng võng đưa”, “ầu ơ …” đánh thức điều gì trong “cái tôi” trữ tình của tác giả?
A. Đánh thức kí ức tuổi thơ ngọt ngào; trong miền kí ức đẹp ấy có âm thanh tiếng võng, có tiếng ru ầu ơ của mẹ
B. Đánh thức tình yêu quê hương và khát vọng xây dựng quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp trong “cái tôi” trữ tình của tác giả.
C. Đánh thức nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương, nhớ những kỉ niệm dấu yêu của tuổi học trò trong “cái tôi” trữ tình của tác giả.
D. Đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp, thật bình yên gắn với hình ảnh của bà, của mẹ trong “cái tôi” trữ tình của tác giả.
Câu 5 (0,25 điểm). Dòng thơ “Hoa lục bình tím cả bờ sông” khắc họa điều gì?
A. Hình ảnh hoa lục bình màu tím rất đẹp, đây là loại hoa đã để lại nhiều kỉ niệm sâu sắc trong lòng tác giả.
B. Hình ảnh hoa lục bình là biểu tượng của miền quê sông nước, nó gợi nhắc những kỉ niệm về quê hương thanh bình.
C. Hình ảnh dòng sông đẹp, bình dị và yên lành, mênh mang và xao xuyến, như là biểu tượng cho vẻ đẹp của quê hương yêu dấu.
D. Hình ảnh hoa lục bình tím gợi lên trong lòng người xa quê nỗi nhớ quê hương da diết, gợi nhắc những kỉ niệm tuổi thơ yêu dấu bên người thân.
Câu 6 (0,25 điểm). Hai dòng thơ đầu có sử dụng những thành phần biệt lập nào?
A. Thành phần chêm xen và thành phần cảm thán.
B. Thành phần tình thái và thành phần chêm xen.
C. Thành phần cảm thán và thành phần tình thái.
D. Thành phần cảm thán và thành phần gọi - đáp.
Câu 7 (0,25 điểm). Hai dòng thơ “Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa/ Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại” diễn tả tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
A. Tâm trạng buồn thương, nhớ nhung người thân khi trở về quê cũ.
B. Tâm trạng xúc động, rưng rưng của nhà thơ khi trở về quê cũ.
C. Tâm trạng xót xa khi trở về thăm quê hương nhưng những người thân yêu không còn nữa.
D. Tâm trạng bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng khi được trở về quê cũ.
Câu 8 (0,25 điểm). Có ý kiến cho rằng: Đoạn trích thơ đã thể hiện thành công tình yêu quê hương nồng nàn, tha thiết của nhân vật trữ tình qua những câu thơ bình dị mà giàu xúc cảm.
Em có đồng tình với ý kiến trên không?
A. Đồng tình.
B. Không đồng tình.
Câu 9 (1,0 điểm). Hãy rút ra 02 bài học có ý nghĩa nhất đối với em sau khi đọc xong đoạn trích thơ.
Câu 10 (1,0 điểm). Từ nội dung của đoạn thơ, em hãy viết đoạn văn (5 đến 7 câu) trình bày vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người.
PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích truyện ngắn sau:
TRỞ VỀ
-Thạch Lam-
(Lược dẫn: Tâm và vợ về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê, gần nhà chàng. Tâm đưa vợ đi ăn tiệm, bảo vợ đợi mình ở đó để chàng về qua nhà thăm mẹ già khoảng chừng một tiếng.)
Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc, và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giàu sang chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa. Hoặc có nghĩ đến, chỉ để lại tự chế giễu mình, khi còn nhỏ, đã cho cái đời ở thôn quê là giản dị và sung sướng. Chàng mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bình dưới một túp lều tranh. Cái mộng ấy, bây giờ làm chàng khi nghĩ đến mỉm cười.
Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền, chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết! [...]
(Lược dẫn: Tâm về đến sân nhà. Bà mẹ mừng ứa nước mắt, hỏi han sức khỏe con trai, kể chuyện về Trinh - cô gái con bác cả hồi nhỏ vẫn hay chơi với Tâm. Một lát sau, Trinh sang chơi. Gặp lại Tâm, người thiếu nữ bẽn lẽn, e lệ)
Tâm nhận thấy, ở thôn quê, người ta không thay đổi mấy, và tính tình vẫn giữ được y nguyên. Nhưng chàng, thì chàng thay đổi khác hẳn rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng cảnh cũ nữa. Bây giờ, chàng không khi nào có cái ý tưởng điên rồ đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cải đời tối tăm nghèo khổ.
Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. [....] Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.
