Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá, hoa, quả, rễ, thân)

Văn mẫu lớp 5: Viết đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá, hoa, quả, rễ, thân) được VnDoc sưu tầm, chọn lọc những bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo củng cố, rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cây cối. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

1. Tả bộ phận của cây - Tả thân của cây

Tả thân cây dừa

Cây dừa cao lớn lênh khênh. Bao nhiêu chất dinh dưỡng thu được, cây đem nuôi thân hết. Thân dừa chỉ lớn như bắp chân của bố, thế mà vươn cao qua cả mái nhà, phải hơn 10m. Thân dừa chia thành nhiều đốt như thân tre. Các đốt ở dưới gốc mọc sát vào nhau, càng lên cao thì càng giãn ra dần. Những đốt gần ngọn sẽ là đốt dài nhất. Màu sắc của phần thân dừa ở sát gốc có màu trắng xám, càng lên cao càng chuyển sang màu xanh tươi non. Tuy nhỏ mà lại cao, nhưng thân dừa dẻo dai lắm. Một mình nó sừng sững giữa trời, dù mưa to gió lớn vẫn hiên ngang.

Tả thân cây lúa

Thân cây lúa có cấu tạo mang những nét đặc trưng của dòng thân thảo. Trong quá trình trưởng thành, thân lúa có nhiều sự phát triển và thay đổi rõ rệt. Lúc còn nhỏ, cây lúa chưa có bộ phận thân cây riêng, mà chỉ có các bẹ lá lúa mọc ôm sát vào nhau, tạo thành dáng trụ mà thôi. Khi cây dần lớn, thân cây chính mới mọc lên từ gốc. Thân lúa lúc mới đầu nhỏ lắm, bên trong xốp rỗng nên khá yếu. Lúc này nó vẫn chủ yếu dựa vào lớp áo giáp là bẹ lá để đứng thẳng. Dần dần theo thời gian, thân cây lúa cứng cáp hơn, vươn cao hơn trước. Trong quá trình đó, thân cây cũng bắt đầu chia thành từng đốt. Các đốt lúc đầu còn ngắn, nằm khuất trong bẹ lá. Nhưng sau đó nó dài dần ra, nhô hẳn ra ngoài bẹ lá lúa. Thân lúa xanh như màu xanh của lá, nhưng tươi hơn một chút. Theo sức nặng của bông lúa ngày càng nặng, thân lúa sẽ nghiêng qua một bên rồi cong cong như lưỡi liềm. Và chờ khi bông lúa chín vàng, thân lúa cũng vàng theo. Lúc lúa chín hẳn, thu hoạch được, thân lúa cũng tự mình khô dần đi, dai hơn, nên sau khi thu hoạch, người ta thường đem thân lúa đi phơi nắng để tái sử dụng.

Tả thân cây bàng

Cây bàng đại lão ở sân trường được trồng lúc nào em không biết. Khi em vào lớp một thì cây bàng đã có gốc, thân to, sừng sững bên cạnh phòng Truyền thông từ bao giờ. Thân bàng to hai người ôm. Vỏ thân cây có chỗ lồi lõm, đen mốc, sần sùi, có chỗ rạng nứt, li ti như váng của cháo gạo để khô, tưởng chừng đưa ngón tay vào là cạy được vỏ cây ra. Nhưng không, vỏ cây bàng có chỗ nứt nẻ như thế nhưng dính chắc như keo dán. Năm tháng qua đi, thân bàng nâng đỡ mấy tầng lá, như một chiếc ô khổng lồ che mát sân trường. Trên thân cây, cành bàng phân nhánh, ra lá xanh mướt màu thạch bích. Thân cây là cầu nối tiếp cho lá, hoa nhận được chất bổ của đất từ rễ cây để nuôi cây thêm lớn. Rồi chim muông bay đến. Chúng đậu trên cành hót véo von. Thân cây bàng cùng vạn vật chim muông dâng cho đời bài ca thiên nhiên bất tử.

