Tả cây lương thực lớp 4
Tả cây lương thực lớp 4
Viết bài văn Tả cây lương thực lớp 4 gồm các đoạn văn, bài văn mẫu hay, đa dạng do đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn, phỏng theo các yêu cầu và gợi ý của những đề bài thuộc phần Viết - môn Tiếng Việt lớp 4 (Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều).
Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!
Bài văn Tả cây lương thực - Mẫu 1
Phía sau nhà em có một khoảng đất không quá rộng, lâu nay để các vật liệu thừa sau khi xây nhà xong. Sau một thời gian suy nghĩ, bố của em đã vứt đống vật liệu đó đi, dọn dẹp sạch sẽ lại. Rồi cẩn thận cuốc đất, phơi đất để trồng rau. Vì không có nhiều thời gian để chăm sóc, nên bố đã quyết định trồng một loại cây lương thực rất quen thuộc, đó là cây khoai lang.
Lúc đầu, bố mua về một bó dây khoai lang ở chợ, cắt thành từng đoạn ngắn dài chừng 20cm. Sau đó vùi một đầu xuống dưới đất và bắt đầu chờ nó tự phát triển. Quá trình đó diễn ra mất hai tháng nhưng vô cùng ngoạn mục. Từ một đoạn thân chính to như ngón tay út ban đầu, dây khoai lang bắt đầu mọc lên các mầm nhỏ. Những chiếc mầm đó dài lên, biến thành các dây khoai lang mới. Rồi từ các dây khoai lang đó, lại mọc ra tiếp các mầm khoai lang nhỏ hơn. Cứ như vậy, chúng lặp đi lặp lại quá trình đó, cho đến khi em nhận ra và để ý, thì khoai lang đã bò kín cả một khoảng vườn rồi. Dây khoai lang bò ở trên mặt đất, khi đủ già thì chúng sẽ mọc ra rễ ở các mắt rễ chính, cắm sâu xuống đất. Các đoạn thân đó sẽ đóng vai trò hút chất dinh dưỡng và ngừng đẻ nhánh con, nhường vai trò đó cho các đoạn thân non hơn, chưa mọc rễ.
Một dây khoai sẽ có rất nhiều lá khoai và nhánh con. Lá khoai có hình trái tim, hơi nhọn ở đầu, màu xanh lá. Lá khoai non sẽ nhỏ hơn, có màu xanh nhạt hơn và gấp đôi lại như tấm thiệp nhỏ. Đầu của mỗi nhánh sẽ được gọi là đọt khoai. Đọt khoai là bộ phận mới nhất, có thân và lá non nhất của cây khoai. Bình thường, đó cũng là bộ phận mà nhà em thường hái vào để ăn. Đọt khoai luộc hay xào, nấu canh, nhúng lẩu đều rất ngon. Đên lúc muốn thu hoạch củ, thì cả nhà em sẽ ngừng việc hái đọt lá lại khoảng hai đến ba tuần. Lúc đó, một phần rễ ở dưới mặt đất của cây khoai sẽ trở thành củ khoai. Khi thu hoạch củ sẽ phải nhổ cả vạt rau khoai lên. Bên dưới đất, củ khoai lang mẹ, củ khoai lang con nằm chi chít. Một mảnh rau khoai lang nhỏ vậy, mà cũng thu về cả thúng củ khoai. Mỗi lần như vậy, gia đình em lại đem củ khoai đi chia sẻ cho người thân bạn bè. Phần còn lại thì để mẹ trổ tài. Từ món củ khoai luộc, bánh khoai rán đến món chè khoai đều rất tuyệt.
Cây khoai lang vừa dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, bảo vệ. Vậy mà lại cung cấp rau xanh và rất nhiều củ cho người trồng. Dù là ở đất rộng, hay chỉ là một cái chậu nhựa, thùng xốp, khoai lang vẫn phát triển tốt. Đúng tính cách của một loại cây dễ tính, chịu khó. Em rất yêu thích loại cây lương thực này.
Bài văn Tả cây lương thực - Mẫu 2
Bà em là một người nông dân chăm chỉ. Phía sau vườn nhà, bà trồng rất nhiều rau trái. Trong đó, em ấn tượng nhất là vạt ngô nếp.
