Kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người lớp 4
Viết bài văn kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người
Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!
Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người
Kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người Mẫu 1
Trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện kể được sáng tạo ra nhằm ngợi ca trí thông minh của con người. Nổi bật trong số đó là câu chuyện “Trí khôn của ta đây”.
Câu chuyện lấy bối cảnh ở một làng quê bình yên cách đây rất xa xưa. Ở đó có một anh nông dân nổi tiếng thông minh, được nhiều người kính trọng. Sự thông minh của anh còn truyền đến tai cả chúa tể sơn lâm, khiến nó vô cùng tò mò, bèn quyết định đến tận nơi để xem thực hư như thế nào. Ngày hôm đó, sau một buổi sáng cày bừa vất vả, anh nông dân cùng chú trâu của mình lại ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây như thường lệ. Khi anh đang lim dim chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì chợt nghe thấy tiếng xào xạc kì lạ từ bụi cây phía trước. Bất ngờ, từ trong bụi cây lao ra một bóng dáng to lớn và hung dữ. Đó là một con hổ trưởng thành với bộ vuốt và hàm răng sắc nhọn. Ngay lập tức, anh nông dân đứng dậy, căng thẳng nhìn về phía con hổ, liên tục suy nghĩ tìm cách xử lý. Tuy nhiên, điều khiến anh bất ngờ là, con hổ không hề có định vồ vào anh để ăn thịt, mà nhìn anh thật chăm chú rồi cất tiếng nói chuyện. Nó bảo rằng nếu anh muốn sống thì phải cho nó xem trí thông minh của anh. Nghe đến đây, anh nông dân ngay lập tức nghĩ ra một kế sách rất hay.
Anh giả vờ nói với con hổ rằng trí thông minh là vật quý giá, nên anh thường giấu kĩ ở nhà chứ không mang theo ra ngoài. Bây giờ nếu hổ muốn xem nó thì phải để anh về nhà để lấy. Nhưng anh sợ hổ ở lại sẽ ăn thịt mất trâu của anh. Nói rồi anh giả vờ ngần ngừ, đề nghị hổ cho mình trói lại ở gốc cây, rồi chờ anh về nhà lấy trí thông minh. Hổ nghe vậy liền đồng ý ngay mà không chút suy nghĩ gì. Nó đứng im cạnh gốc cây cho anh nông dân trói mình lại. Sau khi quấn dây hơn mười vòng, anh nông dân siết chặt nút thắt, sau đó mới lùi lại, nhìn con hổ từ phía xa. Anh bảo nó thử vùng vẫy xem có thoát ra được không, quả nhiên, con hổ chắc thể di chuyển được dù chỉ một chút. Thế là, anh nông dân rút ra một chiếc roi dài, quất mạnh vào người hổ. Mỗi nhát roi đều lằn sâu vào da hổ khiến nó vô cùng đau đớn. Lúc này, nó mới nhận ra mình đã bị lừa nhưng đã muộn. Mỗi nhát roi, anh nông dân lại hét lên rằng “Trí khôn của ta đây”, khiến hổ khóc lóc xin tha. Sau khi đánh hổ một trận nhừ tử, anh nông dân châm lửa đốt cây, rồi dắt trâu về nhà. Con hổ đau đớn dùng hết sức bình sinh vùng ra khỏi sợi dây, bỏ chạy về rừng. Từ ngày đó, loài hổ đều có những vết vằn đen trên lưng do trận đòn và bị đốt ngày hôm đó. Đồng thời, danh tiếng về trí thông minh của con người cũng khiến loài hổ khiếp sợ, khiến chúng không dám xuống đồng bằng tìm con người nữa, mà chỉ dám lẩn trốn trong rừng.
Câu chuyện “Trí khôn của ta đây” đã khẳng định trí tuệ và sự nhanh nhạy, khôn khéo của anh nông dân, khiến chúa tể sơn lâm cũng phải khiếp sợ. Từ đó ngợi ca trí tuệ dân gian của người dân ta. Sự thông minh ấy đến từ cuộc sống thường ngày, từ những bài học của ông cha truyền cho con cháu.
Kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người Mẫu 2
Trong kho tàng chuyện kể dân gian Việt Nam, có rất nhiều những câu chuyện hay được viết nên để ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của con người, như sự dũng cảm, lòng nhân hậu, trí thông minh, sự chăm chỉ… Trong đó, câu chuyện mà em yêu thích nhất, cũng là câu chuyện đầu tiên em tự đọc được, chính là câu chuyện Em bé thông minh.
Em bé thông minh là một câu chuyện cổ tích kể về một em bé có xuất thân từ gia đình nông dân bình thường, nhưng lại có trí thông minh hơn người. Trí tuệ ấy được thể hiện thông qua những thử thách với mức độ khó khăn tăng dần trong câu chuyện. Thử thách đầu tiên, là khi sứ giả tuân lệnh nhà vua đi khắp nơi để tìm người tài. Khi ông đi đến một ngôi làng nhỏ, nhìn thấy hai cha con cậu bé đang cày ruộng, thì bèn tiến lại, đưa ra một câu đố để thử tài. Ông ta thử thách cậu bé tính xem một ngày con trâu của hai cha con cày được bao nhiêu đường. Để hóa giải câu đố khó nhằn, cậu bé hỏi ngược lại viên quan, rằng nếu ông ta nói được chính xác một ngày con ngựa của ông đi được bao nhiêu bước chân, thì cậu sẽ trả lời câu hỏi của ông. Cách đối đáp của cậu bé khiến viên sứ giả nhận ra ngay cậu bé là một người có tài trí hơn người. Vì vậy vội vàng trở về kinh tâu chuyện với nhà vua. Tuy nhiên, nhà vua nghe qua thì chưa tin lắm, nên quyết định đích thân mình đưa ra câu đố để thử tài cậu bé. Đó chính là thử thách thứ hai.
Ở thử thách này, nhà vua ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, yêu cầu làng phải chăm sóc làm sao để trâu đẻ ra trâu con, nộp lại cho vua. Thế nhưng ba con trâu đực thì làm sao mà sinh ra trâu con được chứ? Khi dân làng đang đau đầu trước yêu cầu hóc búa. Cậu bé đã nghĩ ra được cách hóa giải. Cậu bình tĩnh bảo dân làng xẻ thịt trâu mở tiệc linh đình, và một phần thì để hai cha con làm lộ phí để lên kinh thành. Sau khi ăn uống no say, cậu bé cùng cha lên kinh thành gặp vua. Đến nơi, cậu chạy lại trước cửa cung vua, la khóc ầm ĩ để gây sự chú ý. Khi được vua gọi vào hỏi chuyện, cậu bé mới nói rằng, muốn nhà vua phạt cha mình vì cha không chịu sinh em cho cậu có bạn chơi cùng. Khi biết mẹ cậu đã mất, nhà vua lắc đầu, nói với cậu rằng, cha cậu là đàn ông thì không thể sinh em bé được đâu. Nghe vậy, cậu bé liền ngừng khóc, hỏi ngược lại nhà vua vì sao lại đưa cho làng cậu ba con trâu đực mà mong có trâu con, vậy thật là vô lý. Đến đây, nhà vua nhận ra cậu bé chính là nhân tài mà mình muốn thử thách. Người gật đầu hài lòng, sai lính canh dẫn cậu và cha vào nghỉ ngơi ở một phủ đệ gần đó.
Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, nhà vua vẫn quyết thử thách cậu bé một lần nữa. Ông sai lính đưa cho cậu một con chim sẻ, yêu cầu làm thành một mâm cỗ lớn. Ngay lập tức, chẳng cần nghĩ ngợi, cậu bé liền mở túi hành lý, lấy ra một chiếc kim khâu đưa cho quân lính, nhờ họ chuyển lời tới nhà vua. Đề nghị nhà vua mài chiếc kim thành một con dao thật sắc để mổ thịt chim sẻ làm cỗ. Lần này thì nhà vua đã hoàn toàn thán phục trước sự thông minh và tài ứng biến nhanh trí của cậu bé.
Đúng lúc ấy, sứ giác nước láng giềng đến thăm nước ta. Mục đích chuyến đi này là để xem nước ta có người hiền tài hay không để chúng thực hiện âm mưu xâm lược. Vì vậy, cả triều đình đều hết sức căng thẳng. Sứ giả nước bạn mang theo câu hỏi vô cùng hóc búa, đó là xâu sợi chỉ qua thịt một con ốc mà không làm hỏng vỏ ốc. Câu hỏi này khiến cả triều đình vò đầu bứt tóc vẫn không giải được. Ấy thế mà, cậu bé vừa nghe câu hỏi, đã lập tức ứng tác một bài ca dao với nội dung là lời giải đố. Nhờ vậy mà câu đố của sứ giả bị hóa giải một cách dễ dàng. Lần này, cả triều đình đều trầm trồ và thán phục trước tài trí của cậu bé. Sau bốn lần thử thách, trí thông minh của cậu bé đã được cả nước công nhận. Cậu được nhà vua phong làm trạng nguyên và xây một tòa dinh thự lớn ở gần cung vua để tiện hỏi việc triều chính.
Câu chuyện Em bé thông minh vừa thú vị lại hấp dẫn. Đọc câu chuyện ấy, em rất khâm phục sự thông minh và nhanh trí của bạn nhỏ. Đồng thời hiểu được sự trân trọng của người xưa với trí tuệ con người.
Kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người Ngắn nhất
>> HS tham khảo các bài văn mẫu ngắn gọn hơn tại đây Kể lại câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người Ngắn nhất