Viết đoạn kết bài mở rộng Tả cây đa cổ thụ (9 mẫu)
Văn mẫu lớp 4: Viết đoạn kết bài mở rộng Tả cây đa cổ thụ được VnDoc sưu tầm, chọn lọc bao gồm các bài văn chi tiết cho các em học sinh tham khảo hoàn thiện bài văn viết kết bài miêu tả cây cối, chuẩn bị cho các bài viết Tập làm văn lớp 4. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.
Viết đoạn kết bài mở rộng Tả cây đa cổ thụ
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 1
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 2
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 3
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 4
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 5
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 6
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 7
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 8
- Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 9
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 1
Cây đa cổ thụ ở đầu làng, không chỉ là một cây cổ thụ bình thường, mà nó đã trở thành một biểu tượng của làng em. Cây đa như một cụ già lớn tuổi, trầm tĩnh và hiền từ. Dù nắng hay mưa, cụ vẫn ở đó, dịu dàng đưa tiễn con cháu rời quê hương đi học, đi làm. Rồi cũng là cụ sẽ hân hoan chào đón tất cả mọi người cùng trở về. Có lẽ chính vì thế, mà tất cả mọi người trong làng đều yêu quý cây đa vô cùng.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 2
Cây đa già ấy đã đi cùng làng em từ thuở mới thành lập đến tận bây giờ. Cây đa chứng kiến biết bao cuộc đời, bao niềm vui và nỗi buồn của người dân nơi đây. Vẻ trầm tư, cũ kĩ của cây đa già đi vào thơ ca, nhạc họa. Em mong sao, dù thêm nhiều năm nữa, cây đa vẫn sẽ vững chãi, xanh tốt như thế. Vẫn mãi là điểm tựa, là cột mốc để những người con xa quê nhìn thấy đầu tiên mỗi khi trở về làng.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 3
Em yêu thích cây đa bởi vẻ đẹp cổ kính và nơi đây đã gắn bó với bao kỉ niệm tuổi thơ êm đềm. Cây đa giống như ông bụt hiền từ đứng ở đầu làng, luôn dang rộng vòng tay chào đón những người con của làng trở về. Em mong gốc đa cổ thụ sẽ mãi mãi xanh tươi, trở thành người bạn gắn bó và thân thiết với người dân quê em.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 4
Dưới gốc đa này, người làng đưa tiễn nhau đi bịn rịn, lưu luyến... Và cũng dưới gốc đa này, người làng thường dừng chân nghỉ lại sau những buổi làm đồng mệt nhọc, vất vả. Cây đa như một biểu tượng quê hương là bến đậu của bao nỗi nhớ tình thương của những người con xa quê cha đất tổ.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 5
Làng tôi nhiều người đi làm ăn xa, lâu lâu mới về vài lần. Mỗi lần về, họ đều ra quán nước dưới gốc đa đầu làng mà uống miếng nước ngọt lành mang đậm phong vị quê hương. Cây đa cổ thụ đã sừng sững đứng đấy biết bao năm, đã gắn bó với bao lớp người làng tôi. Với tôi, cây đa chính là một điều không thế thiếu trong cuộc sống này. Không có nó, làng quê trong tim tôi thực sự sẽ không hề được trọn vẹn.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 6
Với những người xa nhà như tôi, mỗi khi đã quá mệt nhọc với cuộc sống này, bình yên nhất vẫn là nhớ về quê hương. Quê hương đẹp lắm, yên bình lắm, ấy là nơi gắn liền với cây đa, giếng nước, sân đình,… Làng tôi luôn có cây đa cổ thụ tôi thương, tôi nhớ nhiều lắm. Đó là nơi tuổi thơ tôi gắn bó, là bến đỗ chờ đợi tôi quay về sau mỗi chuyến đi xa.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 7
Trong tim mỗi người, ai cũng có trong mình những hình ảnh ấn tượng khi nghĩ về làng quê. Có người sẽ nghĩ về những cánh đồng lúa rộng bao la, có người lại là những cánh diều bay lượn trên bầu trời xanh bao la. Nhưng với tôi sẽ chính là hình ảnh của cây đa cổ thụ đầu làng. Thân cây to lớn, tán lá xòe rộng ôm trọn lấy cả tuổi thơ tôi. Nó chính là biểu tượng của làng quê tôi.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 8
Bạn ơi, quê hương bạn có gì đẹp không? Bạn yêu gì ở quê hương bạn nhất? Còn với tôi, quê hương tôi có nhiều điều đẹp lắm, như cảnh vật yên bình, con người giản dị, thân thiện. Và với tôi, yêu nhất vẫn là hình ảnh cây đa cổ thụ ở đầu làng. Cây đa đã gắn bó với người dân làng tôi suốt bao nhiêu đời nay. Tôi coi cây đa như người ông, bao bọc cho tôi từ những ngày tôi còn thơ bé. Tôi mong cây vẫn sẽ sừng sững như vậy tới thật lâu.
Kết bài mở rộng tả cây đa cổ thụ Mẫu 9
Mỗi chiều đi học về, tụi trẻ trong làng chúng em lại kéo nhau ra đầu làng, ngồi dưới gốc đa chơi chuyền, chơi đuổi bắt, kể chuyện cười vui vẻ, … Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa làm không khí thêm tươi vui, sôi động. Cây đa cùng bến nước, con đò đã trở thành hình ảnh biểu tượng của làng quê. Em rất yêu cây đa quê em.
-------------------------------------------------------------------------
Ngoài Viết đoạn kết bài mở rộng Tả cây đa cổ thụ, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 4 , Giải SGK và Giải VBT Tiếng Việt lớp 4 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 4 , Bài tập Luyện từ và câu 4 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 .