Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học lớp 4
TOP 10 Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật trong câu chuyện hoặc bài thơ lớp 4
- Dàn ý nêu tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 1
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 2
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 3
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 4
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học Ngắn
- Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về một nhân vật trong văn học lớp 4 Quả ngọt cuối mùa
- Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về nhân vật Mai trong câu chuyện Ông Bụt đã đến
- Có thể bạn đang tìm: Đoạn văn giới thiệu một nhân vật văn học mà em yêu thích lớp 5
Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!
Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật trong câu chuyện hoặc bài thơ đã đọc, đã nghe
Dàn ý nêu tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật
a) Mở đoạn:
- Giới thiệu nhân vật (trong câu chuyện hoặc bài thơ em đã đọc, đã nghe).
- Nêu ý kiến khái quát về nhân vật
b) Thân đoạn:
- Nêu những điều em ấn tượng về nhân vật (ví dụ: sự kiên nhẫn, sáng tạo của Ma-ri-a; lòng vị tha, cao thượng, nhân hậu của người nhạc sĩ; đức hi sinh và tình yêu thương con cháu của người bà; vẻ ngây thơ, háo hức trước cuộc sống mới của chú gà con;…).
- Nêu cảm xúc của em về nhân vật: thích thú, yêu quý, trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục,…
- Thể hiện tình cảm đối với nhân vật bằng một số cách: đọc bài thơ, câu chuyện nhiều lần, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với người thân về nhân vật,…
c) Kết đoạn: Đánh giá về nhân vật và khẳng định lại tình cảm, cảm xúc của em.
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 1
Trong câu chuyện “Ông Bụt đã đến”, em rất yêu quý nhân vật bé Mai. Vốn Mai là một cô bé còn khá nhỏ tuổi, nhưng rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Mỗi sáng, cô bé đều dậy sớm theo mẹ đi làm ở quán mà không hề khóc quấy hay đòi mẹ điều gì. Đặc biệt, Mai còn rất yêu thích cây cối, hoa cỏ. Điều đó thể hiện rõ qua chi tiết cô bé say sưa với nhành hoa lan của ông nhạc sĩ. Mỗi ngày, cô bé say sưa theo dõi, ngắm nhìn bông hoa bằng tình yêu trong sáng của mình. Vì vậy mà khi vô tình làm gãy bông hoa, Mai đã rất buồn và lo lắng. Cô bé cũng rất sợ bị ông nhạc sĩ - chủ nhân của nhành hoa trách phạt. Với sự ngây thơ của một cô bé tin vào truyện cổ tích, Mai đã cầu nguyện sẽ có một ông Bụt hiện lên giúp mình hồi sinh nhành hoa lan. Chi tiết đó khiên em vừa thương vừa buồn cười về sự ngây thơ của cô bé. Và thật may, ông nhạc sĩ đã giúp bé Mai giữ sự trong sáng và thơ ngây ấy bằng cách hóa thân thành ông Bụt, bí mật hoán đổi một chậu lan mới vào vị trí cũ. Nhờ vậy, mà cuối câu chuyện, bé Mai lại được sung sướng vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nhành lan đã “hồi sinh”. Nhân vật Mai đã để lại trong em những cảm xúc yêu mến và nâng niu. Em mong, Mai sẽ mãi luôn là cô bé ngoan ngoãn, yêu cây cối và trong sáng như thế.
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 2
Đọc bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu, em rất ấn tượng và có nhiều cảm xúc đặc biệt dành cho nhân vật Lượm. Lượm là một cậu bé liên lạc nhỏ tuổi, hồn nhiên và nhí nhảnh. Cách Lượm xuất hiện với hai má đỏ bồ quân, với chiếc mũ ca lô đội lệch, vừa đi vừa nhảy chân sáo, vừa huýt sáo vang khiến em như nhìn thấy một em bé hàng xóm đang đi chơi vậy. Thế nhưng không phải Lượm đang đi chơi đâu, đó là cậu đang làm nhiệm vụ đấy. Công việc của Lượm là đưa tin qua các vùng chiến trận nên hết sức nguy hiểm và gian nan. Ấy vậy mà một cậu bé nhỏ con như thế vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng rồi một ngày nọ, Lượm đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ. Sự ra đi ấy kết thúc một cuộc đời quá ngắn ngủi của chú bé ấy. Đọc đến khổ thơ đó, tiếng súng “Đoàng” cướp đi sinh mệnh Lượm cũng khiến lồng ngực em nhói lên vì sự xót xa, thương tiếc cho cậu bé ấy. Thật đau đớn biết bao khi chú bé phải ra đi khi còn quá nhỏ, khi tương lai phía trước còn rất dài. Sự ra đi ấy đã góp phần làm nên mùa xuân, tương lai cho đất nước. Em rất xúc động và biết ơn Lượm bởi cậu đã dũng cảm hi sinh bản thân mình vì độc lập tự do của tổ quốc.
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 3
Đọc bài thơ Quả ngọt cuối mùa của Võ Thanh An, nhân vật người bà đã khiến em vô cùng xúc động và yêu mến. Người bà ấy xuất hiện qua các cụm từ như “tóc sương da mồi”, “chống gậy ra trông”. Những chi tiết đó đủ để em hiểu được người bà đã khá lớn tuổi rồi. Và điều khiến em vô cùng xúc động ở bà, chính là tình yêu thương, quan tâm mà bà dành cho con cháu. Bà đã gìn giữ, để dành những quả cam ngon nhất cho con cháu của mình. Để làm được điều đó, mà phải tất bật lo lắng sương giá làm hỏng quả, lo lắng chim ăn mất trái ngon. Tình cảm của bà gói gọn trong những quả cam chín thơm ngọt ấy. Có phần ngon, bà luôn nghĩ ngay đến con cháu của mình, luôn muốn dành cho con cháu những điều tốt đẹp nhất. Sự yêu thương, quan tâm mộc mạc, chân chất ấy của bà khiến em rất cảm động. Những người cháu của bà thật may mắn và hạnh phúc khi có một người bà tuyệt vời như thế. Đọc bài thơ Quả ngọt cuối mùa, em cũng nhớ đến bà của em. Bà cũng luôn yêu thương và hi sinh cho các cháu như người bà trong bài thơ.
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Mẫu 4
Nhân vật ông nhạc sĩ trong câu chuyện Ông Bụt đã đến của Võ Thu Hương, là nhân vật văn học mà em đặc biệt ấn tượng. Ông nhạc sĩ ấy không được miêu tả cụ thể về một đặc điểm ngoại hình hay tính cách nào cả. Ông ấy chỉ xuất hiện với những suy nghĩ và hành động trực tiếp mà thôi. Nhưng chỉ như vậy cũng đủ để khắc họa nên một nhân vật có trái tim ấm áp. Ông nhạc sĩ ấy rất yêu làm vườn, bởi vậy ông có những chậu hoa lan nở đẹp rực rỡ, khiến mọi người phải xuýt xoa. Một hôm nọ, bé Mai vô tình làm gãy nhành lan của ông và cô bé đã rất ăn năn, hối lỗi về hành động của mình. Đứng trước hình ảnh cô bé nức nở thì thầm lời xin lỗi trước cửa nhà, ông nhạc sĩ đã chọn tha thứ cho cô bé và không hề buông một lời trách phạt nào cả. Không chỉ vậy, ông còn có một hành động khiến em vô cùng kinh ngạc. Đó là âm thầm đổi một chậu lan mới thay cho chậu hoa bị gãy kia. Điều đó đã khiến bé Mai nghĩ rằng chậu hoa đã được ông Bụt làm phép sống lại, và cười rất sung sướng. Hành động ấy của ông nhạc sĩ đã đổi lại nụ cười và niềm vui sướng cho một tâm hồn trong sáng. Điều đó đã khắc họa nên tấm lòng vị tha, cao thượng và nhân hậu của ông. Có lẽ chính ông đã thực sự trở thành một ông Bụt thực sự giữa cuộc sống này. Đó chính là điều khiến em yêu quý và ấn tượng về nhân vật này ngay từ lần đầu tiên đọc câu chuyện Ông Bụt đã đến.
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học Ngắn
>> Xem 2 đoạn văn mẫu ngắn gọn tại đây Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật Ngắn nhất
Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về một nhân vật trong văn học lớp 4 Quả ngọt cuối mùa
>> Xem 2 đoạn văn mẫu thuộc chủ đề này tại đây Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về một nhân vật trong văn học lớp 4 Quả ngọt cuối mùa
Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về nhân vật Mai trong câu chuyện Ông Bụt đã đến
>> Xem 2 đoạn văn mẫu thuộc chủ đề này tại đây Viết đoạn văn nêu tình cảm cảm xúc về nhân vật Mai trong câu chuyện Ông Bụt đã đến