Tả cây cổ thụ Hay, Ngắn gọn (85 mẫu)
Tả cây cổ thụ lớp 5 giúp các em học sinh biết cách làm bài văn miêu tả, rèn luyện kỹ năng viết văn, vận dụng cho từng bài viết. Hi vọng, những bài văn mẫu tả cây cổ thụ lớp 5 kèm theo dàn ý tả cây cổ thụ này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô cùng các em học sinh
1. Lập dàn ý Tả cây cổ thụ
a. Mở bài: Giới thiệu về cây cổ thụ mà em muốn miêu tả.
- Cây cổ thụ đó thuộc giống cây gì? Được trồng ở đâu?
- Cây cổ thụ ấy đã bao nhiêu tuổi rồi? Nó gắn liền với con đường hay địa điểm nào thân quen với em?
b. Thân bài: Miêu tả cây cổ thụ:
- Rễ cây:
- To hay nhỏ? Có trồi lên mặt đất không?
- Phần trồi lên có màu sắc, hình dáng như thế nào?
- Thân cây:
- Cao khoảng bao nhiêu mét? So với các cây trồng và kiến trúc xung quanh thì chiều cao đó như thế nào?
- Bề ngang thân cây có lớn không? Phải bao nhiêu người ôm thì mới xuể?
- Lớp vỏ trên thân cây dày hay mỏng? Có màu sắc gì? Có đặc điểm gì? Khi chạm tay vào thì có đặc điểm gì?
- Cành cây:
- Cách mặt đất bao xa thì cây bắt đầu đẻ cành?
- Cây có nhiều cành chính và cành phụ không? Kích thước của chúng như thế nào?
- Có nhiều chim hay ong về làm tổ trên cành cây không?
- Lá cây:
- Lá cây có hình dáng gì? Kích thước của lá? So với lá của các loại cây thông thường thì lá cây có gì khác?
- Lá cây mọc có dày không? Xanh bốn mùa hay rụng theo mùa?
- Lá cây có được sử dụng vào việc gì trong cuộc sống không?
c. Kết bài: Tình cảm của em với cây cổ thụ
- Em thường làm gì để giúp bảo vệ cây luôn tươi tốt và phát triển mạnh mẽ?
- Em có kỉ niệm gì cùng bạn bè và người thân dưới gốc cây không?
>> Tham khảo dàn ý chi tiết: Lập dàn ý Tả một cây cổ thụ lớp 5
2. Tả một cây cổ thụ Ngắn gọn nhất
Tả cây cổ thụ lớp 5 Ngắn nhất mẫu 1
Bên bến sông làng em có trồng một cây gạo. Cây gạo ấy đã rất lớn tuổi rồi, nên cao lớn và xum xuê lắm.
Cây gạo rất cao, cao hơn tất cả những cây thân gỗ khác trồng ở dọc bờ sông. Thân cây to bằng hai lần cái cột nhà. Lớp vỏ quanh thân cây thô ráp, sần sùi, nứt nẻ thành từng khe dọc theo chiều dài của cây. Đó là đặc điểm cho em biết cây đã đứng ở bến sông này rất lâu rồi. Cành cây gạo rất nhiều, to nhỏ, dài ngắn gì cũng có cả. Chúng mọc đan xen, chồng chéo lên nhau tạo thành cái khung lớn. Trên cái khung đó, lợp đầy những chiếc lá gạo xanh sẫm, hơi dài mọc thành cụm như đóa hoa. Nhưng tất nhiên, nó chưa thể đẹp bằng hoa gạo. Hoa gạo nở vào tháng ba. Từng đóa hoa to như nắm tay với cánh hoa đỏ rực, thắp sáng cả bờ sông. Mùa hoa gạo nở, bến sông bỗng đông đúc hơn bởi khách đến xem hoa và chim chóc từ xa bay đến. Chờ khi hoa tàn, bến sông mới yên ắng lại. Lúc này, cây gạo cho ra những trái chứa đầy bông trắng bên trong.
Cây gạo to lớn, thô kệch nhưng hiền lành. Suốt bao năm cây che mưa che nắng cho người dân ra bến sông chờ đò. Rồi còn cho người nông dân hái bông, hái hoa nữa. Có lẽ chính vì thế, mà người dân làng em ai ai cũng yêu cây gạo lắm.
Tả cây cổ thụ lớp 5 Ngắn nhất mẫu 2
Bốn phía ở làng quê em đều trồng nhiều cây gạo. Cây gạo như thật quen thuộc với tất cả người dân làng em và đặc biệt với lũ trẻ chúng em thường thường hay tụ tập để có thể chơi đùa dưới tán lá râm mát của cây.
Tháng ba, gạo ra hoa. Nụ gạo to bằng cái chén uống rượu của các cụ, màu đỏ nâu, đỏ sẫm. Nụ hoa có cái cuống to bằng chiếc đũa, dài độ đốt ngón tay. Hoa gạo nở xoè to hơn cái chén tống, có nhiều cánh, màu đỏ hồng, đỏ tươi. Tháng tư, trong nắng hè chói chang, cây gạo làng em nở hoa như thắp muôn nghìn ngọn lửa cháy rừng rực giữa trời xanh. Sớm sớm, chiều chiều, có hàng trăm con chim kéo đến: chim cu gáy, chim sáo sậu, sáo đen, chim sâu, chim vành khuyên, chim quạ.. Chúng hát, chúng chuyện trò râm ran, chúng bay lượn. Tưởng như bầy chim trời kéo về dự hội hoa gạo.
Gạo nở hoa rồi kết thành trái. Cuối tháng sáu, đầu tháng bảy, trái gạo chín nở xoè ra nhiều múi. Bông gạo trắng tinh mang theo hạt gạo, được gió đưa đi khắp mọi chân trời. Bông gạo bay lơ lửng như những chiếc khăn voan tuyệt đẹp.
Cây gạo là một trong những vẻ đẹp của quê em. Năm nay, gạo nở hoa đỏ rực, báo tin một vụ chiêm bội thu.
3. Tả cây cổ thụ lớp 5
Tả cây phượng (12 mẫu)
Giữa sân trường tôi, đứng sừng sững một cây phượng đang nở rộ những đóa hoa đỏ thắm. Tôi không biết nó được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi tôi mới đặt chân vào trường đã thấy nó đứng đấy như một chàng hiệp sĩ hiên ngang, che chắn nắng mưa cho tụi nhỏ trường tôi.
Cây phượng đã già lắm rồi. Thân cây đã chuyển sang gam màu xám có nhiều đốm trắng bạc vì cao tuổi. Nó giương những cánh tay che chở cho chúng tôi khỏi những tia nắng gay gắt của mùa hè đổ lửa. Dưới gốc cây, nổi lên những cái rễ lớn, ngoằn ngoèo, uốn lượn như những con rắn đang trườn vào bóng râm hóng mát. Phía trên là tán lá như một cái lọng khổng lồ. Tôi không biết ai đã đan những cành cây lại với nhau mà thành cái lọng khéo đến như vậy. Những chú ve thường ẩn mình trong vòm lá phượng và cất tiếng kêu ra rả suốt ngày.
Giữa khoảng trời mênh mông, những đóa hoa phượng đỏ rực nổi bật lên, rực thắm và dễ thương. Vào giờ ra chơi, những cánh hoa phượng được các bạn gái tách ra thành những chú bướm xinh xinh. Sau những trận mưa rào, hoa phượng rơi rải rác khắp sân trường tựa như cả mặt sân được trải lên một tấm thảm màu đỏ tươi, ánh lên dưới tia nắng mặt trời. Cây phượng thay lá quanh năm. Mùa đông, cây rụng hết lá, phô ra những cành trơ trụi, khẳng khiu. Nhưng sang xuân, chồi non lại nhú ra, phủ một màu xanh tươi mát cho cây. Mỗi lần như thế dường như tuổi thanh xuân lại trở về với cây phượng già, xóa đi sự già nua đã in hằn lên thân hình của nó. Sau đó không lâu, ở khắp sân trường hình ảnh của mùa hè lại được vẽ lên bằng những chùm hoa đỏ thắm. Cây phượng đem lại niềm vui sướng, háo hức cho tuổi học trò.
Mùa hè lại đến và những cánh phượng như những cánh bướm vẫn nằm trong những trang lưu bút của tụi nhỏ chúng tôi như một dấu ấn kỉ niệm đẹp mà trước lúc chia tay gửi lại cho nhau để nghỉ hè.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây phượng trên sân trường em
Tả cây đa cổ thụ (16 mẫu)
Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.
Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.
Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao.
Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.
Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.
Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây đa cổ thụ làng em
Tả cây si (4 mẫu)
Trường em có rất nhiều loài cây cổ thụ to như cây xà cừ, cây bàng, cây si già. Nhưng em thấy thích nhất là cây si già bởi nó nằm ngay trước cửa lớp học của em.
Em cũng chẳng biết cây si già đã có từ bao giờ nhưng em chắc chắn một điều là nó có từ rất rất lâu rồi. Vì bây giờ nó thành cây si già cổ thụ đứng sừng sững như một cái ô khổng lồ che nắng che mưa cho chúng em vui chơi.
Ở gốc cây si là những chiếc rễ lớn uốn lượn vòng vèo nổi trên mặt đất như những chiếc ghế để cho chúng em ngồi giải lao và vui chơi sau những tiết học căng thẳng và mệt mỏi. Thân cây to ba người bọn em ôm mới hết, thân cây có màu nâu sẫm. Lên cao chừng hơn mét rưỡi cây si bắt đầu phân thành năm nhánh lớn tỏa ra xung quanh và lên cao hơn trên những nhánh đó lại phân thành những nhánh con với những chiếc lá nhỏ xinh vươn ra xung quanh thành một chiếc ô lớn khổng lồ. Em thấy một điều đặc biệt ở cây si là ở những nhánh có những sợi dây dài mọc hướng xuống bên dưới rất dài. Như những mái tóc buông mình thuôn dài. Lá cây si có màu xanh hơi không to nhưng cây si rất nhiều lá đan xen lẫn nhau như muốn che chắn bảo vệ một thứ gì đó.
Bọn em rất hay ra gốc cây si chơi đùa có những bạn còn khắc tên mình lên thân cây coi như một kỉ niệm không bao giờ quên. Những bạn nam tinh nghịch thì thường cố trèo lên cây và vặt những cái rễ tuôn dài ở nhánh để nghịch. Có những bạn thì ngồi dưới gốc cây chơi mấy trò như ô ăn quan, oẳn tù tì, nhắm mắt đi tìm…Có lẽ nơi đây là kỉ niệm thời học sinh đẹp nhất của chúng em.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tập làm văn lớp 5: Tả cây si
Tả cây bằng lăng (5 mẫu)
Sân trường em có rất nhiều những loại cây, cây bàng với những tán lá xanh um tỏa bóng che mát cho sân trường hay cây phượng với những bông hoa đỏ rực tuyệt đẹp nhưng có lẽ em thích nhất là cây bằng lăng.
Cây bằng lăng mà em thích nằm bên cạnh với lớp em. Thân cây to màu nâu với những đường vân sần sùi. Cây được trồng trong bồn với những bông hoa bé xinh được xếp ở xung quanh. Cây cao tầm 2 mét, cành lá tỏa ra tứ phía trông như những cánh tay khổng lồ vậy. Lá bằng lăng có màu xanh thẫm, to bằng bàn tay của người lớn. Lá bằng lăng không có viền răng cưa mà thay vào đó là những đường gân lá kéo dài từ cuống lá đến hết chiếc lá.
Mùa hè đến bằng lăng bắt đầu nở rộ. Hoa bằng lăng có màu tím rất đẹp mắt. Hoa bằng lăng có nhiều cánh, mỗi cánh hoa đều mềm như lụa và nhẹ như nhung. Những cánh hoa ấy ôm ấp bao bọc lấy nhụy hoa màu vàng tươi bên trong tạo ra một sự hài hòa về màu sắc. Khi các bông hoa nở rộ cũng là lúc toàn bộ cây được bao phủ bởi màu tím chói mắt. Từ xa nhìn lại cây hoa lúc này trông chẳng khác gì một chiếc ô khổng lồ màu tím sang trọng tỏa bóng che mát cả một khoảng sân rộng.