(Lược dẫn: Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng chào bà mẹ để đi, mặc cho bà cụ khẩn khoản giữ con ở lại ăn bữa cơm trưa. Trước khi đi, Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ).
Ra đến ngoài Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận.
Khi Tâm bước vào hàng cơm, vợ chàng vui mừng lộ ra nét mặt, vì không ngờ chàng chóng thế. Trời hãy còn sớm. Hai vợ chồng rủ nhau đi ngắm cảnh, đợi đến chiều mát sẽ đi ô-tô về hứng gió. [...]
Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: Một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con một lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu. Bà cụ còn ra đây làm gì? Tâm sợ lúc bà cụ lại khóc lóc, để cố giữ chàng lại. Hay nắm lấy áo chàng mà kể lể giữa chốn đông người. Chàng tưởng nghe thấy những câu bình phẩm to nhỏ, và trông thấy những cái mỉm cười chế giễu của mọi người. Vợ chàng sẽ nói thế nào?
- Thôi, chúng ta về ngay đi.
Tâm nói như người sốt ruột, giật cánh tay vợ rảo bước mau.
Đợi bà cụ đi khuất đầu phố, Tâm và vợ trở lại nhà hàng trả tiền, rồi đánh xe ra ngoài. Máy chạy đều, cái xe êm ru bắt đầu lướt trên đất.
Khi đến chỗ quặt quả ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình.
Tâm không ngoảnh lại, chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng ở không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ. Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau lưng như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ.
(Theo Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2008, tr. 22-28)
Chú thích:
Thạch Lam (1910-1942), tên khai sinh là Nguyễn Tường Lân, là một người đôn hậu và rất đỗi tinh tế. Ông có quan điểm văn chương lành mạnh tiến bộ, có biệt tài về truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình. Do đó truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện đặc biệt, mỗi truyện ngắn giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn.
Truyện ngắn Trở về là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam.
HƯỚNG DẪN CHẤM
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
1 | D. Thơ tự do | 0,25 |
2 | C. xanh biếc bóng dừa, những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa, tiếng võng đưa, những bông trang trắng, những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông. | 0,25 |
3 | B. Nhấn mạnh tình yêu quê hương tha thiết và nỗi xúc động, bồi hồi của tác giả khi trở lại quê nhà sau bao năm xa cách. | 0,25 |
4 | D. Đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp, thật bình yên gắn với hình ảnh của bà, của mẹ trong “cái tôi” trữ tình của tác giả. | 0,25 |
5 | C. Hình ảnh dòng sông đẹp, bình dị và yên lành, mênh mang và xao xuyến, như là biểu tượng cho vẻ đẹp của quê hương yêu dấu. | 0,25 |
6 | C. Thành phần cảm thán và thành phần tình thái. | 0,25 |
7 | B. Tâm trạng xúc động, rưng rưng của nhà thơ khi trở về quê cũ. | 0,25 |
8 | A. Đồng tình | 0,25 |
9 | Học sinh có nhiều cách diễn đạt để nêu lên 02 bài học có ý nghĩa nhất đối với bản than mình sau khi đọc xong đoạn trích thơ; bài học phải đúng đắn, phù hợp với nội dung, ý nghĩa của bài thơ; đồng thời phải đảm bảo chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là một vài gợi ý về những bài học có ý nghĩa gợi ra từ bài thơ: - Yêu quê hương, đất nước và trân trọng, gìn giữ những nét đẹp bình dị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. - Có ý thức quảng bá vẻ đẹp của quê hương đến với bạn bè quốc tế. - Có ý thức học tập, rèn luyện để góp phần cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, … | 1,0 |
10 | * Về hình thức: Đảm bảo thể thức của một đoạn văn, dung lượng đúng yêu cầu của đề bài; viết đúng ngữ pháp, chính tả. * Về nội dung: Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau để trình bày vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên, nội dung đoạn văn phải đảm bảo chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Sau đây là gợi ý: - Quê hương là nơi mỗi con người sinh ra, lớn lên, là mảnh đất mà chúng ta gắn bó suốt cuộc đời, với những kỷ niệm đẹp khó quên. - Quê hương dạy ta biết lớn khôn và trưởng thành dần từ những ngây thơ, vụng dại của ngày bé. - Quê hương không chỉ là nơi chúng ta lớn lên mà còn là nơi con người ta quay trở về sau những bão tố, những khó khăn. - Phê phán những người chưa nhận thức được tầm quan trọng của quê hương, chưa có ý thức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp hơn. - Mỗi chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vai trò của quê hương đối với sự hình thành nhân cách, giá trị sống cho mình. Từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp xây dựng quê hương mình: học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt cho quê hương, biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương và có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, … | 1,0 |
PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
* Về hình thức:
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội; dung lượng đúng yêu cầu của đề bài
- Văn phong trong sáng;
- Không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả.
