Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kể lại một câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4

Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!

Kể chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi sáng tạo của con người - Mẫu 1

Từ xa xưa, trí thông minh luôn được đề cao và coi trọng. Bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo nên thành công của con người và sự phát triển của xã hội. Vì vậy mà có rất nhiều những câu chuyện dân gian được sáng tác ra nhằm ngợi ca trí thông minh của con người. Quen thuộc nhất với người đọc về chùm chủ đề này, có lẽ chính là câu chuyện "Trí khôn của ta đây".

Câu chuyện kể về một anh nông dân hiền lành, chăm chỉ rất nổi tiếng với trí thông minh của mình. Tin đồn về trí tuệ của anh lan đi rất xa, vào đến tận rừng sâu, khiến con hổ hung dữ trong đó lấy làm tò mò. Vì từ nhỏ đến lớn nó không biết trí khôn là gì. Thế là nó quyết định xuống núi tìm anh nông dân hỏi cho ra nhẽ. Chờ được nhìn thấy trí thông minh của anh ta thì nó sẽ cướp lấy, từ đó trở thành con hổ thông minh nhất khu rừng. Nghĩ là làm, ngay hôm sau, con hổ lần xuống núi để tìm anh nông dân.

Khi nó đến nơi, anh nông dân đang ngồi nghỉ cạnh chú trâu của mình sau một buổi sáng cày bừa chăm chỉ và vất vả. Thấy hổ xuất hiện trước mắt, anh hoảng sợ lắm, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để đối phó với nó. Con hổ thấy anh nông dân im lặng nhìn mình mà không bỏ chạy, thì cho rằng đó là nhờ trí khôn, nên càng rắp tâm muốn cướp. Nó hỏi anh nông dân về trí khôn của anh, và tỏ vẻ hiền lành rằng chỉ xin xem trí khôn thôi. Nghe vậy, anh nông dân liền nhanh trí nói rằng, trí khôn anh để ở nhà, giấu kĩ rồi, chứ không đem theo người. Tin đó khiến hổ sốt sắng lắm, bởi nó mạo hiểm xuống núi, bất chấp nguy cơ bị thợ săn bắt được cũng chỉ vì trí khôn mà thôi. Thấy vẻ mặt đó của hổ, anh nông dân liền giả vờ quan tâm, nói rằng sẽ về nhà lấy cho hổ xem. Nghe thế, hổ mừng ra mặt, vội bảo anh nông dân về ngay đi, mình sẽ ở đây chờ. Anh nông dân lại tỏ vẻ ngần ngừ, nói rằng sợ hổ sẽ nhân thế mà ăn mất trâu của mình. Sau đó mới nói rằng hổ hãy để mình trói vào thân cây để đảm bảo, rồi sẽ về nhà lấy trí khôn đến cho hổ xem. Quá mong được xem trí khôn của con người, lại sợ ở đồng bằng lâu sẽ gặp thợ săn, hổ gật đầu đồng ý. Thế là, anh nông dân lấy dây thừng siết chặt hổ vào thân cây lớn. Sau khi xác định hổ không thể cựa quậy được, anh liền hất dầu lên người hổ. Trong ánh mắt hoảng hốt của nó, anh ném một mồi lửa vào sợi dây thừng. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên dữ dội, khiến hổ quằn quại đau đớn, nhưng không sao thoát ra được. Thấy thế, anh nông dân cười lớn và nói rằng "Trí khôn của ta đây". Lúc này hổ mới hiểu ra mình đã bị lừa bởi trí khôn của con người nhưng đã muộn. Nó gầm lên đau đớn, vùng khỏi sợi dây đã cháy sém, bỏ chạy vào rừng. Vết dây thừng cháy hôm đó tạo nên các vằn đen trên da lông của hổ. Từ đó về sau, con hổ nào ra đời cũng có vết cháy đen đó, như để nhắc nhở chúng về bài học ngày hôm đó.