Tả thân cây mía

Đa phần các loại cây trái đều được trồng để lấy quả cho người ăn. Riêng cây mía hiến hết thân nó cho con người sử dụng. Thân mía giống như thân tre nhưng nhỏ hơn, các đốt mắt ngắn hơn, ruột cây mía đặc, mọng nước. Nước mía có màu vàng chanh. Mía mây ăn ngọt thanh, thân nó mềm nên nhiều người nhai được. Mía đường cứng, vỏ nó màu vàng ngà, phủ đầy phấn trắng. Nước của nó được dùng để sản xuất đường. Mía tím có thân màu tím như lá cẩm, thịt mía mềm, ngọt, được dùng trong các thang thuốc lá mát hoặc róc vỏ ăn cũng rất ngon. Mía chặt từng khúc độ ba đốt mía là món quà quê tươi mát cho lũ trẻ khi mẹ đi chợ về. Với thân thẳng đuột, cao từ một mét rưỡi đến hai mét, mía đem lại vị ngọt mà đấng tạo hoá làm ra, nó giúp đời sống con người thêm ngọt dịu, mát lành.

Tả thân cây chuối

Tả cây chuối vườn nhà em

Tháng ba, sau những đợt mưa xuân, chuối tơ vươn lên phơi phới. Lá chuối xanh ngắt. Tàu chuối như những bàn tay xanh nõn nà phe phẩy rung động. Mưa gõ vào lá chuối tơ, âm vang "tùng tùng" nghe thật vui tai. Cái đọt chuối cuốn tròn màu xanh cẩm thạch như một ngón tay búp măng trỏ lên bầu trời. Dưới nắng xuân, lá chuối xanh ngời lên óng ánh như những lá gương, gió lướt qua, tàu lá chuối uốn cong phập phồng. Có đứng ngắm những cái hoa chuối trong vườn bà mới thấy thú vị. Như những ngọn lửa lấp ló trong màu xanh. Thằng Quỳnh bảo hoa chuối như quả tên lửa đất đối không, nó ví thế vì bố nó là sĩ quan tên lửa mà. Còn em thì cho rằng cái hoa chuối như một trái ớt chín đỏ tươi, loại ớt khổng lồ, trăm người ăn không hết một trái. Mẹ em vẫn dùng hoa chuối làm nộm – nộm hoa chuối có nhiều lạc rang, ăn ngon lắm!

Tả thân hoa cúc

Thân cúc mềm, mảnh khảnh. Cúc mọc thành bụi, có những chiếc lá mọc so le trên thân. Khóm cúc cao khoảng năm sáu tấc, mọc xùm xoà tạo nên một vẻ đẹp rất tự nhiên.

Tả hoa cúc

Hoa cúc đẹp nhất là vào lúc nở hết. Hoa cúc có màu vàng tươi. Cánh hoa xòe tròn, xếp thành nhiều lớp bao quanh nhị. Hoa nọ sát hoa kia tạo thành một mảng vàng rực nổi bật trên nền lá xanh. Dưới ánh nắng nhạt của mùa thu, sắc hoa càng lộng lẫy và hương thơm càng ngào ngạt.

Tả thân cây hoa hồng

Hoa hồng vàng cũng giống như những bông hoa hồng khác. Nó có một thân nhỏ màu xanh vô cùng cứng cáp như lâu đài cao xa của nàng công chúa Tóc Mây, đỡ lấy bông hoa xinh đẹp. Trên thân là những chiếc gai nhỏ sờ vào hơi ram ráp, xuất hiện trên đó là vài chiếc gai nhọn. Em luôn ví đó là những chàng kị sĩ – người bảo vệ ngọn tháp của công chúa hoa hồng vàng khỏi những kẻ có ý đồ xấu với nàng.

Tả lá thân cây hoa hồng

Hoa hồng có nhiều loại, nhiều màu sắc như vàng, trắng, cam nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa hồng nhung đỏ. Thân cây khẳng khiu màu xanh thẫm nhưng có nhiều gai, những chiếc gai nhọn nhô lên như để bảo vệ cho bông hoa của mình. Lá cây hoa nhỏ, có đường viền hình răng cưa, trên mặt lá là những đường gân hình xương cá, phía dưới là lớp phấn mỏng trắng muốt. Đặc biệt nhất vẫn là bông hoa. Hoa hồng nhung có rất nhiều cánh, khi hoa chưa nở, những cánh hoa nhỏ úp vào nhau, tạo thành những nụ hoa chúm chím như đôi môi đỏ hồng của người thiếu nữ. Khi hoa đã nở rộ, những cánh hoa to dần và dần dần tách rời, xếp chồng vào nhau thành các lớp. Cánh hoa mỏng manh, mềm mại như làn da em bé.