* Về nội dung:
Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Cơ hội không đến với những người đợi chờ, mà đến với những người hành động. Cơ hội tuy chỉ là những khoảnh khắc nhỏ, nhưng chúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc đời bạn. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng to lớn với mỗi người.
Thân đoạn: Làm sáng tỏ sự cần thiết của việc biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống.
- Cơ hội là điều kiện thuận lợi, thời điểm hội tụ những điều thích hợp cho chúng ta tận dụng và tạo ra những thành công cho bản thân. Cơ hội không phải lúc nào cũng xuất hiện, do đó việc nắm bắt được những cơ hội sẽ mang đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng để ta đạt được mục đích. Biết nắm bắt cơ hội là chìa khóa để mở ra cánh cửa của thành công. Biết nắm bắt cơ hội giúp chúng ta tận dụng các điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, từ đó đạt được thành công mong muốn. Hơn nữa, việc chủ động nắm bắt cơ hội còn tạo ra cho chúng ta một sức mạnh to lớn và động lực để ta vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Biết nắm bắt cơ hội giúp bạn phát triển kỹ năng và kinh nghiệm. Khi bạn tận dụng cơ hội, bạn sẽ gặp những thử thách mới và phải đối mặt với những khó khăn mới giúp ta rèn luyện bản thân, tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn. Nắm bắt cơ hội giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ và kết nối. Cơ hội thường xuất hiện khi bạn có mối quan hệ và kết nối với người khác. Nếu bạn tận dụng cơ hội để gặp gỡ và kết nối với những người thành công, bạn sẽ có cơ hội học hỏi và lấy cảm hứng từ họ.
- Dẫn chứng chứng minh: Thuở thiếu thời Picasso là một hoạ sĩ vô danh, nghèo túng ở Paris. Đến lúc chỉ còn 15 đồng bạc, ông quyết định đánh canh bạc cuối cùng. Ông thuê sinh viên dạo các cửa hàng tranh và hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?”. Chưa đầy một tháng tên tuổi của ông đã nổi tiếng khắp Paris, tranh của ông bán được và nổi tiếng từ đó. Những tháng ngày bôn ba nơi xứ lạ, Nguyễn Tất Thành thử sức trong mọi công việc: làm thuê, làm thợ bánh, phụ giúp đầu bếp, cào tuyết ở trường học, đốt lò ở hầm, làm dọn dẹp và rửa bát đĩa làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn, ... Nhờ đó, Người trau dồi vốn ngoại ngữ, thấu hiểu đời sống dân nghèo, nắm rõ bản chất tư bản và càng thêm vững vàng đến với con đường chính trị đúng đắn...
Kết đoạn: Người đạt được thành công không phải là người không bao giờ thất bại, mà là người không bao giờ từ bỏ tìm kiếm cơ hội mới. Do đó, mỗi chúng ta hãy làm cho mỗi ngày trở nên ý nghĩa bằng cách tận dụng những cơ hội nhỏ xung quanh mình.
Câu 2. (4,0 điểm)
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.
Thạch Lam từng quan niệm: Văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tổ cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn. Đến với truyện ngắn Trở về, Thạch Lam đã dùng sức mạnh của thứ khí giới thanh cao kia để giúp con người thức tỉnh, nhận ra những sai lầm trong cách sống của con người hiện đại.
Thân bài:
* Khái quát chung: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm.
- Thạch Lam là một cây bút có biệt tài về truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình. Do đó truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện đặc biệt, mỗi truyện ngắn giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn.
- Truyện ngắn Trở về là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, được in lần đầu trong tập Gió đầu mùa, NXB Đời nay, Hà Nội, 1937.
