Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết đoạn văn tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau lớp 4

Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!

Đoạn văn tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau Mẫu 1

Cuối tháng Chạp, trên những cành khô mỏng manh của cây mai tứ quý bắt đầu nhô lên những chồi non. Thoạt đầu, chúng bé tí xíu, nằm nhú lên như những nốt ruồi dọc các thân, cành cây, và hiển nhiên là chưa thể phân biệt được đâu là chồi lá, đâu là nụ hoa. Ít hôm sau, trong cái nắng ấm dìu dặt của đầu mùa xuân, các mầm non ấy lớn lên nhanh như thổi. Chúng vươn lên, khoe tấm áo xanh nõn nà ở bên ngoài, to như hạt đậu. Lúc này đã có thể phân biệt rõ đâu là hoa, đâu là lá rồi. Bởi mầm hoa thì có cái đầu tròn trịa, còn chồi lá thì có đầu nhọn như búp măng. Rồi trong màn mưa xuân lất phất với tia nắng ấm áp, tiết trời dịu nhẹ, lá mai bật căng ra khỏi lớp áo chật chội, duỗi thẳng, khoe ra tấm thân màu hổ phách bóng bẩy. Còn những nụ hoa màu xanh ngọc cũng dần lớn lên và nứt ra ở đầu, khoe ra chút vàng ngọc ở bên trong. Chờ khi Tết đã gõ cửa, những chiếc lá ngày nào đã lớn lên bằng chiếc muỗng, chuyển sang màu xanh non bắt mắt. Và những nụ hoa cũng bung nở, khoe năm cánh hoa vàng ươm, rung rinh trong nắng mới. Hoa và lá mai cứ thế chen chúc với nhau, phủ kín cành cây, đem đến sức sống ngập tràn. Nhìn hình ảnh ấy, thật khó mà tưởng tượng được rằng chỉ mới hơn một tháng trước, cả cây mai còn trơ trụi như bộ xương khô héo tàn.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau Mẫu 2

Sau mấy tháng chăm chỉ uống nước, hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất, cây hoa cũng cho ra một chùm hoa hồng. Mới đầu, nụ hoa còn nhỏ lắm, chỉ lớn như hạt dưa, có hình giọt nước và xanh sẫm như lá cây. Đầu nụ hoa là chóp nhọn, phần đài hoa có các vây dài như mấy cái lá nhỏ đang nâng đỡ cho đóa hoa. Theo thời gian, nụ hoa ngày càng to lên. Các cánh hoa bên trong lớn lên nhanh chóng, khiến lớp áo màu xanh bên ngoài không thể che đậy được nữa. Vì thế, có thể thấy thấp thoáng một vài chấm màu đỏ tươi lấp ló sau lớp vỏ. Rồi theo ngày tháng dần trôi, cánh hoa hồng không chờ được nữa, bởi đã lớn lắm rồi, muốn được thoát khỏi sự bao bọc của mẹ lá để gặp gỡ mặt trời. Thế là, mỗi lúc phần cánh hoa màu đỏ lại duỗi ra nhiều hơn. Mỗi ngày nó duỗi ra một chút, khoe từng tí hương sắc nồng nàn của mình làm cho bầy ong đàn bướm phải xôn xao. Và rồi, vào một ngày nắng sớm, trong hương ban mai, đóa hoa hồng nở bung hết cỡ, các cánh hoa xòe ra mềm mịn như nhung, đỏ thẫm như son, tỏa hương ngào ngạt từ nhụy hoa vàng mật. Bướm ong say mê ghé tới lượn đi, mê mệt với nàng hoa hồng kiêu kì.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau Mẫu 3

Mùa xuân đến, từ trên thân bàng khẳng khiu trơ trọi bắt đầu nhô lên những mầm xanh nhỏ xíu. Đó chính là lá bàng vừa được sinh ra đó. Phải chờ qua mấy bận mưa xuân lất phất, những chồi non bé xíu ấy mới vươn lên và giãn ra, khoe thân hình giống như giọt nước nhỏ xanh nõn. Lúc này lá bàng đã rõ hình rõ dáng lắm rồi. Dần dần, theo cái nắng ngày càng đậm màu hơn, đất trời ấm áp hơn, lá bàng cũng lớn nhanh như thổi. Chúng rủ rỉ nhau phải lớn lên thật nhanh để kịp xây dựng nên tán bàng tươi tốt, che nắng cho mấy đứa học trò còn ra chơi vào giờ giải lao. Thế là, khi hè thực sự về đến, mấy cái lá nhỏ xíu hôm nào đã to ra như bàn tay của bố. Cả trăm, cả nghìn bàn tay xanh lá ấy vẫy vẫy theo gió hè, tấu nên bản nhạc xào xạc đã hát cả bao nhiêu năm nay mà vẫn chưa thấy chán. Cứ thế, lá bàng xanh mượt suốt cả mùa hè, cần mẫn chắn nắng, chắn mưa. Để rồi khi thu sang, tất cả đồng loạt chuyển sang màu vàng và đỏ thẫm. Mới đầu là những chiếc lá gần thân cây nhất, rồi dần dần lan ra đến những chiếc lá tít ở ngọn, như một ngọn lửa đang lan ra vậy. Rồi chợt một sáng nọ, khi cơn gió heo may thổi qua, lá bàng ồ ạt rụng hết về cội, để lại thân cây trơ trọi. Thế là một lần nữa thân bàng lại còm cõi, xác xơ chờ mùa xuân đến.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau Mẫu 4

Lúc còn là lá non, lá chuối chỉ dài chừng gần một mét. Toàn thân lá mềm và ngậm nước, có màu xanh bơ nhạt nhòa. Màu xanh ấy đặc trưng chỉ mình nó mới có, nên được đặt tên là xanh nõn chuối. Tàu lá còn mong manh, nên cuộn lại như phong thư, dựng thẳng lên trời để tránh bị gió quật nát. Chỉ độ qua một tuần trăng, chiếc lá chuối ấy chuyển dần sang màu xanh đậm hơn. Hai bên lá chuối dọc theo cuống lá cũng dài ra và cứng cáp hơn hẳn. Vì vậy, mà phong thư hôm nào đã được gió cởi nút cho, mở bung ra, phấp phới chào anh chị lá khác. Rồi dần dần, lá chuối dài ra hơn, phần lá cũng rộng hơn, nên cả tàu lá chuối không còn đứng thẳng được nữa, phải nằm ngửa ra, nghiêng hẳn sang một bên. Mặt trên của lá tắm nắng suốt ngày nên dần chuyển sang xanh thẫm hơn hẳn. Còn mặt lá dưới thì vẫn còn chút sắc xanh nõn ngày nào, lại còn được phủ thêm ít phấn trắng nữa chứ. Cứ thế, lá chuối xanh tươi suốt mấy tháng ròng. Cho đến khi lá dần già đi, mặt lá bị gió đánh rách thành nhiều đoạn rồi khô quắt đi, chuyển màu nâu xám ngắt. Lúc này, lá chuối đã già và héo đi ngay khi còn bám trên cây. Khi ngay cả phần cuống ấy cũng bị héo quắt lại, thì lá chuối mới tự rụng ra khỏi thân cây.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
51
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 4 Sách Mới

    Xem thêm