Tham khảo: Viết đoạn văn tả thân cây chuối

2. Tả bộ phận của cây - Tả gốc của cây

Tả thân và gốc cây bàng

Cây bàng cao lắm, nên thân cây cũng to lớn. Độ dài của thân bàng ngang ngửa phần lan can ở tầng 3 của dãy nhà dạy học. Đã vậy, bề ngang của thân cây cũng rất đồ sộ. Phải ba bạn học sinh cùng ôm thì mới có thể hết được. Để có được kích thước đáng nể đó, cây bàng đã trải qua rất nhiều năm tháng cực khổ, chăm chỉ hút từng chút một các chất dinh dưỡng từ đất mẹ. Điều đó thể hiện rõ ràng qua lớp vỏ xơ xác, thô ráp của thân cây. Nhìn nó chẳng khác gì từng đường rãnh nứt ra trên mặt ruộng khô hạn mùa thiếu mưa. Càng gần gốc, vết nứt trên vỏ cây lại càng to hơn, thân cây cũng càng thêm to lớn. Gốc cây bàng vô cùng vững chãi, nhờ có những chiếc rễ cây to như cổ tay, cắm sâu xuống lòng đất. Vì vậy, kể cả mưa bão lớn đến đâu, cây vẫn hiên ngang chống chọi.

Tả gốc và rễ cây sắn

Cây sắn là một loài cây ấy củ, nên rễ cũng chính là củ của cây. Ở trên mặt đất là phần thân cây không quá lớn, chỉ bằng chừng hai đến ba ngón tay. Thế nhưng ẩn dưới mặt đất là cả một bộ rễ to lớn bất ngờ. Thay vì những sợi rễ nhỏ như sợi dây, phía dưới thân cây sắn, là các chùm củ to và dài. Những củ sắn to như cái bắp tay, chắc nịch. Củ ngắn thì độ một gang tay, cù dài có khi cũng bằng cả bắp chân dưới. Phần vỏ của củ sắn khá dày, màu nâu sẫm, có mấy sợi râu dài màu trắng bám vào. Bên trong là phần thịt củ màu trắng, giòn và cứng. Nếu đem luộc lên thì bùi và béo chẳng kém gì khoai lang.

Tả thân và gốc của cây đa

Tả cây đa cổ thụ

Em ngồi xuống trên một cái rễ đa to như bắp chân người lớn nghỉ xả hơi cho đỡ mệt. Nhìn quanh gốc cây, những chiếc rễ đa chằng chịt đan quyện vào nhau, nổi lên trên mặt đất như những con trăn hoa nằm hóng gió. Cái gốc của nó năm sáu đứa chúng em nối tay nhau mới ôm xuể được. Thân cây cao độ bốn mét với vô vàn nhánh. Các nhánh lớn lại đẻ ra nhiều cành nên tán lá đa xoè ra phủ kín một khoảng đất rộng, ước chừng đến cả trăm người ngồi dưới vẫn con thấy thoáng mát. Những chiếc lá xanh thẫm hình bầu dục to như bàn tay người lớn khép kín. Lá to, lá nhỏ, tầng tầng, lớp lớp tạo ra một vòm lá dày đặc xanh um, nắng mưa khó lòng lọt qua được. Trên tán lá xanh cao vời vợi ấy lũ chim sáo, chào mào, chìa vôi … kéo về hàng đàn, tha hồ thi nhau ca hát”.

Tả thân và gốc cây dừa

Thoạt nhìn cây dừa như một cái ô khổng lồ vươn thẳng lên trời, phủ bóng mát cả một góc ao. Gốc dừa lớn, em ôm cũng không vừa. Gốc tua tủa chùm rễ như những con giun đất ngoằn ngoèo ăn sâu, bám chắc xuống đất. Thân dừa bạc phếch tháng năm. Dừa cao không thẳng như cây chuối mà có dáng nghiêng nghiêng. Thân dừa xốp, có những khoanh tròn nối nhau. Ông em bảo: “Nhìn gốc dừa là ông đoán được tuổi của cây dừa đó.”