* Nêu và phân tích chủ đề:
+ Truyện ngắn Trở về (Thạch Lam) đã đặt ra những trăn trở về lối sống của một bộ phận con người thời hiện đại, mải mê chạy theo danh lợi mà quên đi những điều xưa cũ, chối bỏ quá khứ của chính mình. Nhân vật chính của truyện là nhân vật Tâm. Đã có thời Tâm cho rằng cuộc sống ở thôn quê là giản dị và sung sướng. Chàng đã mơ mộng sẽ yêu và lấy một cô thôn nữ, cùng nhau sống trong cảnh thanh bình dưới một túp lều tranh. Nhưng có lẽ ám ảnh với những cơ cực, thiếu thốn thủa thơ ấu nên khi có dịp lập nghiệp ở Hà Nội, Tâm dần quên đi gốc gác của mình, chối bỏ cả những gì vốn thân thuộc nhất với anh ta trước đây. Những thay đổi trong lối sống, suy nghĩ của Tâm thể hiện qua chuyến về thăm nhà sau 5, 6 năm xa cách: Tâm tự chế giễu cái ước mơ thủa xưa lấy cô gái thôn quê, sống cuộc đời đạm bạc của mình; giờ đây chàng không khi nào nghĩ đến cái ý tưởng điên rồ ấy nữa. Tâm cũng xa cách với chính người mẹ già của mình khi không hề để ý đến những lá thư bà cụ gửi, coi đó chỉ là những lời quê kệch. Tâm cho rằng mỗi tháng gửi về cho bà cụ một số tiền là đã làm đủ bổn phận của một người con, nên 5, 6 năm nay Tâm chưa hề về thăm mẹ. Chuyến về thăm chóng vánh chưa đầy một tiếng. Nếu với người mẹ già, đó là những giây phút cảm động đến ứa nước mặt thì với Tâm đó là làm xong bổn phận. Chi tiết cuối truyện càng tô đậm hơn sự đổi thay của lối sống con người khi mải miết chạy theo danh lợi, tiền bạc: Khi biết mẹ già ra tận ga để tiễn mình, thay vì cảm động, Tâm còn cảm thấy khó chịu với điều ấy. Khi cùng vợ đi ngang qua mẹ và cô Trinh, anh ta dửng dưng khi thấy chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Thạch Lam đã làm nổi bật sự suy đồi đạo đức của con người trong xã hội khi đồng tiền lên ngôi, phản ánh sự tha hóa nhân cách bằng ngòi bút đầy tinh tế. Nhà văn bày tỏ kín đáo tác giả cũng ngầm phê phán xã hội trọng vật chất; phê phán những kẻ ham chạy theo danh lợi mà quay lưng lại với quá khứ, với những người thân yêu của mình.
* Phân tích đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm:
+ Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tình huống truyện: Cốt truyện đơn giản, không có tình tiết gây cấn nhưng vẫn gây ấn tượng với người đọc bởi tình huống truyện tâm lí. Truyện xoay quanh dòng tâm trạng của nhân vật Tâm trong chuyến về thăm nhà; từ đó giúp người đọc khám phá sâu hơn những suy nghĩ, tính cách, sự đổi thay của nhân vật, làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện.
+ Truyện kể theo trật tự thời gian tuyến tính nhưng đan xen một số hồi ức của nhân vật và một số chi tiết bất ngờ, lôi cuốn người đọc.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được khắc họa qua hành động, lời nói và đặc biệt là qua nghệ thuật miêu tả tâm lí. Cái tài của nhà văn là miêu tả được những giây phút giao tranh mơ hồ giữa sự lên tiếng của trái tim nơi chút tình quê còn sót lại với lí trí đã bị vật chất sai khiến, cám dỗ. Trong suy nghĩ của Tâm, đâu đó hình ảnh của cảnh thôn quê cũ, của những người anh đã từng gắn bó suốt thời ấu thơ thấp thoáng hiện lên, đó là người mẹ già, là cô Trinh – nhưng ngay sau đó tất cả đã bị lấn át, nhòe mờ đ bởi những gì xa hoa của cuộc sống chốn thượng lưu.
+ Ngôn ngữ giản dị, dùng từ tinh tế, chọn lọc.
Kết bài: Khẳng định giá trị của truyện ngắn, ý nghĩa của tác phẩm với người viết.
Quả thực, với Trở về, trang văn của Thạch Lam đã góp phần tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, đồng thời làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phủ hơn. Có lẽ vì thế mà sau hơn nửa thế kỉ, chúng ta vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và nhã thú khi đọc văn Thạch Lam.
Tài liệu còn dài, mời các bạn tải về tham khảo trọn bộ
- Đề cương ôn thi vào lớp 10 môn Văn năm 2021
- Bộ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2020
- Cách làm bài văn nghị luận về đạo lý trong đề thi vào 10
- Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- 45 Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Ôn tập vào lớp 10 môn Ngữ văn: Các dạng bài văn nghị luận
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020 - 2021 (Đề 1)
- Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020
- Bộ đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Giang
- Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Yên Bái năm 2021
- Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Yên Bái năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Tân Dân, Hải Dương năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên năm học 2020 - 2021
- Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn phần thơ và truyện
- Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn có đáp án