Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch

Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch. Đây là tài liệu tham khảo hay được Vndoc.com sưu tầm, bài gồm dàn ý và các bài văn mẫu viết về vai trò của nguồn nước sạch đối với đời sống con người. Mời các bạn tham khảo.

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết dưới đây gồm có dàn ý nghị luận và tổng hợp 4 mẫu bài nghị luận. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

1. Dàn ý nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch

a. Mở bài

  • Cuộc sống sẽ không tồn tại nếu không có nước
  • Con người đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên đó là nước sạch

b. Thân bài

  • Thế nào là nước sạch: Là nguồn nước có thể dùng cho sinh hoạt hàng ngày của con người và sản xuất của con người
  • Vai trò của nước đối với sự sống
    • Là thành phần chủ yếu của con người và động vật
    • Là yếu tố không thể thiếu cho sinh hoạt hàng ngày cho sản xuất của con người
  • Thực trạng nguồn nước sạch đang bị ô nhiễm, đang ngày càng vơi cạn
    • Do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt môi trường bị mất cân bằng sinh thái...
    • Sông hồ bị ô nhiễm nặng, hạn hán tăng và kéo dài,...
  • Hậu quả nghiêm trọng của nguồn nước sạch dần cạn kiệt
    • Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người: Suy nhược do thiếu nước,...
    • Ảnh hưởng tới sản xuất: Hạn hán, mất mùa, thiếu nước tưới,...
  • Giải pháp
    • Trước mắt: Tiết kiệm nước sạch, giữ gìn vệ sinh
    • Lâu dài
      • Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vê môi trường
      • Trồng rừng, giữ nguyên nguồn nước

c. Kết bài

  • Cạn kiệt nước có thể là thảm họa cho cuộc sống
  • Trách nhiệm của mỗi người

2. Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch mẫu 1

Nhắc đến nước, người ta thường nghĩ về một cái gì đó dồi dào, bao la, vô tận, bởi trên thực tế hơn 70% diện tích bề mặt trái đất là nước. Thế nhưng khi nói về nước ngọt đó lại là điều ngược lại bởi chỉ có 2,5% nước ngọt có thể sử dụng, nước ngọt đã ít nước sạch lại càng khan hiếm. Trong bối cảnh sự phát triển không ngừng của đất nước, càng ngày chúng ta càng sử dụng nhiều nước, nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt lại bị đe dọa ô nhiễm từng ngày. Cần thiết phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của nguồn nước sạch từ đó chung tay gìn giữ và bảo vệ nguồn nước sạch.

Liên Hợp Quốc đã có những dự báo về nguồn nước sạch trong năm 2020, khi đó nhu cầu nguồn nước sạch cho sản xuất, công nghiệp và sinh hoạt của người dân đều tăng lên đôi, sẽ có khoảng 40% dân số trên thế giới phải sống trong cảnh thiếu nước sạch vì những hệ luỵ không tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Thực trạng nước sạch ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng báo động vì ô nhiễm và khan hiếm nước sạch, khoảng 20% dân số chưa tiếp cận với nguồn nước sạch và 30% dân số chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước sạch. Vì vậy rất cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của nguồn nước sạch để từ đó mọi người biết trân trọng và bảo vệ nguồn nước sạch. Thứ nhất, nguồn nước sạch được sinh ra từ tự nhiên là thành phần quan trọng trong các quá trình phát triển tự nhiên, có nguồn nước sạch mới có cây xanh tươi tốt, bầu không khí trong lành và hệ sinh thái phát triển. Thứ hai, nguồn nước sạch là không thể thiếu trong các quá trình sản xuất sinh hoạt, đặc biệt trong các ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến, không có nước sạch không thể tưới tiêu, chăm bón và vệ sinh. Sinh hoạt của con người từ việc tắm rửa, ăn uống đều cần đến nước sạch, chính vì thế nước sạch sẽ quyết định đến sức khoẻ của con người. Nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống và sức khỏe của con người, chỉ cần bạn ăn phải nguồn nước ô nhiễm bạn sẽ gặp vấn đề về sức khoẻ, hàng năm có gần 200 nghìn người mắc các bệnh về ung thư có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Chỉ cần có một con kênh bị đổ rác thải, phân chuồng hoặc nước xả thải tức khắc nguồn nước ô nhiễm lan ra khắp nơi, ngấm vào đất, bầu không khí bị ô nhiễm không thể hít thở được. Như vậy nếu không có nguồn nước sạch chúng ta không thể đảm bảo được những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu chứ chưa nói đến việc sản xuất, công nghiệp hay sức khoẻ. Nguồn nước sạch là có hạn và là hạn hẹp vì vậy mọi người phải biết sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả nguồn nước sạch, tuy có thể bỏ tiền ra mua nước sạch nhưng hãy dùng tiết kiệm và nghĩ đến lúc dù có tiền cũng không thể mua được nước sạch để dùng. Bên cạnh đó cần hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, nhiễm độc.