Tả thân gốc, cành cây phượng

Cây phượng vĩ đã nhiều tuổi lắm rồi.  Dưới gốc phượng có đến mấy cái rễ to, nhỏ khác nhau. Cái thì trồi lên trên mặt đất vài mét mới chui xuống dưới, cái thì ngoằn ngoèo, cái thì thẳng đuột hút đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây phát triển. Cây cao lắm, cao hơn cả tòa nhà ba tầng của trường em hẳn một khúc dài. Thân cây to lớn, đến phải bốn người ôm mới xuể. Các cành cây thì cành nào cành nấy to cứ như là bắp chân vậy. Các nhánh con thì nhiều không đếm hết, đan cài vào nhau tỏa ra các hướng.

3. Tả bộ phận của cây - Tả hoa của cây

Tả hoa giấy

Hoa giấy là loài hoa có vẻ đẹp mỏng manh giống như cái tên của nó vậy. Đóa hoa giấy có kích thước tương tự một chén trà. Hoa không nở bung mà có dáng như một chiếc đèn lông. Mỗi đóa hoa giấy sẽ gồm ba cánh hoa cong cong chụm lại vào nhau. Cánh hoa mỏng như tờ giấy lụa, màu hồng tím, có thể dễ dàng được các tia nắng xuyên qua. Ở giữa bông hoa là phần nhị, với các sợi nhị hoa đứng thẳng lên, trông như ba cây nến nhỏ. Những đóa hoa giấy thường mọc thành cụm, thành chùm chứ hiếm khi mọc đơn lẻ. Có lẽ đó là một cách để chúng có thể giúp nhau đứng vững trước những làn gió nghịch ngợm của mùa hè.

Tả hoa sen

Trong các loài hoa thì em thích nhất là hoa sen. Bông hoa sen khi đã nở thường có kích thước tương như như một trái bưởi. Những cánh hoa sen như bàn tay cong vào, có màu hồng nhạt. Phần đầu cánh hoa sẽ có màu đậm hơn phần cuối cánh. Những cánh hoa xếp thành nhiều lớp tạo nên một đóa hoa xinh đẹp tuyệt trần. Ở giữa, là nhị hoa màu vàng tươi như ánh nắng, giúp đóa hoa sen thêm phần rực rỡ. Hoa sen có mùi thơm nhẹ nhàng, tinh khiết, chỉ thoảng đưa nhưng vẫn khiến nhiều người mê mẩn. Đây là loài hoa được nhiều người cho rằng là loài hoa biểu tượng của dân tộc ta.

Tả hoa sen

Tả hoa ly

Cây hoa ly trước sân nhà em vừa nở hoa. Bông hoa ly dài và lớn gần bằng cái cốc uống nước. Mỗi bông gồm năm cánh hoa màu vàng tươi. Cánh hoa ly dài khoảng 7, 8 xăng-ti-mét, khá dày dặn. Khi vuốt lên có cảm giác mềm mượt rất dễ chịu. Hoa ly có mùi thơm rất đặc trưng, khá dễ chịu và bền bỉ. Vậy nên người ta thường chọn hoa ly để trang trí cho ngôi nhà của mình.

Tả hoa bưởi

Mỗi khi đến mùa cây bưởi ra hoa, cả khu vườn nhà em tràn ngập trong mùi hương nồng nàn. Lúc còn bé, hoa bưởi như một hạt kẹo tròn xoe, trắng muốt. Khi đã nở, thì hoa bưởi lớn như cái thìa, và vẫn giữ nguyên màu trắng tinh khôi của mình. Bông hoa bưởi thường sẽ có bốn hoặc năm cánh, thon dài như một đốt ngón tay. Cánh hoa khá dày, khi chạm vào cảm thấy mềm mại lắm. Mùi hương hoa bưởi rất thơm, nồng và lan xa. Nó khiến cho bao người phải đắm say, ngây ngất.

Tả hoa hướng dương

Hoa hướng dương thật đẹp. Nhìn thấy nó là chúng ta lại liên tưởng đến mặt trời. Thân cây cao, đưa bông hoa to hướng gần về phía mặt trời. Những bông hoa hướng dương mới vĩ đại làm sao. Hoa gồm nhiều lớp lồng vào nhau. Ở ngoài là những bông hoa con, hình dạng như những tia nắng mặt trời vàng rực rỡ. Những bông hoa con nối thành vòng tròn bên trong kết lại với nhau dạng xoắn ốc, màu nâu đậm nên càng tôn thêm vẻ đẹp của bông hoa. Vào buổi sáng, khi mặt trời mọc, những bông hoa hướng dương từ từ quay về phía đông. Đó là khoảng khắc kì diệu như những đứa con hướng về lòng mẹ. Em rất yêu bông hoa hướng dương.