Câu chuyện "Trí khôn của ta đây" không chỉ ngợi ca về trí thông minh của con người. Mà còn thể hiện mong ước chế ngự, làm chủ thiên nhiên của người xưa. Với cách kể chuyện lôi cuốn và hấp dẫn cùng tình tiết bất ngờ, câu chuyện đã khiến em vô cùng yêu thích ngay từ lần đọc đầu tiên.

Kể chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi sáng tạo của con người - Mẫu 2

Trên thế giới, có rất nhiều những nhà khoa học, nhà sáng chế thiên tài góp phần tạo nên nhiều đồ dùng tiện ích cho loài người. Nhờ họ, mà thế giới loài người ngày càng văn minh và hiện đại hơn. Một trong số đó chính là nhà bác học Ê-đi-xơn. Có rất nhiều những câu chuyện kể về nguồn gốc những phát minh của nhà khoa học này, khiến người đọc thích thú. Nổi bật trong số đó là câu chuyện “Nhà phát minh và bà cụ”.

Câu chuyện bắt đầu với sự kiện nhà bác học Ê-đi-xơn chính thức sáng chế thành công bóng đèn điện và giới thiệu nó rộng rãi với mọi người. Người dân khắp nơi đều ùn ùn kéo đến xem phát minh vĩ đại này. Có những người ở cách đó rất xa cũng tìm cách đến nơi để tận mắt chứng kiến mặt trời nhân tạo ấy. Trong đó có một cụ bà đã phải đi bộ suốt mười hai cây số. Khi đến nơi có bóng đèn điện, bà quá nhức mỏi nên phải ngồi lại bên vệ đường để bóp chân, đấm lưng. Hành động đó của bà tình cờ được Ê-đi-xơn đi ngang qua nhìn thấy. Ông đã chủ động đứng lại để bắt chuyện với bà cụ. Nhờ vậy, ông biết được rằng bà cụ đã phải đi bộ gần ba giờ đồng hồ để tới nơi này. Trong lúc than thở, bà cụ buột miệng ước rằng nhà bác học đã sáng chế bóng đèn điện, cũng có thể tạo ra một cái xe có thể chở người già đi khắp nơi. Ê-đi-xơn thắc mắc hỏi lại rằng, việc đó đã có xe ngựa làm rồi mà. Nhưng bà cụ giải thích rằng, xe ngựa khi di chuyển lắc lư quá nhiều, nên người già không thể ngồi trên đó lâu được, thà đi bộ còn đỡ vất vả hơn. Nghe vậy, trong đầu Ê-đi-xơn chợt lóe lên một ý tưởng. Ông mỉm cười cảm ơn bà cụ vì đã giúp mình có ý tưởng cho một loại xe chạy bằng điện. Lúc này, bà cụ mới giật mình nhận ra người trò chuyện với mình từ nãy đến giờ chính là nhà khoa học Ê-đi-xơn. Bà hài hước nói rằng không ngờ một nhà khoa học vĩ đại lại trông giống người bình thường như thế. Đáp lại bà, Ê-đi-xơn đã hứ rằng khi mình thành công tạo ra xe điện, sẽ mời bà đến đi thử chuyến đầu tiên.

Từ sau hôm đó, Ê-đi-xơn miệt mài ngày đêm sáng chế xe điện và nhanh chóng thành công. Hôm đó, có rất nhiều người xếp hàng dài chờ được mua vé. Chỉ riêng một bà cụ được mời vào lối đi riêng, ưu tiên bước lên xe đầu tiên. Đó chính là bà cụ hôm đó đã ngồi nói chuyện với Ê-đi-xơn. Ngồi trên xe, bà cụ mỉm cười hạnh phúc lắm. Bà cảm ơn Ê-đi-xơn vì đã tạo ra một chiếc xe êm ái như thế này. Nụ cười hạnh phúc ấy của bà đã tiếp thêm cho nhà bác học nguồn động lực to lớn để tiếp tục con đường của mình.