Vai trò của nguồn nước sạch đối với con người là vô cùng quan trọng và không thể thay thế được, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và cải thiện nguồn nước sạch. Bảo vệ nguồn nước sạch không phải việc riêng của một cá nhân, tổ chức hay đoàn thể nào mà là của chung xã hội, hãy chung tay bảo vệ nguồn nước sạch vì chính sức khoẻ, sự phát triển và tồn tại của chúng ta.

3. Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch mẫu 2

Chiếm 60 - 70% trọng lượng cơ thể
Chiếm 92% tổng khối lượng máu
Nếu thiếu có thể gây rối loạn sự sống và dẫn đến tử vong trong vòng 24h.

Các bạn có đoán được những thông tin này nói về cái gì không? Đó là 1 trong vài con số rất tổng quát liên quan đến hàm lượng nước trong cơ thể con người. Con người có thể nhịn ăn trong 1 tuần nhưng liệu rằng cũng trong 1 tuần chúng ta có thể nhịn uống nước?

Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người, vấn đề về nước đang là 1 điều đáng quan tâm hiện nay. Vậy nước là gì? Cũng giống như không khí nước là một thành phần thiết yếu để duy trì cuộc sống. Con người, cây cối thú vật đều cần nước để tồn tại. Nước là 1 hợp chất bao gồm hidro và oxi, nước tinh khiết không màu không mùi không vị, chúng tồn tại ở 3 thể rắn, lỏng, khí. Trên 70% diện tích bề mặt trái đất là nước khoảng 97% lượng nước trên tồn tại ở các đại dương. Nước có vai trò rất quan trọng đối với chúng ta. Nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể con người và là một thành phần quan trọng của quá trình trao đổi chất, một dung môi cho nhiều chất hòa tan của cơ thể. Nguồn nước sạch cung cấp cho cơ thể để duy trì sự sống, vậy nên con người không thể sống mà không có nước. Nước cần cho hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động du lịch cũng gắn chặt với nguồn nước. Thiếu nước, đất đai khô cằn, cây cối, muôn vật cũng không thể tồn tại phát triển.