Tả hoa cúc

Hoa được chia làm nhiều cành to, thân cây xanh thẫm, dày, cứng cáp. Trên thân mọc ra những chiếc lá xanh ngắt, mỏng manh, từ gốc cho đến tận đầu cành. Mỗi một thân hoa lớn lại có hai, ba cành tỏa ra khiến chậu hoa trông đầy đặn, mà càng rực rỡ hơn. Cúc đại đóa khác với loại cúc bình thường. Thay vì tỏa rộng và xẹp dần ở giữa nhụy hoa, những cánh hoa lại chụm về một điểm chính giữa, khiến bông hoa to dần từ trong ra ngoài, che kín đi nhụy hoa nhỏ nhắn, tựa như những cục bông vàng. Cánh hoa nhỏ, mỏng manh, vàng tươi, xếp chụm vào nhau tỏa sắc chói lóa, bông nào bông nấy đều như mái tóc xù của người thiếu nữ vậy. Bông to thì đã nở rộ, còn bông nhỏ thì mới chúm chím nhỏ nhắn nơi đầu cành, chờ thời điểm để bung tỏa những cánh hoa của mình. Những bông hoa đua nhau khoe sắc, hương hoa nhè nhẹ bay bổng trong không gian, mang đến cho người ta một cảm giác dễ chịu vô cùng.

4. Tả bộ phận của cây - Tả lá của cây

Tả lá cây mía

Lá mía giống như lưỡi gươm dài. Bề ngang lá chỉ rộng chừng ba đến bốn ngón tay, nhưng chiều dài gần 1m, có lá đạt 1m2. Sống lá chạy dọc từ cuống lá đến hết thân lá mía. Phần sống này nhỏ như cây tăm và rất cứng. Còn phần tấm lá màu xanh thì mỏng nhưng cũng rất dẻo dai. Đó là lý do tuy hình thức giống tàu lá dừa, nhưng lá mía ít khi bị gió quật rách tơi tả. Đặc biệt, mép lá mía rất sắc. Nếu không cẩn thận bị va phải thì dễ bị chảy máu.

Tả lá cây mít

Lá mít to chừng ba đến bốn ngón tay, khá dày dặn nên nhìn cây cứ như một cái nấm rơm khổng lồ. Không như lá bàng, lá mít xanh quanh năm. Và hầu như mùa nào cũng có những chiếc lá già chuyển đỏ cam mà rụng xuống đất. Bà còn dạy em làm những con nghé ọ bằng lá mít thật vui nữa. Chiều chiều thì các bạn hàng xóm chạc tuổi em cũng sang chơi cùng khiến cho em càng thích thú hơn.

Tả lá cây bưởi

Lá bưởi thuôn dài, dày và xanh mướt một cách kì lạ, đến gần đầu thì thắt lại trông giống như những trái tim. Đôi lúc em cảm giác như lá bưởi chính là quả hồ lô đã bị ép dẹp lép. Lá bưởi thoảng một mùi hương đặc biệt, bà em thường hái chúng, đem nấu với bồ kết để gội đầu, hương bưởi cứ như vương mãi trên mái tóc.  Mỗi khi đến mùa hoa bưởi là cả khu vườn ướp đầy hương thơm ngan ngát.

Tả lá cây phượng lớp 5

Lá của cây phượng không to như lá của cây bàng hay của cây bằng lăng, mà lá của cây phượng lại rất nhỏ. Dễ nhận thấy được rằng cũng chính các chiếc lá phức dường như cũng lại có bề ngoài giống như lông chim vậy. Từ đó em cũng thêm hiểu vì sao cây phượng lại được gọi là cây phượng vĩ. Đồng thời những chiếc lá này lại có màu lục sáng, nhạt đặc trưng của cây phượng dù ở bất cứ nói đâu. Người ta nói rằng lá phượng cũng chính là loại lá phức lông chim kép thật đẹp. Em được bố em giải thích lá phức lông chim ghép đó chính là mỗi chiếc lá dài khoảng 30-50 cm. Thể rồi trên chiếc lá đó lại có từ 20 đến 40 các cặp lá chét sơ cấp hay còn được gợi là lá chét lông chim lớn. Đồng thời mỗi lá chét lông chim lớn vừa rồi cũng đã lại được chia tiếp thành 10-20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con tiếp theo. Cứ lớp này nối lớp khác thật đẹp, nhìn cây phượng em cũng đã cảm thấy được một sự liên kết thật chặt chẽ và nó như cũng đã thể hiện sự dũng mãnh của nó.