Ngô nếp là một loại cây lương thực quen thuộc, và khá dễ trồng. bà em trồng cả một vườn ngô với năm luống đứng song song với nhau. Mỗi luống có chín cây ngô nếp. Cây nào cũng đứng thẳng hàng, cách nhau đều tăm tắp như chúng em xếp hàng ở lớp.
Lúc này, cây ngô đã gần đến ngày thu hoạch rồi. Cây nào cũng cao hơn cả em một chút. Gốc cây ngô to gần bằng cổ tay của em, càng lên cao càng nhỏ dần. Tuy có vẻ to nhưng thân ngô rất dễ bị gãy, bởi bên trong thân cây không đặc quánh như cây thân gỗ mà khá là xốp. Thân cây ngô có màu xanh lá khá nổi bật, chứ không nâu xám như các loài cây thường gặp trong vườn. Điều thú vị là thân ngô cũng chia thành nhiều khúc như cây múa. Càng lên cao, độ dài của các đốt càng kéo dài thêm. Ở mỗi đầu của từng đốt sẽ mọc ra lá ngô. Chiếc lá ngô có hình dáng như lá mía, nhưng ngắn hơn một chút. Hai mép lá ngô cũng khá sắc bén, nên khi ra vườn, việc di chuyển giữa các cây ngô cũng hết sức phải cẩn thận.
Điều đặc biệt nhất chính là cách cây ngô ra trái. Ở ngọn cây ngô sẽ mọc ra một chùm gồm ba đến năm nhánh hoa nhỏ dài. Nhưng cây lại ra quả ở cách nách giữa lá và thân cây. Thường mỗi nách sẽ cho ra từ một đến hai trái. Tuy nhiên, khi quả ngô non vừa thành hình, bà sẽ ra vườn tỉa bớt đi, để lại khoảng ba đến bốn trái ngô trên cây. Vì vậy mà lúc này, khi trái ngô đã to đến như bắp tay của em thì cây vẫn đứng thẳng vững vàng. Chứ nếu cây vẫn còn đầy đủ hơn mười trái như cũ thì cây sẽ không đủ khả năng nuôi trái đâu. Những bắp ngô to tròn và thon dần về một đầu như hạt gạo phóng tho lên rất nhiều. Trái ngô với những hạt ngô dẻo thơm mềm ngọt được bảo vệ bởi những lớp vỏ như khoác áo giáp, đảm bảo không loài côn trùng nào cắn phá được. Trên đầu chúng là chỏm tóc màu trắng vàng nhạt, nom như là bộ tóc của búp bê vậy.
Chỉ cần chờ thêm một tuần nữa là bà sẽ thu hoạch ngô. Những trái ngô ấy không chỉ ăn no mà còn ngon nữa, bởi có thể làm ra rất nhiều món. Như xôi xếp, bỏng ngô, bánh ngô chiên, ngô rang tép, ngô xào, bột ngô để nấu ăn… Phần râu ngô thì phơi khô rồi đem nấu nước uống, rất tốt cho cơ thể vào mùa hè. Đến thân cây ngô thì có thể đem cho bò cho lợn ăn. Không một bộ phận nào của cây ngô bị bỏ phí cả. Với thời gian trồng ngắn, lại dễ chăm sóc, nó xứng đáng là loại cây lương thực được bà con yêu thích.
Nhìn vườn ngô của bà xanh rì đung đưa theo gió, em vui lắm. Tưởng tượng bà đã chăm chỉ và vất vả như thế nào để chăm sóc chúng lớn lên. Em lại càng tự hào về bà và khu vườn ngô ấy.
Tả cây lương thực lớp 4 Ngắn gọn
>> Tham khảo thêm Văn tả cây lương thực lớp 4 Ngắn gọn
-----------------------------------------------
Ngoài ra, mời các em học sinh, các thầy cô và quý phụ huynh tham khảo thêm các tài liệu học tập hay khác: Giải SGK Tiếng Việt lớp 4, Tập làm văn lớp 4 và Văn mẫu lớp 4 ngắn gọn. Cùng các bài tập ôn luyện bám sát chương trình tại Tiếng Việt lớp 4.