Theo 1 thống kê đăng trên báo Nhân dân, người ta đã tính được những phép tính đơn giản rằng: Để có 1 tấn ngũ cốc cần phải sử dụng 1000 tấn nước, để có 1 tấn khoai tây cần từ 500 đến 1500 tấn nước, để có 1 tấn thịt gà ít nhất cũng phải dùng tới 3500 tấn nước, còn để có 1 tấn thịt bò thì lượng nước cần sử dụng còn ghê gớm hơn, từ 15000 đến 70000 tấn. Vai trò của nước sạch còn vô cùng quan trọng đối với môi trường sinh thái của chúng ta. Chúng duy trì sự cân bằng của bầu khí quyển đem lại cho con người môi trường sống trong lành. Nhưng đáng tiếc hiện nay, trong thời kì công nghiệp hóa, cùng với sự phát triển của các trung tâm kinh tế đô thị, các nhà máy, khu công nghiệp, kéo theo nguồn nước sạch cũng ngày ngày bị đe dọa. Theo 1 thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - Đáy (sông Nhuệ và sông Đáy đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) có khoảng 700 nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện và sinh hoạt. Hầu như tất cả các nguồn thải đều tập trung đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mà không qua hệ thống xử lý nước thải nào. Dư luận đã vô cùng bức xúc vụ việc vào tháng 9/2008 vừa qua, công ty Vedan bị bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải qua hệ thống những đường hầm bí mật, khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề. Đó là 1 trong những trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Hay dòng sông Tô Lịch nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội trong tình trạng nước đen kịt, bốc mùi do rác, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra sông, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người dân 2 bên bờ song, gây mất mĩ quan đô thị.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia "Sông Tô Lịch là một sông cổ của tứ giác nước Thăng Long. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sách và chống lấn chiếm.Sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11 năm 2008, người dân ở Hà Nội đã được chứng kiến nước sông Tô Lịch "trong vắt" như xưa. Khi đó, sông Tô Lịch bị nước mưa làm loãng bớt bùn, dâng cao hàng mét, cuồn cuộn chảy và có cả cá bơi! Trận lụt đó đã làm sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại chỉ trong vòng vài tuần lễ.Vào năm 2009, Hà Nội đã có đề án dùng nước Sông Hồng rửa sông Tô Lịch. Đề án này được coi như "tiểu đề án" đầu tiên thực hiện việc xử lý 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn".

Không chỉ nguồn nước sạch ở đồng bằng mà ở trên vùng núi Người Cốc Phương, Bản Lầu sinh sống dọc sông Nậm Thi, nước sông giờ chỉ còn chưa đến nửa ống chân, nhiều đoạn trơ đáy. Thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi xuống từ nương dứa khiến dòng sông dù nhìn vẫn trong nhưng đã cực kì ô nhiễm, cá chết nổi lềnh phềnh, tắm rửa là bị mẩn ngứa. Suối khe cũng cạn kiệt vì không có rừng. Nguồn nước thực sự có vai trò rất lớn tới đa dạng sinh học, mà con người không ý thức tới sự nguy hiểm đó, dẫn đến thực trạng nguồn nước như hiện nay. Ở nước ta, tình trạng khan hiếm nước ngọt diễn ra ở nhiều nơi, nông thôn, thành thị (vd: tp Hồ Chí Minh) và đặc biệt là các vùng núi cao. Đến mùa hè nóng nực khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn nước sạch không đủ, người dân phải chịu mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ.

Nguồn nước ngọt trên thế giới có nguy cơ cạn kiệt dần cùng với tình trạng gia tăng dân số, lũ lụt, hạn hán và đặc biệt là quá trình hâm nóng khí quyển. 3/4 diện tích trên bề mặt trái đất là nước, nhưng 80% là nước mặn, lượng nước ngọt chủ yếu tập trung ở Bắc cực và Nam cực trong các khối băng khổng lồ, chiếm tỉ lệ rất nhỏ là nước sạch ở ao hồ sông suối và mạch nước ngầm... Đây là nguồn nước cho con người sử dụng nhưng trên thực tế, hầu hết các con sông đều bị ô nhiễm bởi hóa chất và rác thải trở thành "những dòng sông chết" hay "những dòng sông hấp hối".

Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ước tính, vào năm 2025 1,8 tỉ người sẽ sống ở những khu vực "hoàn toàn thiếu nước" và 2/3 dân số thế giới có thể chịu hoàn cảnh "bị căng thẳng về nước". Còn hiện 1 tỉ người trên thế giới đang bị ám ảnh về sự khan hiếm nước và mỗi ngày có tới 4.000 trẻ em bị chết vì dùng nước không đảm bảo vệ sinh. Theo thống kê của các nhà khoa học nhu cầu về nước trên toàn thế giới sẽ tăng khoảng 45% trong khi nguồn nước sạch thì lại đang dần cạn kiêt. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ý thức của con người đối với việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước sạch, sự gia tăng của các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất tỉ lệ thuận với sự ô nhiễm nguồn nước sạch. Chế tài xử lý của nhà nước chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Thiếu nước sạch đe dọa sự sống của con người và các sinh vật khác trên trái đất, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, hàng loạt các bệnh hiểm nghèo, sự gia tăng của các làng ung thư, dịch bệnh về mắt, tiêu hóa, hô hấp. Thiếu nước sạch còn dẫn tới nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia để tranh chấp nguồn nước sạch. Thảm thực vật hệ sinh thái cũng sẽ dần mất đi nếu thiếu nước.

Vậy trước những hậu quả đáng sợ trên chúng ta cần làm gì để khắc khục tình trạng ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước. Trước hết cần phải nhận thức rõ sử dụng nguồn nước phải đi đôi với bảo vệ vì nước không phải là tài nguyên vô tận. Các cơ quan chức năng cần có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước, đưa ra nhiều biện pháp nhằm kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội nâng cao ý thức, cùng hành động tích cực và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Nhà nước cần đưa ra nhứng chính sách bảo vệ môi trường mới, những chính sách kiểm soát và xử lý ô nhiễm có tính răn đe đối với các nhà máy xí nghiệp, đầu tư xây dựng các dự án công trình xử lý nước thải; người dân phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, có ý thưc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, không lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không đổ rác thải bừa bãi ra sông hồ, mỗi cá nhân nên tích cực vận động, tuyên truyền để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng của nguồn nước sạch, nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Bạn có thật sự muốn cho bản thân và xã hội 1 cuộc sống khỏe mạnh? Vậy hãy hành động để bảo vệ cuộc sống của chính bạn và những người xung quanh bằng cách sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước.

4. Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch mẫu 3

"Hơn bảy mươi phần trăm cơ thể bạn là nước" - đó không còn là lời quảng cáo cho một hãng nước khoáng nào nữa, giờ đây nó trở thành lời cảnh báo cho con người về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống. Đặc biệt trong thực tế, nguồn nước sạch ngày càng vơi cạn như hiện nay.

Nhắc đến nước sạch, ta nhắc đến những nguồn nước ngầm được đưa lên mặt đất (nước máy, nước giếng), hay nước mưa...Những nguồn nước này được sử dụng cho sinh hoạt của con người: Ăn uống, tắm giặt..., cho sản xuất mà không gây hại cho sức khoẻ.

Con người có thể nhịn ăn cả tuần nhưng khó có thể nhịn uống một vài ngày. Nhận định ấy phần nào thể hiện được vai trò cua nước sạch đối với đời sống. Không chỉ vậy, nhắc đến nước sạch, ta còn nhắc đến một phần tất yếu không thể thiếu trong nhiều mặt của cuộc sống.

Nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày, nước để uống, nước để rửa thực phẩm, chế biến thực phẩm, nước để tắm rửa, để lau dọn... Cơ thể người có đến hon 70% là nước. Như vậy, nước chiếm một vai trò rất lớn đối với sự sống con người: Nước chiếm một lượng lớn trong tế bào, nước vận chuyến, đưa máu đi khắp cơ thể, nước thanh lọc thận... Không có nước sạch, rau củ quả, thịt cá cũng không được rửa sạch, khi đó con người cũng không được dùng chúng một cách ngon lành. Không có nước sạch, thực phẩm rất khó được chế biến, lúc đó biết đâu ta sẽ phải ăn sống hoặc ăn toàn đồ cháy? Có ai đó nói rằng: Nước là thứ duy nhất trên cõi đời này trong sạch. Nước trong sạch trước hết bởi chính bản thân chúng trong sạch và còn bởi nước làm trong sạch nhiều thứ. Nước để giặt giũ, nước để lau dọn, để thanh lọc...Hãy thử tưởng tượng, nước bao trùm lên mọi thứ vì lí do này hay vì lí do khác kể cả con người, khi ấy nếu nước vẫn bẩn thì mọi thứ cũng theo đó mà ô nhiễm, tanh hôi...

