Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kể câu chuyện về lòng nhân hậu: Người ăn xin lớp 4

Lập dàn ý Kể lại câu chuyện Người ăn xin lớp 4

a) Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về lòng nhân hậu mà em muốn kể lại: Câu chuyện “Người ăn xin”

b) Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện “Người ăn xin”:

  • Một buổi chiều nọ, khi đang đi dạo trên phố, Tuốc-ghê-nhép đã bắt gặp một ông lão ăn xin ở bên vệ đường
  • Ông lão ăn xin có vẻ ngoài già nua, bẩn thỉu với đôi bàn tay sưng húp lên và nứt nẻ vì cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông khiến Tuốc-ghê-nhép rất thương cảm
  • Ông lão nhìn Tuốc-ghê-nhép một cách chăm chú và tha thiết, khiến cậu dừng lại trước ông
  • Tuốc-ghê-nhép lục tìm hết các túi quần để tìm ra một cái gì đó cho ông lão, nhưng cậu chẳng có gì cả
  • Tuốc-ghê-nhép nắm lấy đôi bàn tay bẩn thỉu của ông lão và xin lỗi ông vì không có gì để cho ông cả
  • Ông lão ăn xin bật cười hạnh phúc và nói rằng “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”

c) Kết bài:

  • Nêu ý nghĩa của câu chuyện “Người ăn xin” em vừa kể
  • Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về nhân vật có lòng nhân hậu trong cậu chuyện

Kể lại câu chuyện Người ăn xin Ngắn gọn

Câu chuyện “Người ăn xin” là một câu chuyện kể nổi tiếng về tấm lòng nhân hậu mà em vô cùng yêu thích.

Nhân vật chính của câu chuyện là Tuốc-ghê-nhép - một cậu học sinh nhỏ tuổi có trái tim ấm áp. Một ngày đông lạnh giá nọ, sau khi tan học, cậu tình cờ nhìn thấy một ông lão ăn xin nghèo khổ ngồi cạnh cổng trường. Cậu rất muốn cho ông lão một cái gì đó để giúp ông, nhưng lục hết các túi áo, cặp sách cũng chẳng có gì cả. Vì thế mà Tuốc-ghê-nhép rất áy náy, liền cầm lấy đôi bàn tay của người ăn xin và chân thành xin lỗi ông. Nhưng cậu không ngờ rằng, ông lão lại mỉm cười rạng rỡ và nói rằng: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”.

Em hiểu được rằng, thứ mà ông lão ăn xin nhận được từ Tuốc-ghê-nhép là sự kính trọng, yêu thương và mong muốn giúp đỡ ông rất chân thành. Tấm lòng nhân hậu đó của Tuốc-ghê-nhép với ông lão còn quý trọng hơn bất cứ điều gì.

Kể lại câu chuyện Người ăn xin Mẫu 1

Người ăn xin là câu chuyện kể về một cậu bé có tấm lòng nhân hậu. Câu chuyện ấy em đã đọc cách đấy vài năm, nhưng đến hôm nay những chi tiết trong đó em vẫn còn nhớ rõ.

Cậu bé trong câu chuyện có tên là Tuốc-ghê-nhép. Một ngày nọ, sau khi tan học, cậu bé đi bộ trên dãy phố như thường lệ. Nhưng hôm ấy cậu đã gặp một ông lão rất lạ. Ông lão ấy là một người ăn xin già nua, bẩn thỉu với đôi bàn tay sưng húp lên và nứt nẻ vì cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Ông đưa đôi bàn tay ấy ra run rẩy cầu xin Tuốc-ghê-nhép một thứ gì đó. Ánh mắt khẩn khoản, tha thiết của ông khiến cậu dừng lại. Tuốc-ghê-nhép vội vàng lục khắp túi áo, túi quần và cả ba lô nhưng buồn thay, hôm nay cậu lại không mang gì theo cả. Một cảm giác tội lỗi ùa lên trong lồng ngực Tuốc-ghê-nhép khiến cậu khao khát được làm gì đó. Cuối cùng, cậu đã cầm lấy đôi bàn tay bẩn thỉu, sưng tấy run rẩy kia của ông lão để thú nhận rằng “Xin lỗi ông, cháu không có gì để cho ông cả!”. Thế nhưng, nghe lời nói ấy, ông lão ăn xin lại bật cười hạnh phúc. Ông chậm rãi nhìn chăm chú vào đôi mắt long lanh đầy sự hối hận của Tuốc-ghê-nhép và bảo rằng “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”.