Tả lá của cây xoài

Qua tháng Giêng, cành lá xoài trở nên rườm rà, xanh mướt. Lá xoài cũng khá đặc biệt: nó thon dài, một mặt nhẵn bóng còn mặt kia mờ mờ như phủ phấn. Gân lá xoài đối xứng nhau nổi đều ra hai bên cuống lá. Gân lá có màu xanh rêu chứ không xanh mướt như phiến lá. Vò nhẹ một lá xoài, em ngửi thấy mùi xoài chua chua, man mát như mùi quả xoài xanh non. Lá xoài rụng xuống gốc vào tháng mười một, tháng Chạp âm lịch rồi qua tháng Giêng xoài ra hoa trắng cành. Trong vòm lá xanh mướt, hoa xoài “dọn mình” đơm quả. Tháng năm, tháng sáu, nhìn lên cành, em thấy quả xoài lớn lên, to trái, lúc lỉu chen nhau trong vòm lá xanh biếc.

Tả lá cây vú sữa

Lá của cây vú sữa khá đặc biệt: mỗi cái lá cong cong hình bầu bầu, có hai mặt khác màu. Mặt trên của lá láng bóng, màu xanh biếc. Mặt dưới của lá màu vàng đồng hay là một màu gì không rõ, nó là chất đỏ của đồng pha với màu nâu của lá. Lá vú sữa hơi cứng, gân lá nổi ở mặt dưới của phiến lá. Bẻ một lá vú sữa, từ gân lá cưng cứng đó, một dòng nhựa đục chảy ra. Nhựa đục đó có tính kết dính như keo. Người dân quê có lúc dùng nhựa lá vú sữa thay cho keo, hồ dán. Tuy nhiên, nếu dây phải nhựa lá vú sữa nhiều, em có thể bị bỏng rát da tay. Vì thế em thích ăn quả vú sữa hơn là nghịch chơi với lá của nó.

Tả lá bàng

Mùa thu trong Nam không đậm nét như ngoài Bắc nhưng cũng đủ làm cho những chiếc lá bàng to màu xanh thẫm từ từ chuyển sang màu vàng pha đỏ, có những chấm đen rồi dần dần pha màu nâu. Gặp cơn gió nhẹ thoảng qua, đôi ba chiếc lá vàng lìa cành, chao qua chao lại rồi rớt xuống sân trường. Bây giờ chỉ còn là đôi ba chiếc lá vàng rơi nhưng rồi một hai tháng nữa, lá bàng sẽ dần dần rụng hết, thân cành của nó sẽ trở nên khắng khiu, gầy guộc, in trên nền trời. Mùa ấy, bàng không đẹp, nhưng biết làm sao được?

5. Tả bộ phận của cây - Tả quả của cây

Tả quả sầu riêng

Tả một bộ phận của cây

Quả sầu riêng có hình dáng đặc biệt mà không loại quả nào có được. Sầu riêng quả nào bé nhất cũng phải một ki-lô-gam. vỏ của quả cứng, có gai to rất nhọn, màu nâu nhạt, sầu riêng có hai loại: sầu riêng hạt lép và sầu riêng hạt tròn, sầu riêng hạt lép có vỏ màu nâu nhạt pha hơi xanh xanh, sầu riêng hạt tròn màu vàng nâu. Bổ quả sầu riêng phải tách theo múi hạt. Mỗi múi sầu riêng giống như một khoang thuyền bầu dài màu trắng đựng từ hai đến ba hạt vàng ươm, thơm ngọt, beo béo. Thịt quả có mùi thơm rất nồng nàn. Ăn một múi sầu riêng người ta cảm thấy vị ngọt, béo của sầu riêng tan ra trên lưỡi. Một số người không ăn được sầu riêng vì mùi thơm nồng đượm của nó, nhưng nếu ai đã ăn được, sầu riêng sẽ sinh “nghiện” cái vị béo, bùi, ngọt, thơm nồng mà không thứ quả nào có được.

Tả buồng chuối

Những nải chuối úp vào nhau, quả tròn lẳn như cổ tay em bé. Quả chuối dáng cong cong chen chúc nhau hết lớp này đến lớp khác. Những nải đầu no tròn căng bóng, những nải sau nhỏ, dài. Buồng chuối mỗi ngày một mẩy, có nải đã hây hây vàng, mùi thơm của chuối chín ngọt mát.

Tả quả cam

Bà em kể rằng, cây cam đã gắn bó với mảnh đất khu vườn nhà từ ngày em mới sinh. Em rất thích ngắm nhìn cây cam mỗi mùa ra hoa kết trái. Đầu tiên, chỉ là những bông hoa li ti, trắng muốt và thoang thoảng hương thơm dễ chịu. Ít ngày sau, những trái cam bé bé xíu xuất hiện rồi dần dần lớn lên bằng hòn bi ve. Khi còn nhỏ, trái cam có màu xanh thẫm và rất cứng. Thế rồi, trái cam lớn nhanh như thổi, thoáng chốc đã bằng chiếc chén uống nước của bà. Chiếc áo khoác xanh thẫm của quả được thay bằng màu xanh nhạt và dần chuyển sang màu vàng tươi. Chẳng bao lâu sau, cây cam đã xum xuê những quả căng mọng, vàng óng, thấp thoáng trong vòm lá xanh tươi trước sân nhà. Bà em thường hái những trái cam đầu mùa dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mỗi trái cam là kết tinh vị ngọt lành của đất, hương thơm tinh túy của trời ban tặng cho con người.

Tả quả dưa hấu

Quả dưa hấu hình e-lip, to như con lợn con nằm lẫn trong đám lá xanh. Dưa hấu khi còn xanh vỏ sẽ có màu xanh sáng, bên trên mặt vỏ sẽ phủ một lớp phấn mỏng màu trắng. Dưa hấu chín vỏ sẽ chuyển sang màu xanh đậm, da căng bóng. Vỏ của quả có những đường kẻ chạy dọc, màu đen, chia thân quả thành từng miếng đều nhau. Ruột dưa hấu có màu đỏ, vị ngọt mát. Hạt dưa màu đen nhánh, dẹt, xếp thành hàng dọc theo thân của quả.

Tả quả thanh long

Em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trồng nhiều thanh long nhất cả nước, đó chính là Bình Thuận. Vì vậy, loại quả này nó không còn lạ lẫm đối với em. So với các loại quả khác, hình dáng của quả thanh long thật là lạ. Lúc còn nhỏ quả màu xanh thẫm, với những cánh tủa ra xung quanh trông như vảy rồng. Khi lớn thì quả chín, vỏ nó đó hồng như xác pháo. Nhìn từ xa, những quả thanh long như những đốm lửa lúc ẩn lúc hiện giữa vô số cánh tay xanh dài ngoằn ngoèo. Bổ ra, trong ruột thanh long trắng nõn, mọng nước, chi chít những hạt li ti đen nhánh. Nếm thử, vị ngòn ngọt, man mát, chua chua của thanh long thấm ngập vào từng kẽ răng. Một cảm giác khó mà quên được.

Tả quả chôm chôm

Chôm chôm là loại quả mà cả nhà em đều rất thích. Quả mọc thành từng chùm. Một quả thường khá nhỏ. Lớp vỏ bên ngoài khá dày. Nó có như những chiếc gai, nhưng không sắc nhọn mà mềm mại. Khi tách lớp vỏ ra, bên trong là ruột quả có màu trong suốt, bọc lên một cái hạt khá to. Chôm chôm có vị ngọt, ăn rất mát. Đây cũng là một loại quả rất bổ dưỡng.

6. Các bài văn mẫu Tả cây cối lớp 5

----------------------------------------------

Ngoài Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây lá hoặc hoa quả rễ thân  ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5, Giải SGK Tiếng Việt lớp 5  Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5 , Bài tập Luyện từ và câu 5 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1.829
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nhân Trí
    Nhân Trí

    Ok tạm được

    Thích Phản hồi 18:48 28/03
    • * mamnoncatvan2
      * mamnoncatvan2

      😉hhh

      Thích Phản hồi 24/03/23
      🖼️

      Gợi ý cho bạn

      Xem thêm
      🖼️

      Văn mẫu lớp 5 Ngắn gọn Sách mới

      Xem thêm