Nước sạch còn là yếu tố không thể thiếu để sản xuất. Nước để tưới tiêu cho nông nghiệp. Nước để giảm nhiệt mấy cho công nghiệp nặng, nước để làm sạch nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ...Nước sạch là một tài nguyên không thể thiếu cho sự duy trì và phát triển kinh tế.

Vai trò của nước to lớn là vậy nhưng tiếc thay, nước sạch lại không phải là tài nguyên vô tận. Càng đáng tiếc hơn là khi con người không bảo vệ được nước sạch vì thế mà nguồn nước sạch đang dần dần vơi cạn.

Thực tế cho thấy các mạch nước ngầm đang giảm dần. Để có được nước sạch, giếng phải đào sâu hơn vào lòng đất, có nơi sâu đến vài chục mét mà vẫn vô vọng. Lưu lượng các con sông cũng giảm dần. Ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, sông Hồng, sông Đuống...hay rơi vào tình trạng "sông cạn", mực nước xuống thấp dưới mức báo động làm tàu thuyền không thể lưu thông...Đó là chưa nói đến tình trạng nước sạch bị ô nhiễm, váy bẩn. Rác thải sinh hoạt khiến những dòng sông đổi màu nhanh chóng. Chất độc hoá học làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Đó là chưa nhắc đến tình trạng lãng phí nước sạch ở nhiều gia đình, nhiều cá nhân.

Bởi sự phụ thuộc của sự sống con người, của sản xuất đối với nước sạch, khi nước sạch dần vơi cạn, đời sống con người cũng phải lên tiếng kêu cứu.

Đâu cứ phải châu Phi nóng bức, sa mạc trải dài mới thiếu nước sạch. Ngay giữa lòng thành phố của nhiều quốc gia tình trạng thiếu nước cũng vẫn là vấn đề căng thẳng, nhức nhối. Hà Nội là một ví dụ sinh động, tiêu biểu cho điều đó. Những con sông ô nhiễm nặng nề như một mầm bệnh nguy hiểm nằm im chờ dịp bùng phát bệnh tật. Những làng "ung thư", làng "u bệnh" xuất hiện trong vài năm trở lại đây là hậu quả của những mạch nước ngầm bị nhiễm độc. Rồi mùa màng bị tàn phá, kim loại bị ăn mòn...đó là hậu quả của những cơn mưa axit độc hại...

Nước sạch đang dần vơi cạn, thực tế đó như một hiếm họa đe doạ sự sống toàn nhân loại. Trái đất tự ép mình, co rúm. méo mó, ép hoài, ép hoài mới cho ra vài giọt nước hiếm hoi mỏng manh...Vài giọt ấy sao có thể ban phát sự sống cho mấy tỷ con người vẫn đang tiếp tục gia tăng?

Con người phải hành động để giữ gìn, bảo vệ nước sạch và cũng là bảo vệ chính con người. Tiết kiệm nguồn nước sạch hiện có là biện pháp trước mắt. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải biết giữ vệ sinh; rác thái sinh hoạt, rác thải công nghiệp phải được thu gom xử lí. Bên cạnh đó bảo vệ rừng cũng là cách để thanh lọc nguồn nước bị ô nhiễm, từ đó cải hoá nước mưa axit, các nguồn nước bị ô nhiễm.

Bên cạnh nước sạch, không khí, rừng... cũng là những tài nguyên vô giá thiên nhiên ban tặng cho sự sống. Song, trước thực tế đang ngày càng vơi cạn, dần bị ô nhiễm của các loại tài nguyên, con người cần gióng lên hổi chuông cảnh tỉnh lẫn nhau để cùng bảo vệ sự sống.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
91
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm