Soạn bài Truyện Kiều của Nguyễn Du ngắn gọn
VnDoc xin giới thiệu Soạn Văn 9 Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tài liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9. Sau đây mời các bạn tham khảo.
Soạn Văn 9 Truyện Kiều
A. Khái quát về Tác giả Nguyễn Du
1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Du
Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Tổ tiên Nguyễn Du vốn từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội) sau di cư vào xã Nghi Xuân, huyện Tiên Điền (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần (740 – 1778), con gái một người làm chức Câu kế. Bà Tần quê ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý. Nhưng năm 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi mồ côi mẹ, Nguyễn Du đến sống cùng với người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản.
Do nhiều biến cố lịch sử, từ năm 1789, Nguyễn Du dã rơi vào cuộc sống đầy khó khăn gian khổ. Năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn và hoạn lộ trở nên thuận lợi hơn.
Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỉ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm năm sinh của ông.
2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du
Qua các tác phẩm của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm. Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành,... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà đỉnh cao là Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ.
• Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du
Đặc điểm nội dung: nội dung sáng tác của Nguyễn Du là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao tình. Những khái quát của ông về cuộc đời, về thân phận con người thường mang tính triết lí cao và thấm đẫm cảm xúc. Ý nghĩa sâu sắc của thơi ca Nguyễn Du gắn chặt với tình đời, tình người bao la của nhà thơ.
Đặc điểm nghệ thuật: Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác. Ông nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc. Thơ chữ Hán của ông ở thể thơ nào cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt phải nói đến tài năng nghệ thuật của nhà thơ trong các sáng tác bằng chữ Nôm. Nguyễn Du đã góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc, làm giàu cho tiếng Việt qua việc Việt hóa nhiều yếu tố ngôn ngữ ngoại nhập.
B. Soạn bài Truyện Kiều
Câu 1 (trang 80 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
Những nét chính về Nguyễn Du có ảnh hưởng đến sáng tác Truyện Kiều:
a. Thời đại: Sống vào cuối thế kỉ XVIII là giai đoạn lịch sử đầy biến động: Chế độ phong kiến rối ren, khủng hoảng, phong trào nông dân nổi lên khắp nơi.
b. Gia đình: Sinh ra trong gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống văn học.
c. Cuộc đời: Từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, có vốn sống phong phú. Từng làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc.
Câu 2 (trang 80 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
a. Gặp gỡ và đính ước:
Thúy Kiều là thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái đầu một gia đình trung lưu lương thiện, em gái Thúy Vân và em trai Vương Quan. Trong buổi du xuân, nàng gặp và nảy nở mối tình với chàng Kim Trọng, nhân trả chiếc thoa rơi, Kim Trọng bày tỏ tâm tình và họ tự do đính ước.
b. Gia biến và lưu lạc
Kim Trọng về quê chịu tang, gia đình Kiều bị vu oan. Kiều nhờ Vân trả nghĩa Kim Trọng còn mình bán thân chuộc cha. Kiều bị bọn buôn người Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt đưa vào lầu xanh. Sau đó nàng được Thúc Sinh cứu vớt, nhưng lại bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư đày đọa. Kiều trốn đến nương nhờ cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà – một kẻ buôn người, nàng lại rơi vào lầu xanh. Thúy Kiều gặp Từ Hải, người anh hùng “đội trời đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều, giúp nàng báo ân báo oán. Hồ Tôn Hiến lừa và giết Từ Hải, bắt Kiều hầu đàn, rượu. Bị ép gả cho viên thổ quan, Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường, nhưng nàng được sư Giác Duyên cứu giúp.
c. Đoàn tụ
Kim Trọng sau khi chịu tang, trở lại tìm Thúy Kiều. Hay tin gia đình Kiều, chàng đau đớn. Tuy kết duyên với Thúy Vân nhưng chàng không nguôi tình xưa, cất công đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên, Kiều tìm được gia đình. Chiều ý mọi người, nàng nối duyên Kim Trọng nhưng chỉ coi là tình bạn.
C. Trắc nghiệm Truyện Kiều
Ngoài soạn bài Truyện Kiều, mời các em luyện tập với bộ câu hỏi trắc nghiệm tác phẩm Truyện Kiều để củng cố thêm kiến thức được học về tác phẩm.