Câu chuyện “Nhà phát minh và bà cụ” không chỉ khắc họa sự thân thiện, tốt bụng và lòng nhân ái của nhà bác học Ê-đi-xơn. Mà còn khẳng định được trí tuệ và sự sáng tạo mạnh mẽ của ông. Nhờ câu chuyện này mà em được hiểu thêm và đến gần hơn với một nhà bác học vĩ đại của nhân loại.

Kể chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi sáng tạo của con người - Mẫu 3

Những câu chuyện kể về trí thông minh và sự sáng tạo của con người luôn là câu chuyện mà em yêu thích. Gần đây nhất, em đã tìm đọc được một câu chuyện rất hay về đề tài này, đó chính là câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi.

Câu chuyện có nhân vật chính là cô bé Ma-ri-a. Cô bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình có sáu đời đều có người là giáo sư đại học. Từ nhỏ, Ma-ri-a đã rất thích quan sát mọi vật xung quanh mình. Năm sáu tuổi, khi nhìn thấy gia nhân bưng một tác trà cô đã chăm chú nhìn theo. Vì thế mà cô phát hiện rằng, lúc đầu tác đựng trà có vẻ rất trơn trượt nên làm đổ ra ngoài một ít nước trà. Nhưng khi đã có nước trà trong đĩa, thì tách đựng trà lại bỗng đứng yên không chuyển động. Điều này làm cô gái nhỏ vô cùng tò mò. Vì vậy, cô đã tranh thủ khi ngời lớn không để ý đến, bí mật chạy vào bếp để tự mình kiểm tra.

Cô bé đã tìm một bộ đồ trà để bắt chước lại hành động của người gia nhân lúc nãy mình quan sát được. Cô làm đi làm lại nhiều lần để quan sát thật kĩ sự thay đổi của tách trà. Cuối cùng, cô bé cũng nhận ra rằng: chính nước trà ở giữa tách trà và dĩa đã khiến cho tách trà đứng yên. Khi cô hào hứng chia sẻ phát hiện này của mình với cha của mình, ông đã vô cùng vui sướng. Hào hứng khoe với mọi người rằng Ma-ri-a sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc. Quả nhiên, ông đã không hề nói sai. Sau này, cô gái bé nhỏ ấy đã trở thành giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Thậm chí, còn dành được giải thưởng Nô-ben Vật lí danh giá vào năm 1963.

Câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi đã giúp em được biết về một phát hiện thú vị tưởng chừng như rất hiển nhiên trong cuộc sống. Từ đó, em hiểu ra rằng, những điều xung quanh chúng ta có rất nhiều điều thú vị và bổ ích. Chúng sẽ là chìa khóa giúp ta khám phá ra những phát minh tuyệt vời. Chẳng có một ranh giới nào về độ tuổi có thể ngăn cản điều đó cả.

Kể chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi sáng tạo của con người - Mẫu 4

Người Việt Nam ta từ xưa đã nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền rất nhiều những câu chuyện hay về trí tuệ của con người. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Em bé thông minh.

Câu chuyện kể về một cậu bé tuy còn nhỏ, lại chưa đến trường hay học qua lớp học nào, nhưng lại có trí tuệ và sự hiểu biết vượt qua người thường. Trí thông minh của cậu bé được thể hiện qua những thử thách mà cậu gặp được và cách giải quyết nó. Thử thách đầu tiên của cậu là câu đố của viên quan tình cờ đi ngang qua làng. Ông ta theo lệnh nhà vua, cưỡi ngựa đi khắp cả nước để tìm người tài. Khi đi qua làng của cậu bé, thấy một đứa trẻ trông có vẻ nhanh nhẹn, nên đã dừng lại để thử tài. Viên quan đưa ra một câu đố rất hóc búa, rằng tính xem một ngày ngựa của ông ta đi được bao nhiêu bước. Nhưng thật bất ngờ, câu bé lập tức hỏi ngược lại viên quan: Nếu ông ấy tính được một ngày trâu của cha cậu cày bao nhiêu đường, thì cậu sẽ nói cho ông ấy biết số bước đi của chú ngựa. Nghe vậy, viên quan liền nhận ra cậu bé này rất thông minh, nên vội vàng trở về kinh thành báo cáo với nhà vua.