Hành động của cậu bé Tuốc-ghê-nhé trong câu chuyện đã chứa đựng rất nhiều thứ quý giá hơn cả tiền bạc. Đó là tình yêu thương con người, là sự tôn trọng với một người lớn tuổi. Điều mà bấy lâu nay, ông lão ăn xin bẩn thỉu đã không được trao tặng.

Kể lại câu chuyện Người ăn xin Mẫu 2

Lúc ấy, Tuốc-ghê-nhép – nhà văn nổi tiếng người Nga, còn là một cậu bé, đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt cậu.

Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại… Chao ôi! Cảnh nghèo đói, cơ hàn đã biến con người già nua kia thành xấu xí. Đau khổ biết nhường nào! Tuốc-ghê-nhép nhói lòng nghĩ.

Ông già chìa trước mặt cậu bé Tuốc-ghê-nhép bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp. Giọng ông hổn hển, van lơn chẳng ra hơi.

Cậu bé Tuốc-ghê-nhép lục tìm hết túi nọ, túi kia nhưng chẳng có gì. Cậu chẳng có tài sản gì dù chỉ một chiếc khăn tay.

Người ăn xin vẫn đợi cậu, tay vẫn chìa ra. Vô cùng thương xót, cậu bé Tuốc-ghê-nhép nắm chặt bàn tay run rẩy, sưng húp kia, chân thành nói:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Ông lão ăn xin nhìn cậu bé Tuốc-ghê-nhép chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đột nhiên đôi môi tái nhợt của ông lão nở nụ cười và bàn tay ông lão từ từ siết chặt bàn tay cậu bé Tuốc-ghê-nhép. Ông già ăn xin nói bằng giọng khản đặc:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Vỡ òa trong trái tim thơ ngây của cậu bé Tuốc-ghê-nhép một cảm xúc mãnh liệt: cậu hiểu rằng cả cậu nữa, cậu cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.

Kể lại câu chuyện Người ăn xin Mẫu 3

Một cậu bé đang đi trên đường thì bất chợt ông lão ăn xin đến ngay trước mặt. Ông lão lọm khọm, đôi mắt đỏ đọc giàn giụa nước, đôi môi xám xịt, quần áo tả tơi thảm hại. Tự nhiên, trong lòng cậu bé dấy lên một tình cảm xót thương vô hạn. Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí, kiệt sức.

Ông lão chìa bàn tay sưng húp, bẩn thỉu trước mặt cậu bé và rên rỉ cầu xin cứu giúp. Cậu bé lúng túng lục tìm hết túi nọ đến túi kia nhưng tiền không có, đồng hồ không có, thậm chí không có cả chiếc khăn tay. Trong khi đó, bàn tay kia vẫn chìa ra, chờ đợi.

Không biết làm cách nào, cậu bé đành nắm chặt lấy bàn tay run rẩy ấy và nghẹn ngào:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn cậu bé chằm chằm bằng đôi mắt giàn giụa nước; đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông siết chặt bàn tay cậu bé, ông lão thì thào bằng giọng khản đặc:

- Cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho ông nhiều lắm rồi đấy!

Cậu bé thấy sống mũi cay cay và chợt hiểu ra rằng mình cũng vừa nhận được một chút gì.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1.057
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • an pham
    an pham

    Trời ạ,tôi là hs lớp 4A và tôi thấy là cái văn này dễ bị cô thấy vãi ò :)

    Thích Phản hồi 14:24 20/10
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 4 Sách Mới

    Xem thêm