Hoa bằng lăng từ lâu đã được coi là hoa học trò bởi màu hoa rất giống màu mực tím cũng bởi vì hoa nở đúng vào mùa thi. Mỗi lần ngồi trong lớp em lại lơ đãng hướng ra cửa sổ ngắm nhìn những chùm hoa màu tím thanh thanh ấy, cảm xúc vừa buồn mà lại vừa vui. Vui là vì sắp được lên một lớp mới còn buồn là vì phải xa bạn bè thầy cô. Khi hoa bằng lăng bắt đầu rơi xuống cũng là lúc cây bắt đầu có quả. Quả bằng lăng lúc non sẽ có màu xanh lục bảo, hương thơm nhẹ, thanh khiết. Khi chín quả sẽ tự tách ra thành từng múi một.
Em rất yêu cây bằng lăng này bởi nó gắn liền với rất nhiều những kỉ niệm về tuổi học trò ngây thơ đầy nắng và gió của em. Em sẽ luôn chăm sóc và giữ cho cây luôn được tươi tốt.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây bằng lăng lớp 5
Tả cây bàng (19 mẫu)
Trường em thấp thoáng sau những tán cây đại thụ: những rặng xà cừ cao tít, tán lá sum suê rinh theo gió, những cây phượng với rực rỡ sắc đỏ khi vào hè và đặc biệt đó là cây bàng với tán bàng rộng khắp trải bóng mát khi hè về, và không biết từ bao giờ cây bàng đã trở thành người bạn thân thiết với lũ trẻ chúng em.
Từ khi bước chân vào mái trường thân yêu này, cây bàng đã ở đó đứng hiên ngang trước sân, trải qua bao mùa mưa gió và em cũng lớn dần lên còn cây bàng thì càng già đi. Thân bàng xù xì những ụ, nhưng to và vững chắc. Gốc bàng nổi hằn những cái rễ to lên trên mặt đất. Em từng hỏi mẹ tại sao rễ bàng lại to và oằn đến thế mẹ nói đó là sức nặng của thời gian, của nắng mưa gió bão, chúng phải oằn mình chống cự để cây bàng có thể xanh tốt như bây giờ.
Cây bàng luôn làm em thích thú mỗi khi lỡ nhìn ra cửa sổ,cái màu xanh mướt khi mùa xuân gần qua mùa hè gần tới làm dịu mắt em. Tán bàng rỗng che ngợp cả nắng mùa hè tạo thành chiếc ô dù màu xanh thiên nhiên mà em có thể chơi thỏa thích dưới sân cùng các bạn. Các bạn nam thì bắn bi dưới gốc, các bạn nữ chơi chuyền chắt hay nhảy dây. Tất cả đều cười vui vẻ và khoái trí dưới sân. Còn em thích ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua kẽ lá tinh nghịch đùa giỡn trốn tìm cùng nhau.
Mùa đông tới cây bàng lại trở về dáng vẻ khẳng khiu. Khi mà những chiếc lá đỏ ối rụng gần hết, làn gió mùa heo hút thổi qua, chỉ còn vài chiếc lá đỏ còn lại trơ trọi và đơn độc, lũ học trò chúng em vẫn nô nghịch dưới gốc bàng nhưng em biết cây bàng phải chịu đựng lạnh giá mùa đông, chiếc áo ấm xanh mướt đã chẳng còn nữa. Quả bàng xanh, quả bàng chín..... lấp ló sau tán lá. Lũ trẻ chúng em thích ăn quả bàng ngọt thơm đặc biệt là bàng nếp thì còn ngậy và bùi nữa.
Cây bàng đã cùng chúng em lớn lên cùng chúng em vui đùa, cùng chúng em học ngày qua ngày. Nghỉ hè sân trường vắng một mình cây bàng đứng trơ trọi. Gió tinh nghịch làm rung rinh tán lá. Hay cây bàng già đang đứng cười hiền và vẫy chào tạm biệt chúng em hẹn sau một kì nghỉ dài gặp lại. Em sẽ rất nhớ cây bàng già ấy.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây bàng trên sân trường
Tả cây xà cừ (9 mẫu)
Ở sân trường em có rất nhiều loại cây cho bóng mát nhưng dường như cây xà cừ kia là to lớn hơn cả. Chính vì to lớn cho nên mới cho nhiều bóng mát. Ai ai cũng yêu quý cây xà cừ và mỗi ngày đi học chúng em lại tụ tập ở quanh cây để vui đùa cho mát mẻ.
