Các dạng Toán Vi ét thi vào lớp 10
Các bài toán có sử dụng hệ thức và hệ quả của hệ thức Vi-ét
Các bài toán có sử dụng hệ thức và hệ quả của hệ thức Vi-ét cung cấp lý thuyết Hệ thức Vi-ét; kèm các bài tập vận dụng định lý Vi-ét cho các em tham khảo, dễ dàng giải các bài tập liên quan.
Lý thuyết Hệ thức Vi-ét và ứng dụng
Định lý Vi-ét thuận
Cho phương trình bậc hai một ẩn \(a x^{2}+b x+c=0\; \; (a \neq 0)\) có hai nghiệm \(x_1; \; x_2\). Khi đó hai nghiệm này thỏa mãn hệ thức dưới đây:
\(\left\{ \begin{gathered} S = {x_1} + {x_2} = - \frac{b}{a} \hfill \\ P = {x_1}{x_2} = \frac{c}{a} \hfill \\ \end{gathered} \right.\)
Hệ quả
Dựa vào hệ thức Vi-ét khi phương trình bậc 2 một ẩn có nghiệm, ta có thể nhẩm trực tiếp nghiệm của phương trình trong một số trường hợp đặc biệt:
- Nếu a + b + c = 0 thì phương trình có hai nghiệm \({x_1} = 1;\,\,{x_2} = \frac{c}{a}\)
- Nếu a - b + c = 0 thì phương trình có nghiệm \({x_1} = - 1;\,\,{x_2} = - \frac{c}{a}\)
Định lý Vi-ét đảo
Giả sử hai số thực \(x_1; \; x_2\) thỏa mãn hệ thức:
\(\left\{ \begin{gathered} {x_1} + {x_2} = S \hfill \\ {x_1}{x_2} = P \hfill \\ \end{gathered} \right.\left( {{S^2} - 4P \geqslant 0} \right)\)
thì \(x_1; \; x_2\) là hai nghiệm của phương trình bậc hai \({x^2} - Sx + P = 0\)
Các bài toán ứng dụng định lý Vi-ét thường gặp
Dùng hệ thức Vi-ét để nhẩm nghiệm của phương trình
Phương pháp:
Nếu a + b + c = 0 thì phương trình (1) có một nghiệm \(x_{1}=1\) còn nghiệm kia là \(x_{2}=\frac{c}{a}\) .
Nếu \(a-b+c=0\) thì phương trình (1) có một nghiệm là \(x_{1}=-1\). còn nghiệm kia là \(x_{2}=-\frac{c}{a}\) .
Với những phương trình bậc hai có hệ số a, b, c đơn giản có thể dùng hệ thức Vi-ét để nhẩm nghiệm của chúng.
Tìm hai nghiệm khi biết tổng và tích của chúng
Phương pháp:
Cho phương trình bậc hai một ẩn \(a x^{2}+b x+c=0\; \; (a \neq 0)\) có hai nghiệm \(x_1; \; x_2\). Khi đó hai nghiệm này thỏa mãn hệ thức dưới đây:
\(\left\{ \begin{gathered} S = {x_1} + {x_2} = - \frac{b}{a} \hfill \\ P = {x_1}{x_2} = \frac{c}{a} \hfill \\ \end{gathered} \right.\)
Giải hệ phương trình để tìm hai nghiệm \(x_1; \; x_2\)
Tính giá trị của biểu thức có chứa các nghiệm của phương trình
Phương pháp:
Ta cần biến đổi các số hạng trong biểu thức về dạng tổng hoặc tích của các nghiệm của phương trình, rồi dùng công thức: \(x_{1} x_{2}=\frac{c}{a}\) và \(x_{1}+x_{2}=-\frac{b}{a}\), thế \(\frac{c}{a}\) vào vị trí của \(x_1x_2\), thế \(-\frac{b}{a}\) vào vị trí của \(x_{1}+x_{2}\), kết quả thu được chính là giá trị của biểu thức cần tìm
Xác định tính chất các nghiệm của phương trình
Phương pháp:
Cho phương trình bậc hai một ẩn \(a x^{2}+b x+c=0\; \; (a \neq 0)\) (1)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm trái dấu khi và chỉ khi: \(\frac{c}{a}<0\)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm cùng dương khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- \(\Delta>0\) (hoặc \(\Delta'>0\)) (điều kiện để phương trình có hai nghiệm)
- \(\frac{c}{a}>0\) (điều kiện để hai nghiệm là cùng dấu)
- \(-\frac{b}{a}>0\) (điều kiện để có hai nghiệm dương)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm cùng âm khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- \(\Delta>0\) (hoặc \(\Delta'>0\)) (điều kiện để phương trình có hai nghiệm)
- \(\frac{c}{a}>0\) (điều kiện để hai nghiệm là cùng dấu)
- \(-\frac{b}{a}>0\) (điều kiện để có hai nghiệm âm)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm cùng nhỏ hơn số m cho trước khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- \(\Delta>0\) (hoặc \(\Delta'>0\)) (điều kiện để phương trình có hai nghiệm)
- \(\left( {{x_1} - m} \right)\left( {{x_2} - m} \right) > 0\)
- \(\left( {{x_1} - m} \right) + \left( {{x_2} - h} \right) < 0\)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm cùng lớn hơn số m cho trước khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- \(\Delta>0\) (hoặc \(\Delta'>0\)) (điều kiện để phương trình có hai nghiệm)
- \(\left( {{x_1} - m} \right)\left( {{x_2} - m} \right) > 0\)
- \(\left( {{x_1} - m} \right) + \left( {{x_2} - h} \right) > 0\)
+ Phương trình (1) có hai nghiệm phân biệt, trong đó một nghiệm lớn hơn và một nghiệm nhỏ hơn một hằng số m cho trước khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- \(\Delta>0\) (hoặc \(\Delta'>0\)) (điều kiện để phương trình có hai nghiệm)
- \(\left( {{x_1} - m} \right)\left( {{x_2} - m} \right) < 0\)