Nghe chuyện, nhà vua vẫn chưa tin về tài năng của cậu bé, nên đã nghĩ ra thêm một thử thách cho cậu. Ông ban cho làng cậu ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, yêu cầu làng sau một năm phải làm cho trâu sinh ra trâu con rồi nộp cho nhà vua, nếu không sẽ bị trị tội. Điều này làm cho cả làng sợ hãi và bất lực vô cùng. Nhưng cậu bé thì lại rất bình tĩnh. Cậu nói với dân làng hãy giết thịt hai con trâu, đồ xôi bằng hai thúng gạo nếp để mở tiệc. Phần còn lại thì bán lấy tiền làm lộ phí cho cha con cậu lên kinh gặp nhà vua. Khi đến nơi, cậu đứng trước cửa cung vua, gào khóc ầm ĩ, khiến nhà vua rất khó hiệu, bèn gọi cậu vào diện kiến. Trước mặt nhà vua, cậu bé khóc lóc đòi nhà vua bắt cha phải sinh em bé để chơi cùng với mình. Tuy nhiên, mẹ cậu đã mất từ lâu, mà cha cậu lại là đàn ông, làm sao mà sinh được? Khi nhà vua giải thích cho cậu bé hiểu điều đó, thì cậu liền nhân cơ hội mà hỏi ngược lại ông rằng: Tại sao lại yêu cầu làng cậu nuôi cho ba con trâu đực sinh ra nghé con chứ? Vì điều đó cũng vô lý như ép cha cậu sinh em bé mà thôi. Điều này khiến nhà vua hiểu ra, đứa trẻ trước mặt chính là người tài mà mình đang thử thách. Thế là, ông liền ra lệnh đưa cha con cậu bé vào cung vua để tiện hỏi chuyện. Để chắc chắn hơn, ông đã thử tài cậu bé thêm lần nữa. Bằng cách yêu cầu cậu làm thịt con chim sẻ nhỏ thành một mâm cỗ thịnh soạn. Người hầu vừa truyền chỉ, cậu bé đã lấy ngay từ trong túi một cái kim khâu, đưa cho anh ta, và nói rằng hãy nhờ nhà vua mài cây kim đó thành chiếc dao sắc để làm thịt chim sẻ. Lần này thì nhà vua thật sự thán phục tài trí của cậu bé rồi.

Mấy hôm sau, nước ta tiếp đón đoàn sứ thần nước bên sang thăm. Họ đem sang một câu đố rất khó, để kiểm tra xem nước ta có người tài hay không. Vì vậy, cả triều đình vô cùng căng thẳng. Từ các quan lớn đến học sinh trong trường đều không ai tìm ra cách nào xâu sợi chỉ qua thịt ốc mà vẫn còn nguyên mình ốc cả. Đúng lúc đang bối rối, nhà vua nhớ ra cậu bé thông minh nọ đang ở trong cung, nên đã sai lính đến hỏi cậu bé. Câu đố khó đến vậy, mà vừa nghe, cậu bé đã giải được ngay, thậm chí còn hát thành một bài ca dao nữa chứ. Sau sự kiện đó, cả triều đình đều khâm phục tài trí của cậu bé. Nhà vua thì phong cậu làm trạng nguyên, và xây dinh thự cạnh cung vua để tiện hỏi thăm việc nước.

Câu chuyện Em bé thông minh được sáng tác để ngợi ca và khẳng định sức mạnh của trí tuệ dân gian trước trí tuệ cung đình. Từ đó, giúp chúng ta hiểu được rằng, kiến thức có thể có ở mọi nơi, không chỉ có ở trong sách vở. Vì vậy, cùng với học ở lớp, chúng ta cần học ở cuộc sống xung quanh mình.

Kể chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi sáng tạo của con người Ngắn gọn

>> HS tham khảo các bài văn mẫu ngắn gọn tại đây Kể lại một câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4 Ngắn gọn

Chia sẻ, đánh giá bài viết
966
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 4 Sách Mới

    Xem thêm