Đã bao nhiêu năm trôi đi không ai là không thắc mắc cây xà cừ đã bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Em được cô giáo nói chắc rằng cây xà cừ này đã được trồng cách đây gần trăm năm rồi. Nhìn từ xa, cây xà cừ như một người khổng lồ đội chiếc mũ màu xanh thẫm. Cho đến khi em tiến gần, nổi bật trước ta là thân cây to cao, sần sùi với những tán lá dày đặc. Đặc biệt hơn nữa thì ở dưới gốc, mấy chiếc rễ lớn chồi lên khỏi mặt đất như mời gọi chúng em ngồi trên đó để tránh nắng. Thế rồi cũng nhìn từ trên cao, cành cây chĩa ra thành nhiều nhánh, không đếm xuể.
Cho đến khi mà mùa hạ đến, xà cừ cũng ra hoa. Em rất ấn tượng với hoa xà cừ nhỏ li ti như những đốm sáng thật là đẹp biết bao nhiêu, ta như cũng phải tinh mắt lắm mới nhận ra được. Những nụ hoa xanh mướt như chồi non mới nhú, tròn vo giống những hạt tấm lớn màu vàng nhạt. Hoa đã tàn thì đã có trái. Quả xà cừ xù xì, màu nâu xám to như vốc tay, đồng thời loại quả này dường như lại tròn như quả bóng bàn đung đưa. Quả già rụng xuống thường vỡ làm ba, bốn mảnh. Cây xà cừ trút lá vào mùa xuân, lúc vạn vật đang đâm chồi, nảy lộc. Chỉ một hai tuần thôi là cây xà cừ đã thay hết lá. Đặc biệt hơn, khi chiếc lá vàng cuối cùng rụng xuống thì trên những cành cây khẳng khiu kia vô số chồi non đã giăng đầy rồi.
Cây xà cừ chính là một trong những cây mà em yêu thích nhất, bởi cây đã gắn bó với tuổi thơ của lũ trẻ chúng
Mai này đi xa em cũng không bao giờ quên được cây xà cừ ở sân trường đã lưu giữ lại nhiều kỉ niệm tuổi học trò.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây xà cừ lớp 5
Tả cây sấu (5 mẫu)
Trường em trồng nhiều cây cho bóng mát, nhưng em thích nhất là cây sấu thật to ở sân trường em.
Cây sấu không rõ trồng từ bao giờ. Nó khá cao. Ngọn cây gần ngang tầng thượng ngôi nhà hai tầng, dày đặc lá, lúc nào cũng xanh rì. Ngồi ở dưới sân trường ngước nhìn lên, lá cây dày đặc khó mà thấy được một mảnh da trời. Gốc cây to đến ba đứa chúng em ôm cũng không xuể. Vỏ cây màu nâu mốc, nứt ra từng mảnh nhỏ. Có bạn nghịch cậy ra từng mảng vỏ, chắc cây đau lắm. Thật là một trò nghịch ác. Những hôm nắng to, cây sấu tỏa bóng râm trùm lên một khoảng sân rộng. Bóng râm lúc to, lúc nhỏ, lúc tròn như vành vạnh một cái ô lớn khi mặt trời ở đỉnh đầu, lúc thì ngả dài như một dải lụa khi mặt trời mới mọc hoặc xế chiều. Đặc điểm của sấu già cổ thụ này có thể dễ nhận thấy đó chính là bộ rễ cây. Rễ của cây sấu như thật to và nó cũng đã nhô lên khỏi mặt đất trông giống như một đàn rắn đang bò xung quanh gốc bám thật chắc, dù ai xua đuổi những con rắn này vẫn cứ nằm đó. Thân của cây sấu rất lớn phải đến vòng tay của 3 bạn ôm lại. Khi mùa thu đến những chiếc lá vàng trên cây sấu dường như cũng đã lại rơi rụng rất nhiều. Cơn gió mạnh mà thổi qua cũng đã khiến cho mặt đất xung quanh cây sấu như được phủ một lớp lá vàng.
Đến mùa đông, cây sấu dường như cứ thu mình lại im lìm, cho đến mùa xuân thì cây sâu như đâm chồi nảy lộc thật đẹp biết bao nhiêu, cho đến mùa hạ cây sấu lại ra những chùm hoa trắng nhỏ xinh, ngày qua ngày thì chùm hoa đó đã thành quả sấu. Người ta hay dùng quả sấu để nấu canh chua hay cũng dùng để ngâm với được làm nước giải khát rất thơm ngon vào ngày hè thời tiết oi bức.
Trong những giờ ra chơi chúng em cũng thích ngồi dưới gốc cây sấu để có thể tận hưởng được bóng mát của cây mang lại. Vì trong sân trường em cây sấu là cây cổ thụ lâu năm nhất. Em rất yêu mến cây sấu này, em cùng các bạn sẽ bảo vệ cây không cho bạn nào bẻ cành, tuốt lá.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây sấu
Tả cây gạo (8 mẫu)
Tả cây gạo Mẫu 1
Đầu làng tôi có một cây gạo cổ thụ rất đẹp. Cây đứng sừng sững và hiên ngang trước giông bão cuộc đời, chứng kiến bao sự đổi thay của làng qua các thế hệ nối tiếp nhau.
Từ cửa sổ, tôi hay trông ra phía cây gạo đầu làng. Trong ánh mắt trẻ thơ của tôi mỗi mùa cây gạo lại hiện ra những hình ảnh khác nhau. Mùa hè cây gạo đứng xòe ô che mát cho ai vào lúc trưa sang chuyến đò quê. Mùa thu, cây gạo nâng vầng trăng tròn vành mọng lên cành, suốt đêm ngồi xem trăng như người kéo kén tằm vàng, dải xuống làng những dải tơ lụa mịn màng.
Mùa đông, cây gạo trơ trọi cành lá. Bầu trời ẩm thấp lè tè mây xám. Cây gạo giống chàng lực sĩ khổng lồ, thân cao vống căng lên. Rễ tì đất, vươn cành như các cánh tay cuồn cuộn cơ bắp đỡ bầu trời lên không cho mây xám đè xuống làng.
Mùa xuân, nàng tiên xuân đem mưa rây bụi làm rung chuyển cả đất trời. Một buổi sáng, tôi trông ra phía đầu làng, ô kìa! Cây gạo đã đơm đầy hoa nom như một mâm xôi gấc đỏ. Ngày Tết, mẹ tôi cũng hay đổ xôi như thế. Khi tôi đang ngon lành giấc ngủ với giấc mơ vui mặc quần áo mới đầu năm thì mẹ tôi lẳng lặng thức dậy. Ánh lửa cháy cùng lòng mẹ.
Ngày tháng qua đi thật chậm mà cũng thật nhanh. Những bông hoa đỏ ngày nào đã trở thành những quả gạo múp míp, hai đầu thon vút như con thoi. Sợi bông trong quả đầy dần, căng lên; những mảnh vỏ tách ra cho các múi bông nở chín đều, chín như nồi cơm chín đội vung mà cười, trắng lóa. Cây gạo như treo rung rinh hàng ngàn nồi cơm gạo mới. Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.
Cây gạo gắn liền với tuổi thơ của những người dân quê tôi, trở thành một kí ức ngọt ngào trong quãng đời của mỗi người. Dù có đi đâu xa quê, hình ảnh cây gạo vẫn luôn trong tâm trí tôi.
Tả cây gạo Mẫu 2
Sừng sững phía đầu làng là bóng hình một cây gạo to lớn và vững trãi. Không ai biết cây đã qua bao nhiêu mùa hoa, đón biết bao mùa xuân về nhưng cây gạo nơi đầu làng đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho chốn làng mạc đồng quê, là bóng hình quê hương mà em sẽ mãi ghi nhớ.
