Tính chất hóa học của sulfuric acid (H2SO4) đặc và loãng
Tính chất hóa học của sulfuric acid (H2SO4) đặc và loãng được biên soạn tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy mới môn Hóa học 11. Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Hóa hiệu quả hơn.
Tính chất hóa học của axit sunfuric
I. Tính chất hóa học của sulfuric acid (H2SO4) loãng
Dung dịch sulfuric acid loãng có đầy đủ tính chất của một acid mạnh.
1. Làm đổi màu quỳ tím thành đỏ
2. Sulfuric acid tác dụng với nhiều kim loại
Sulfuric acid (H2SO4) loãng tác dụng với nhiều kim loại (Mg, Al, Zn, Fe,...) tạo thành muối sulfate và giải phóng khí hydrogen.
Ví dụ:
H2SO4 (loãng) + Mg → MgSO4 + H2
3H2SO4 (loãng) + 2Al → Al2(SO4)3 + 3H2
Chú ý: Các kim loại Hg, Cu, Ag, Au, Pt …không tác dụng với H2SO4 loãng.
Khi Fe tác dụng với H2SO4 loãng, sản phẩm thu được là muối iron(II).
H2SO4 (loãng) + Fe → FeSO4 + H2
3. Sulfuric acid tác dụng với base
Sulfuric acid tác dụng với base tạo thành muối sulfate và nước.
Ví dụ:
H2SO4 + Cu(OH)2 → CuSO4 + 2H2O
H2SO4 + 2KOH → K2SO4 + 2H2O
4. Sulfuric acid tác dụng với basic oxide
Sulfuric acid tác dụng với basic oxide tạo thành muối sulfate và nước.
Ví dụ:
H2SO4 + CuO → CuSO4 + H2O
H2SO4 + Na2O → Na2SO4 + H2O
5. Sulfuric acid tác dụng với một số muối
Sulfuric acid tác dụng với một số muối tạo thành muối sulfate và acid mới
Ví dụ:
MgCO3 + H2SO4 → MgSO4 + CO2 + H2O
II. Tính chất hóa học của sulfuric acid (H2SO4) đặc
1. Tính acid
Dung dịch sulfuric acid đặc có tính acid mạnh và khó bay hơi, được sử dụng để điều chế một số acid dễ bay hơi.
Ví dụ: Dung dịch sulfuric acid đặc được dùng trong công nghiệp để điều chế HF bằng cách tác dụng với quặng fluorite.
CaF2 + H2SO4 \(\overset{250^{o}C}{\rightarrow}\)CaSO4 + 2HF
2. Tính oxi hoá
Dung dịch sulfuric acid đặc thể hiện tính oxi hoá mạnh, nhất là khi đun nóng, kèm theo sự giảm số oxi hoá của nguyên tử sulfur:
S+6 + 2e → S+4;
S+6 + 6e → S0;
S+6 + 8e → S-2;
Dung dịch sulfuric acid đặc, nóng oxi hoá được nhiều kim loại, phi kim và hợp chất.
Ví dụ:
Cu + 2H2SO4 \(\overset{t^{o} }{\rightarrow}\) CuSO4 + SO2 + 2H2O
C + 2H2SO4 \(\overset{t^{o} }{\rightarrow}\) CO2 + 2SO2 + 2H2O
2KBr + 2H2SO4 \(\overset{t^{o} }{\rightarrow}\) Br2 + SO2 + 2H2O + K2SO4
3. Tính háo nước
Dung dịch sulfuric acid đặc có khả năng lấy nước từ hợp chất carbohydrate và khiến chúng hoá đen (hiện tượng than hoá).
H2SO4 đặc tác dụng với đường.
III. Câu hỏi bài tập liên quan
Câu 1. Cách pha loãng dung dịch H2SO4 đặc nào sau đây đúng?
A. Rót nhanh acid vào nước và khuấy đều.
B. Rót nhanh nước vào acid và khuấy đều.
C. Rót từ từ nước vào acid và khuấy đều.
D. Rót từ từ acid vào nước và khuấy đều.
Câu 2. Acid H2SO4 loãng tác dụng với Fe tạo thành sản phẩm:
A. Fe2(SO4)3 và H2.
B. FeSO4 và H2.
C. FeSO4 và SO2.
D. Fe2(SO4)3 và SO2.
Câu 3. Các khí sinh ra trong thí nghiệm phản ứng của saccharose (C12H22O11) với dung dịch H2SO4 đặc bao gồm:
A. H2S và CO2.
B. H2S và SO2.
C. SO3 và CO2.
D. SO2 và CO2.
Câu 4. Sulfuric acid đặc, nguội có thể đựng trong bình chứa làm bằng
A. Cu.
B. Ag.
C. Ca.
D. Al.
Câu 5. Tính chất nào sau đây không phải tính chất của dung dịch sulfuric acid đặc?
A. Tính háo nước.
B. Tính oxi hóa.
C. Tính acid.
D. Tính khử.
Câu 6. Dung dịch sulfuric acid loãng tác dụng được với 2 chất trong dãy nào sau đây?
A. S và H2S.
B. Fe và Fe(OH)3.
C. Cu và Cu(OH)2.
D. C và CO2.
Mời các bạn tham khảo thêm nội dung câu hỏi đáp án bài tập nằm trong file TẢI VỀ
----------------------------------------