Cây gạo đã ở đây từ rất lâu, dù bão gió mạnh mẽ và mãnh liệt thế nào cũng không quật đổ được thân cây to lớn. Thân cây gạo có lớp vỏ xù xì, cứng rắn. Thân cây lớn đến mức hai đứa trẻ bọn em vòng tay ôm không xuể. Thân cây cao và sừng sững, như một vị anh hùng hiên ngang bảo vệ cho vùng quê yên bình nơi em sống. Rễ cây dường như đã ăn sâu vào lòng đất mẹ, có những nhánh rễ to, nổi gồ lên mặt đất trông như những con rắn khổng lồ. Cây gạo có những cành dài, vươn xa thành một lán cây có tầm vóc rộng lớn. những cành cây càng lên cao càng thu gọn lại, nhìn từ xa như một ngọn tháp cao lớn. Mỗi mùa hoa gạo đến, cây lại đỏ rực vòm trời, những bông hoa gạo đỏ thắm và mềm mại, năm cánh hoa bao bao bọc bên ngoài, bên trong là những thân nhụy với những chấm đen li ti trên đầu nhìn rất độc đáo. Hoa gạo rực rỡ tháng ba, hoa gạo thắp sáng vẻ đẹp cho quê hương, hình ảnh một góc trời đỏ rực rỡ cũng đủ gợn nên biết bao vẻ đẹp đằm thắm nơi làng quê. Hoa gạo nở rồi kết thành trái, trái gạo có sáu múi, được đơm quả vào tầm tháng sáu. Bông gạo lúc ấy trắng như hạt gạo, theo cơn gió chốn làng mạc đi đến khắp mọi phương trời.
Hình ảnh cây hoa gạo to cao sừng sững từ lâu đã khắc vào trong tiềm thức của em. Bóng hình cây cổ thụ hiên ngang nơi đầu làng như người bạn hiền của những người dân quê. Dù mai này có đi xa thì em vẫn luôn nhớ đến hình ảnh cây gạo cổ thụ nơi quê hương yêu dấu.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây gạo hay nhất
Tả cây tràm (5 mẫu)
Trường em có trồng nhiều loại cây cho bóng mát, nhưng em thích nhất là cây tràm ở gần cổng trường.
Nhìn từ xa, cây tràm giống như một cây dù khổng lồ. Cây phát triển nhanh, vượt cao khỏi cổng trường. Rễ cây to nhô lên khỏi mặt đất trông giống như một đàn rắn đang bò. Thân tràm to đến hai vòng tay em ôm lại, vỏ sần sùi đen sậm. Vượt cao khỏi mặt đất độ hai thước, thân tràm chẻ thành nhánh. Mỗi nhánh đều có nhiều cành con chĩa ra bốn phía, mang đầy những chiếc lá vàng lại lìa cành. Chúng dạo chơi trên mặt đất. Một vài chiếc lá bay đến cái ao cạnh trường, thả thuyền trôi trên mặt nước. Xen lẫn giữa đám lá xanh um, ẩn hiện những cánh hoa vàng lấp lánh ánh nắng như những chùm kim tuyến. Đôi lúc, những cành hoa nhỏ xinh xắn ấy rơi xuống, bay nhè nhẹ trong không gian, tạo nên một khung cảnh thật nên thơ. Quả tràm màu xanh, xoắn tròn như trái keo non. Về già, quả đổi sang màu đen sậm. Nếu lấy quả chà trong nước, sẽ nổi lên những bọt trắng xóa như xà phòng...
Giờ chơi, chúng em đến quây quần bên gốc tràm vui đùa, trò chuyện. Thỉnh thoảng, vài chiếc hoa vàng rơi lác đác trên mái tóc như làm duyên cho chúng em. Có bạn nghịch ngợm hơn lại đến ôm gốc cây xoay một vòng, trông có vẻ thích thú lắm. Vào buổi bình minh, ông Mặt Trời nhô lên chiếu những tia nắng hồng xuyên qua kẽ lá làm óng ánh những giọt sương mai. Từng đàn chim kéo nhau về nhảy nhót, hót líu lo. Vài con bướm đậu trên những cánh hoa ngào ngạt hương thơm. Đêm về, từng cơn gió thổi làm lay động những chiếc lá, tạo nên một âm thanh êm dịu.
Em thích cây tràm lắm, vì tràm chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn tăng thêm vẻ đẹp của trường em. Những trưa hè êm ả, được ngắm hoa tràm rơi thật thích thú biết bao nhiêu.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây tràm lớp 5
----------------------------------------------------------------
Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5, Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 và Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5 , Bài tập Luyện từ và câu 5 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .